Thủ khoa nuôi lợn, lợn nuôi tiến sĩ và "tiếng kêu" tuyệt vọng của ông lớn taxi

Bùi Hải |

Trong những ngày câu chuyện của thủ khoa Bùi Thị Hà đốt nóng cư dân mạng, thì cũng là lúc hàng loạt khẩu hiệu chống Uber, Grab mọc trên đuôi những xe taxi truyền thống.

Phía sau từ khóa hot "nuôi lợn"

Cư dân mạng thật nhanh. Khi có thông tin về nữ thủ khoa sư phạm Bùi Thị Hà tốt nghiệp gần 2 năm vẫn ở nhà nuôi lợn để "chờ việc làm" , thì cũng là lúc họ đào lại một bài báo ngắn đăng tải từ 3 năm trước.

Đó là bài báo về chàng trai nuôi lợn Kiều Văn Bắc xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội đỗ thủ khoa ĐH Giao thông vận tải.

Chưa bao giờ từ khóa "nuôi lợn" lại được tìm kiếm nhiều đến như vậy!

Nhưng câu chuyện về nuôi lợn của Bắc, còn không lạ bằng chuyện chàng thạc sĩ Phan Công Vũ (SN 1986), bỏ lương ngàn đô ở một cty Nhật ở TP.HCM, về quê Hà Tĩnh nuôi lợn.

Hợp tác xã lợn của anh nuôi đến 1.800 con, mỗi năm bán ra thị trường tới 450 tấn thịt. Lợn đã làm rất tốt vai trò nuôi thạc sĩ.

Thủ khoa nuôi lợn, lợn nuôi tiến sĩ và tiếng kêu tuyệt vọng của ông lớn taxi - Ảnh 1.

Ngày hôm qua, PGS. TS toán học Văn Như Cương đã nằm xuống, nhưng câu chuyện TS nuôi lợn hay lợn nuôi tiến sĩ của ông, một lần nữa được sống dậy.

Chuyện kể rằng: Trong khi những trí thức sĩ diện hão bụng đói nằm đọc văn học kinh điển "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" những năm 70 của thế kỷ trước, TS Văn Như Cương lại quyết định nghe "tiếng lợn hót trong đêm": Nuôi lợn ở tầng 2 khu tập thể cải thiện đời sống.

Những con lợn đói, đêm kêu váng cả khu tập thể, nhưng mang lại cho ông một khoản lãi 70 đồng/lứa, đúng bằng mức lương một vị tiến sĩ.

Cuối cùng ông bị lập biên bản đình chỉ nuôi lợn vì gây ảnh hưởng đến khu tập thể. Khi ký vào biên bản, TS Văn Như Cương đã khẳng định một điều rất chua cay, nhưng thực tế: "Không phải TS nuôi lợn mà lợn nuôi tiến sĩ".

Có thể nói những năm ấy, vườn ao chuồng, bàn là, quạt điện, nồi áp suất…, dù làm một số trí thức chuyển nghề đi buôn, nhưng thực sự đã nâng đỡ cho rất nhiều… công trình khoa học, là mỏ neo để nhiều nhà khoa học tồn tại với nghề.

Phía sau từ khóa hot "nuôi lợn", cư dân mạng đã bàn tán đủ điều, nào là xót xa cho cơ chế sử dụng người tài, nào là tương lai buồn của ngành sư phạm, nào là con đường gian nan chạy biên chế…

Không nhiều người nhìn thấy phía sau từ khóa đó, là một sự lựa chọn và thái độ sống đúng.

Từ một kỹ sư cổ cồn trắng thành một chủ nhiệm HTX quần sắn móng lợn, đi giữa chuồng lợn, là một sự lựa chọn của Phan Công Vũ.

Lợn nuôi tiến sĩ, cũng là sự lựa chọn của thầy giáo toán Văn Như Cương.

Người có thái độ sống đúng, chẳng ai chê cười những lựa chọn rất thiết thực, đời thường, nhưng lại dũng cảm ấy.

