Biên chế, trọng dụng và dựa dẫm
Giữa cuộc chiến khen – khê – góp ý sôi nổi của công chúng, thủ khoa Bùi Thị Hà đã quyết định: Nếu thời gian ngắn tới, Hà Giang không trọng dụng, cô sẽ xuống Hà Nội làm giáo viên hợp đồng.(đọc tin chính)
Đây là một thông tin tốt, tuy rằng nó mới dũng cảm một nửa. Từ "trọng dụng" mà Hà dùng, có thể hiểu là một suất trong biên chế (nếu như cô thi đỗ).
Nếu Hà nghĩ rằng chỉ có "vào biên chế" nhà nước thì mới là "trọng dụng", hẳn cô nên tìm đọc cuốn sách về những người làm thuê số 1 ở Việt Nam; đọc câu chuyện về những đại gia tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà
Đồng trang lứa với Hà, chắc chắn phần lớn những người giỏi nhất không chọn cách ở lại trường ĐH làm giáo viên. Những người ấy đã được nhận hoặc tìm được việc làm, trước khi cầm tấm bằng tốt nghiệp.
Có một cách trọng dụng khác, còn tuyệt vời hơn, đó là "trọng dụng chính mình". Nếu Hà quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề nuôi lợn sạch – như gợi ý của một doanh nhân kinh doanh thực phẩm sạch – Hà đã "trọng dụng chính mình".
Nếu không thể trọng dụng chính mình, hãy dũng cảm nhìn thẳng vào bộ mặt biên chế để thấy nó đã quá tải như thế nào.(đọc tin chính) (đọc tin chính)
Tin tốt lành này có thể khiến những người vẫn mơ "chắc suất biên chế" như Hà sẽ buồn, nhưng nó lại rất cần thiết cho lộ trình chấn hưng đất nước. Không thể để tình trạng công chức ung ung sáng cắp ô đi tối cắp về trong khi con ngựa Việt Nam buộc phải phi nước đại mới mong rút ngắn khoảng cách với bè bạn khu vực, chứ chưa nói đến năm châu bốn biển.( đọc tin chính)
Còn nếu, đọc hết những thứ ấy mà vẫn băn khoăn, Hà hãy đọc tâm sự của một cô giáo, dù rất yêu nghề giáo, nhưng đã xin ra khỏi biên chế khi tìm được một hướng đi mới cho cuộc đời mình: (đọc tin chính)
Không cánh cửa hấp dẫn nào mở ra trước cuộc đời mình, chỉ bằng việc ngồi im một chỗ và đọc mấy câu thần chú "vừng ơi, mở cửa ra".
Có rất nhiều lời mời thủ khoa Bùi Thị Hà tới làm việc, nhưng đó không phải là con đường trải đầy hoa hồng.
Làm ở những công ty năng động như thế, Hà phải nỗ lực rất nhiều để không phải "ăn mày dĩ vãng" cái danh vị thủ khoa. Thủ khoa trong trường và thủ khoa ở công ty, nhiều khi là khoảng cách xa vời vợi.
Câu chuyện "thủ khoa nuôi lợn", ban đầu là sụt sùi thương cảm, trách móc cơ chế, cuối cùng lại phát đi những tín hiệu rất tốt lành không chỉ cho Hà, mà cho rất nhiều bạn trẻ: Đừng dựa dẫm vào bất cứ điều gì khác, khi chính mình chưa chịu tiến lên.
Công chúng mong gì ở các NSND, NSƯT?
Cuộc chiến giữa những nghệ sĩ của hãng phim truyện Việt Nam với ông chủ mới, chưa có hồi kết, nhưng lại xuất hiện những yếu tố tương đồng thú vị với vụ thủ khoa nuôi lợn.
Bùi Thị Hà có chiếc giấy chứng nhận thủ khoa, để tự hào về quá trình học tập của mình. Nhưng hơn 1 năm qua, tấm giấy đó không giúp cô có được một việc làm mong muốn hơn là việc nuôi lợn, làm rẫy, bán cam.
Các NSND, NSƯT của Hãng phim truyện Việt Nam, có một quá khứ thành tích huy hoàng hơn nhiều.
Những tác phẩm, vai diễn của họ từng làm say mê, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và gặt hái vô số giải thưởng danh giá. Họ chính là những "thủ khoa" trong điện ảnh Việt.
Thú thực nhìn những "tượng đài" trong điện ảnh như thế phải rơi nước mắt, phải chấm công hàng ngày như nhân viên hành chính, phải ngồi trong những căn phòng làm việc rách nát không máy tính, của khu nhà cấp bốn ổ chuột, ai cũng thấy xót xa.
Phòng đạo diễn của Hãng phim truyện Việt Nam mới được tách ra chỉ có duy nhất một bộ sofa đã hỏng gần hết. Hình ảnh ghi lại ngày 9/10.
Có mấy câu hỏi tôi muốn hỏi những nghệ sĩ chân chính ấy:
Tại sao những người luôn sáng tạo trong nghệ thuật, lại chấp nhận hàng ngày ngồi sống mòn trong những căn phòng xập xệ, nhận khoản lương còm cõi vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, trong một thời gian dài như thế?
Họ ngồi chờ một cơ chế không biết bao giờ đến hay họ không thể tiếp tục tự thân sáng tạo trong thời kỳ mới để phục vụ công chúng?
Tại sao họ lại chấp nhận lao vào cuộc chiến với một kẻ ngoại đạo mà họ cho rằng "thiếu văn hóa và không hiểu gì về nghệ thuật" như vậy?
Biên kịch Tống Thị Phương Dung đã đặt câu hỏi với ông chủ hãng phim "Ai mới là người ăn vạ đây?", khi ông này vu cho NSUT Quốc Tuấn là Chí Phèo ăn vạ.
Tại sao nghệ sĩ lại chấp nhận bị đổ cho ăn vạ và chịu ở dưới trướng những người mà họ cho là ăn vạ?
Những thành tựu quá khứ của họ, của Hãng, không ai có thể phá bỏ, kể cả ông chủ mới. Bởi những thành tựu ấy đã ở trong tim, trong óc công chúng; ở trong danh hiệu mà họ được phong tặng.
Những kẻ ngoại đạo và thiếu văn hóa cũng không thể phá được sự sáng tạo của nghệ sĩ, vì sự sáng tạo ấy thuộc về bản thân nghệ sĩ.
Không chỉ có Hãng phim truyện Việt Nam mới biết làm phim, mới có đất diễn cho nghệ sĩ. Sức sáng tạo của họ, nếu còn, không sợ lãng phí trong một xã hội nhiều cơ hội như bây giờ.
Vì vậy, có lẽ cái cuối cùng, trong cuộc chiến này chính là sự lựa chọn.
Thay vì chờ đợi một cơ chế nào đó rất khó được ban ra (vì cổ phần hóa là hành trình tất yếu); thay vì cãi vã với những người không xứng đáng, nghệ sĩ có thể dành năng lượng sáng tạo ở một nơi khác biết trân trọng giá trị của mình.
Và quan trọng nhất, ngoài kia, khán giả luôn chờ đón những tác phẩm có giá trị.
Toàn cảnh cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam (Hình ảnh ghi ngày 9/10)
Giống như thủ khoa Bùi Thị Hà, nếu cứ nhìn lại hình ảnh vinh quang quá khứ là chứng nhận thủ khoa, mà không chịu cựa quậy, chớp cơ hội mới, thì điểm đến cuối cùng của một người đã từng được vinh danh ở Văn Miếu, có lẽ vẫn là cái chuồng sơ sài, nơi đàn lợn lười nhác nằm đồng thanh gào thét như được lập trình trước mỗi bữa ăn.
Khi nhìn phòng làm việc mà người ta bố trí cho các NSND, NSUT ở hãng Phim truyện, có cảm giác xập xệ không hơn cái chuồng lợn là mấy. Chắc chắn ngoài kia có nhiều cơ hội tốt hơn nhiều cái phòng nhếch nhác này.
Cuộc chiến giữa các nghệ sĩ và ông chủ Hãng phim truyện, đang đi đến đỉnh một câu chuyện buồn, nhưng không hiểu sao, tôi lại thấy sắp phát ra những tín hiệu tốt lành: Sẽ có những cuộc vượt thoát làm mới mình, tạo giá trị cho mình, thay vì mỗi ngày lên căn phòng cũ nát bấm vân tay, ngồi thở dài và đấu khẩu.
Đó có lẽ chính là tín hiệu tốt lành mà công chúng mong đợi nhất!