Đồng hành cùng chương trình tiêm vaccine COVID-19 của chính phủ, chúng tôi đã tổ chức những cuộc toạ đàm trực tuyến nhằm kết nối chuyên gia giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của độc giả trong vấn đề tiêm vaccine.
Nhận thấy nhu cầu thông tin của độc giả còn rất nhiều, trong đó có rất nhiều băn khoăn cụ thể, chúng tôi tiếp tục làm cầu nối để độc giả có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và lắng nghe giải đáp của chuyên gia.
Buổi toạ đàm với chủ đề: AN TOÀN KHI TIÊM VACCINE COVID-19: ĐỘC GIẢ HỎI - CHUYÊN GIA TRẢ LỜI với sự tham gia của TS.BS Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, BV Đại học Y dược TP HCM sẽ nhận câu hỏi của độc giả và gửi cho chuyên gia giải đáp trực tiếp trong chương trình.
Kính mời độc giả theo dõi chương trình được phát sóng trực tiếp trên page Soha.vn:
Hỏi: Chào Bác sĩ! Tôi mổ tràn dịch màng phổi đến nay gần 1 tháng. Vậy tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 2 có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ.
Trả lời: Hiện tại chỉ có 3 chống chỉ định tạm hoãn không thể tiêm vắc xin COVID-19 cụ thể như sau:
- Nhóm người dị ứng với các thành phần của vắc xin
- Người mắc bệnh COVID-19 đã điều trị khỏi dưới 6 tháng, các bệnh lý cấp chưa được kiểm soát
- Phụ nữ đang mang thai dưới 13 tuần.
Hỏi: Tôi đã được tiêm mũi 1 vắc xin Moderna, nay đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng không có vắc xin Moderna để tiêm. Tôi có thể tiêm loại vắc xin khác thay thế không?
Trả lời: Lịch trình tiêm vắc xin Moderna cách nhau 28 ngày. Nếu tiêm sớm hoặc muộn cũng không ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch.
Hiện tại trên thế giới mới chỉ áp dụng việc tiêm trộn khi mũi thứ nhất của bạn là vắc xin AstraZeneca thì chuyển sang vắc xin Pfizer, không chuyển đổi mũi 1 vắc xin Moderna sang mũi 2 là AstraZeneca và Pfizer.
Theo WHO khuyến cáo, tốt nhất nên tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại, nhưng sẽ tùy theo tình huống của từng quốc gia. Hiện nay chưa có tiêm trộn vắc xin Moderna với vắc xin khác, nên chúng ta cần chờ khuyến cáo của Bộ Y tế. Với 1 mũi vắc xin Moderna đã tiêm, bạn sẽ có được sự bảo vệ tới 72%, biến chứng nặng giảm đi rất nhiều. Trong thời gian chưa có vắc xin để tiêm mũi 2, bạn cần phải tuân thủ 5K.
Hỏi: Tôi tiêm đủ 2 liều vắc xin, có thể đi vào vùng dịch hay không?
Trả lời: Tiêm đủ 2 liều vắc xin đủ 2-4 tuần mới tạo miễn dịch. Dù tiêm đủ 2 liều vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Các cơ quan như: WHO, CDC đều khuyến cáo tiêm đủ 2 liều cũng không thể bảo vệ 100%. Nhưng việc tiêm đủ 2 liều sẽ giảm nguy cơ bệnh nặng phải nhập viện.
Đối với vắc xin AstraZeneca có thể giảm 92% bệnh nặng phải nhập viện, với vắc xin Pfizer có thể giảm 96% bệnh nặng phải nhập viện và đối với biến chủng Delta (ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ) thì theo khuyến cáo, dù tiêm đủ 2 liều vắc xin vẫn phải tuân thủ 5K để phòng bệnh cho bản thân và với người khác.
Hỏi: Cho tôi hỏi vắc xin Sinopharm tiêm có an toàn?
Trả lời: Vắc xin Sinopharm làm theo công nghệ vắc xin cổ điển dùng virus SARS-CoV-2 bất hoạt (không thể gây bệnh).
Các vắc xin được sản xuất theo cách cổ điển khi sử dụng thường khá an toàn nên mọi người có thể yên tâm sử dụng. Về hiệu quả so với vắc xin Sinopharm không bằng so với các vắc xin làm bằng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm thì có thể dùng vắc xin Sinopharm vẫn có hiệu quả phòng bệnh.
Dù vắc xin Sinopharm không phải là vắc xin được nghiên cứu phát triển ở một nước tiên tiến, nhưng nó đã trải qua quá trình thử nghiệm rất nghiêm ngặt và đã được WHO cấp phép do vậy đây là vắc xin an toàn khi tiêm.
