Tình trạng tưởng vô hại nhưng có thể khiến chị em 'chậm con'

Mộc Trà |

Nhiều chị em phụ nữ bị lo âu, căng thẳng trong cuộc sống. Điều này có thể góp phần dẫn đến tình trạng 'chậm con'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chị V.T.T.T (28 tuổi, tại Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) kết hôn đã được gần 2 năm nhưng chưa có "tin vui". Điều này khiến 2 vợ chồng vô cùng buồn rầu và lo lắng. Trước khi kết hôn, chị đã đi khám tiền hôn nhân, kết quả của cả 2 vợ chồng đều bình thường.

Cho đến gần đây, khi cả 2 vợ chồng mong con nhưng chưa có, chị mới gặp bác sĩ để khám. Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết khi khai thác tình trạng hai vợ chồng, BS Thành phát hiện chị T. luôn gặp tình trạng lo âu, căng thẳng stress vì công việc và các vấn đề khác trong cuộc sống. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc có thai tự nhiên. BS Thành đã hướng dẫn chị T. giải tỏa lo lắng và bổ sung một số thuốc, thực phẩm chức năng cần thiết, sau một thời gian nữa sẽ quay trở lại khám.

Theo BS Thành, stress gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt của đời sống tinh thần, sức khỏe và việc làm nói chung. Stress và hiếm muộn là mối tương quan hai chiều: Bệnh nhân hiếm muộn thường gặp phải các vấn đề về stress và ngược lại, căng thẳng, lo âu trong cuộc sống hiện đại cũng góp phần gây ra tình trạng hiếm muộn.

Trung tâm hỗ trợ sinh sản của trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) từng thực hiện một cuộc khảo sát và cho kết quả có khoảng 1,3 triệu người tìm đến các dịch vụ tư vấn và điều trị chứng vô sinh, hiếm muộn đều có các dấu hiệu về tâm lý.

Xét rộng hơn, có thể nhìn nhận hai khía cạnh như sau:

- Trầm cảm có thể là một yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.

- Ngược lại, người vô sinh hiếm muộn cũng có tỷ lệ cao mắc trầm cảm hay các rối loạn tâm lý khác.

Hai vấn đề này tương tác qua lại mật thiết với nhau và đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc tương lai của mỗi người.

“Các nghiên cứu đã chỉ ra stress có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh dục, làm thay đổi nội tiết tố của cơ thể, gây ra hàng loạt các vấn đề như rối loạn rụng trứng, rối loạn chu kỳ kinh, rối loạn xuất tinh, giảm khả năng thụ thai. Trong khi đó người bị trầm cảm luôn sống trong căng thẳng tâm trí trong suốt thời gian dài nên khả năng mang thai ngày càng giảm sút”, BS Thành cho biết.

Tình trạng tưởng vô hại nhưng có thể khiến chị em chậm con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), stress là phản ứng của cơ thể khi phải đối mặt với hoàn cảnh và áp lực vượt quá khả năng xử lý, thách thức khả năng đối phó của con người. Stress không phải là một bệnh, tuy nhiên stress có thể dẫn đến suy nhược về tâm lý, suy giảm hoạt động não bộ và từ đó suy nhược cả cơ thể.

Nói cách khác, căng thẳng là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như trầm cảm, mất ngủ. Stress cũng là yếu tố gây tăng nặng cho các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, thậm chí là ung thư. Stress cũng có thể góp phần gây ra tình trạng hiếm muộn và làm giảm hiệu quả của điều trị IVF.

BS Thành lưu ý mặc dù stress và vô sinh hiếm muộn là hai vấn đề sức khỏe hoàn toàn khác biệt nhau nhưng lại có mối tương quan với nhau rất mạnh mẽ. Do đó, chị em nên có một lối sống khoa học, lành mạnh, tích cực, cố gắng giữ tinh thần thoải mái. Điều này có thể mang đến lợi ích toàn diện cho sức khỏe chứ không chỉ để phòng tránh nguy cơ stress hay vô sinh hiếm muộn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại