Nghiên cứu được công bố trong tuần này trên Tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy rằng có rất ít trường hợp tái mắc COVID-19 được xác nhận trong số 353.326 người mắc COVID-19 ở Qatar, và các trường hợp tái mắc bệnh nhìn chung là nhẹ.
Đợt dịch COVID-19 đầu tiên ở Qatar xảy ra từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020. Kết thúc đợt dịch, khoảng 40% dân số có kháng thể kháng COVID-19. Quốc gia này sau đó đã trải qua thêm 2 đợt dịch nữa từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2021, đây là thời điểm trước khi biến thể Delta trở nên dễ lây nhiễm hơn.
Để xác định có bao nhiêu người bị tái mắc COVID-19, các nhà khoa học thuộc Weill Cornell Medicine-Qatar đã phân tích hồ sơ bệnh án của những người mắc COVID-19 được xác nhận bằng xét nghiệm PCR từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2021. Họ đã loại trừ 87.547 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 .
Khi bị tái mắc COVID-19 thì tỷ lệ phải nhập viện hoặc tử vong thấp hơn nhiều
Kết quả cho thấy, trong số các trường hợp còn lại, có 1.304 trường hợp tái mắc COVID-19. Thời gian trung bình giữa lần mắc COVID-19 đầu tiên và lần tái mắc là khoảng 9 tháng.
Trong số những người bị tái mắc COVID-19, chỉ có 4 trường hợp nặng phải nhập viện nhưng không có trường hợp nào phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Trái lại, trong số các trường hợp mắc COVID-19 lần đầu, 28 trường hợp bị tình trạng nguy kịch. Không có trường hợp nào tử vong trong nhóm tái mắc, trong khi có 7 ca tử vong trong nhóm mắc COVID-19 lần đầu.
Giáo sư John Alcorn, chuyên gia về miễn dịch học thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chỉ có 1.300 ca tái mắc với 4 trường hợp mắc bệnh nặng là điều rất đáng quan tâm".
Vaccine phòng COVID-19 vẫn đóng vai trò quan trọng
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này có hạn chế là chỉ được thực hiện ở Qatar, vì vậy không rõ liệu virus có hoạt động tương tự như vậy ở những nơi khác trên thế giới hay không. Mặc dù trong giai đoạn đó, có sự tác động của cả biến thể Alpha và Delta nhưng nghiên cứu cũng chưa phân tích sâu về ảnh hưởng của biến thể Delta, yếu tố có thể tác động đến tình trạng tái mắc COVID-19.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch tự nhiên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Một nghiên cứu thực hiện ở Đan Mạch được công bố vào tháng 3/2021 cho thấy hầu hết những người mắc COVID-19 có thể tránh được tình trạng tái mắc COVID-19 và duy trì được trạng thái này trong hơn 6 tháng, nhưng một cuộc điều tra về nhân khẩu học lại cho thấy hầu hết những trường hợp tái nhiễm là người từ 65 tuổi trở lên. Nghiên cứu không cho biết thời gian mà hệ miễn dịch có thể bảo vệ cơ thể tránh tái nhiễm kéo dài trong bao lâu và nghiên cứu mới ở Qatar cũng chưa đề cập tới vấn đề này.
Kết quả một nghiên cứu khác về khả năng miễn dịch tự nhiên cho thấy mức độ kháng thể khác nhau đáng kể ở mỗi người. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ mức kháng thể bảo vệ là bao nhiêu, nhưng trong một số trường hợp, mức kháng thể được hình thành sau mắc COVID-19 có thể không đủ để phòng tránh được tái nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học cho biết: "Cần phải xác định xem liệu khả năng bảo vệ chống lại tình trạng bệnh nặng khi tái nhiễm có kéo dài hay không, liệu có tương tự như khả năng miễn dịch được hình thành khi bị nhiễm các chủng virus corona khác gây cúm mùa hay không. Khi bị nhiễm virus corona gây cúm mùa, cơ thể tạo ra khả năng miễn dịch ngắn hạn giúp cơ thể chống lại tái nhiễm với tình trạng nhẹ nhưng lại tạo ra được khả năng miễn dịch dài hạn chống lại tình trạng bệnh nặng khi tái nhiễm".
Tiêm vaccine vẫn là giải pháp tốt nhất đối với mọi người
Tiến sĩ Kami Kim, trưởng Khoa bệnh Truyền nhiễm và Y tế quốc tế thuộc Đại học Nam Florida (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta cần phải thận trọng để tránh nhiều người hiểu sai lầm rằng họ không cần phải tiêm phòng nữa nếu đã bị mắc COVID-19".
Tiến sĩ Kim nhấn mạnh: "Cần phải hạn chế nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 vì COVID-19 có thể gây hậu quả lâu dài đối với sức khỏe. Tình trạng COVID-19 kéo dài có thể gây ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với nguy cơ từ tiêm vaccine. Ngoài ra, tiêm chủng không chỉ bảo vệ một cá nhân tránh bị bệnh mà còn bảo vệ cả cộng đồng".
Theo các nhà khoa học: "Không phải lúc nào chúng ta cũng biết được ai là người có nguy cơ nhiễm bệnh và bị tình trạng bệnh nặng hơn. Do đó, nếu không đẩy mạnh tiêm chủng, chúng ta sẽ không thể đưa cuộc sống trở lại bình thường. Việc hạn chế số ca bệnh lây lan rộng sẽ giúp hạn chế khả năng SARS-CoV-2 đột biến tạo ra các biến thể mới có thể gây nguy hiểm hơn những biến thể virus hiện tại".
Các nhà khoa học cho rằng: "Tiêm vaccine vẫn là giải pháp tốt nhất đối với mọi người, kể cả những người đã từng mắc COVID-19 . Qua đó, hy vọng rằng bằng việc đẩy mạnh tiêm chủng và trạng thái phục hồi sau mắc COVID-19, chúng ta sẽ đạt được ngưỡng miễn dịch đủ khả năng để khống chế thành công đại dịch".