Hỏi: Tôi tiêm vắc xin về nhưng không thấy bất cứ phản ứng gì, liệu rằng vắc xin có tác dụng hay không?
Trả lời: Rất nhiều người đã từng hỏi tôi câu hỏi này vì nghĩ rằng vắc xin không hiệu quả. Khi vắc xin tiêm vào cơ thể sẽ trải qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 cơ thể sẽ xảy ra những phản ứng với vắc xin như sốt, đau, mệt mỏi. Thời gian phản ứng này sẽ kéo dài 1-3 ngày. Giai đoạn 1 sẽ tuỳ theo phản ứng của cơ thể sẽ khác nhau.
Hoặc lý do khác là, vắc xin COVID-19 AstraZeneca là vắc xin phòng bệnh do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19). Thành phần vắc xin gồm vector Adenovirus tinh tinh tái tổ hợp và mất khả năng sao chép, gắn gen tổng hợp protein gai bề mặt của vi rút SARS-CoV- 2 có tên gọi là Spike (S protein). Cho nên có thể người đó đã từng tiếp xúc với Adenovirus nên triệu chứng nhẹ.
Giai đoạn 2 là giai đoạn tạo miễn dịch (kháng thể), sẽ bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi. Do vậy việc không phản ứng sau tiêm vẫn có tác dụng.
Hỏi: Tại sao người đã mắc COVID-19 lại không nên tiêm vắc xin ngay?
Trả lời: Theo khuyến cáo WHO, một người mắc COVID-19 sẽ có kháng thể cao tới một mức nhất định và sau đó giảm dần. Do đó, người đã mắc bệnh Covid-19 sau 6 tháng mới nên tiêm tiếp vắc xin. Và chúng ta có thể tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào.
Hỏi: Tôi bị sốc phản vệ độ 2 khi ăn trái cây như: chôm chôm, nhãn, vải, vậy tôi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có an toàn?
Trả lời: Bạn vẫn có thể tiêm bình thường tại các điểm tiêm tại cồng đồng. Các điểm tiêm đều có thuốc có thể xử lý khi xảy ra số phản vệ. Nếu bạn không yên tâm thì nên tiêm tại các bệnh viện.
Hỏi: Xin chào Bác sĩ. Tôi hay bị dị ứng nổi mề đay khi ăn cua. Gần đây tôi bị ong bần chích 1 đốt chừng nửa tiếng là nổi mề đay, vậy tôi có tiêm vắc xin phòng Covid-19 được không?
Trả lời: Dị ứng là tình trạng đặc biệt tuỳ theo từng cá nhân. Có người không bị dị ứng với bất cứ loại thức ăn hay thuốc gì, nhưng có người bị dị ứng với rất nhiều loại. Điều này để khẳng định việc dị ứng sẽ tuỳ thuộc vào từng cá thể.
Hiện nay, chỉ khuyến cáo không tiêm vắc xin cho các trường hợp có dị ứng với thành phần của vắc xin. Thường các thành phần được thêm vào vắc xin có tác dụng bổ trợ và nâng cao hiệu quả của vắc xin có thể gây ra dị ứng với một số người.
Hỏi: Tôi bị nhiều bệnh nền: đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, đã từng bị sốc phản vệ độ 2 với thức ăn thì nên tiêm vắc xin nào?
Trả lời: Đối với trường hợp của bác, nên chọn các loại vắc xin có tăng khả năng bảo vệ cao. Bác đang ở nhóm ưu tiên cao nhất do vậy sẽ được tiêm vắc xin tốt nhất nếu điểm tiêm đang có. Như vậy, bác cứ yên tâm đi tiêm với tâm lý thoải mái.
Hỏi: Tôi bị HIV, tiêm vắc xin COVID-19 cần lưu ý gì? Những thuốc gì không nên dùng sau tiêm?
Trả lời: Bạn thuộc vào nhóm được tiêm ngừa do miễn dịch giảm, mắc COVID-19 sẽ dễ bị nặng. Do vậy, bạn cần phải tiêm vắc xin COVID-19 sớm.
Tất cả các bệnh nhân ung thư, suy giảm miễn dịch, HIV đều có thể được tiêm vắc xin COVID-19. Do vắc xin là virus bất hoạt nên không gây nguy hại cho cơ thể. Sau tiêm vắc xin bạn vẫn uống thuốc bình thường.
Một số loại thuốc cần dừng uống sau khi tiêm như: thuốc ức chế miễn dịch, thuốc khớp, thuốc tăng khả năng huyết khối cần phải được tư vấn bác sĩ điều trị trước khi tiêm. Đối với các trường hợp đang dùng các loại thuốc kể trên, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có thời gian tiêm ngừa tốt nhất.