Còn thủ khoa Bùi Thị Hà, em lựa chọn cái gì?

Lựa chọn một suất biên chế, dù thi có thể trượt, dù không biết đến bao giờ mới có việc, lẽ nào là lưạ chọn thông minh trong thời buổi mà người có năng lực thực sự, vứt vào đâu cũng có thể sống?

Lựa chọn một nơi làm gần nhà, trong khi tuổi đời còn trẻ, còn muốn cống hiến…, có phải là lựa chọn đúng với một người sau này sẽ dạy dỗ lớp trẻ về ý chí, nghị lực, cống hiến?

Nếu chấp nhận đi chăn lợn chỉ để tìm một công việc gần nhà và "chắc suất", thì đừng nên có bất kỳ than vãn nào về cơ chế, chính sách, nhân tình thế thái. Điều phải than vãn duy nhất chính là nghị lực, đam mê và ý chí của chính mình.

"Thủ khoa taxi" và "thủ khoa sư phạm"

Trước khi Uber, Grab tràn vào Việt Nam, Vinasun vẫn luôn ở vị trí "thủ khoa" trong làng taxi Việt.

Sự thực thì Vinasun không chờ đợi một cách thụ động giống như thủ khoa Bùi Thị Hà. Ông lớn taxi này cũng đã có nhiều cựa quậy ngoạn mục để soán ngôi của taxi Mai Linh và duy trì vị thế số 1.

Chỉ tiếc là sự cựa quậy này vẫn quá chậm so với guồng quay khủng khiếp trong một thế giới mà công nghệ kết hôn hoàn hảo với dịch vụ, mà Grab, Uber mang đến.

Những chiếc khẩu hiệu phản đối Uber, Grab dán trên xe, dù được biến tấu là "hành động tự phát của lái xe", vẫn chỉ chứng tỏ lời than vãn tuyệt vọng của một "thủ khoa".

Thủ khoa nuôi lợn, lợn nuôi tiến sĩ và tiếng kêu tuyệt vọng của ông lớn taxi - Ảnh 2.

Xe của hãng taxi Vinasun dán decal với khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

Bùi Thị Hà vẫn cố chờ có việc ở gần nhà thì mới đi làm, dù bản thân cô "không biết khi nào mới tới đợt thi tuyển công chức". Trong hơn một năm ấy, khi cô đã quen với việc nuôi lợn, bán cam và lên rẫy, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều.

Trong khi Vinasun, Mai Linh và những hãng taxi khác chọn cách "chờ các cơ quan chức năng ra tay với Uber, Grab để điều kiện kinh doanh công bằng hơn", thì họ cần nhớ một điều: Cơ quan quản lý có thể chậm thay đổi, nhưng hành vi tiêu dùng thì thay đổi chóng mặt, nhất là sự thay đổi ấy bảo vệ túi tiền của thượng đế.

Vì vậy, những băng khẩu hiệu chống Uber, Grab không những trở thành những slot quảng cáo tuyệt vời cho hai ông lớn taxi công nghệ này mà còn khiến cho người tiêu dùng rời xa taxi truyền thống hơn bao giờ hết.

Họ đã chán taxi tuyền thống khi phải giao dịch với nhiều lái xe không biết chào hỏi khách, không muốn trả lại tiền thừa và gian lận đường đi. Họ càng chán hơn khi nhìn thấy thái độ bảo thủ, chậm đổi mới và dìm hàng đối thủ.

Thủ khoa nuôi lợn, lợn nuôi tiến sĩ và tiếng kêu tuyệt vọng của ông lớn taxi - Ảnh 3.

Hành vi và thái của người tiêu dùng chỉ thay đổi, khi Vinasun, Mai Linh có thể làm lợi túi tiền của họ. Tất nhiên, taxi Việt, bao giờ cũng có thêm điểm cộng với người Việt, nếu giá ngang ngửa với Uber, Grab và chất lượng tương đương.

Nếu không làm được điều đó, thì chắc chắn các hãng taxi truyền thống sẽ không "chắc suất" nào trong cuộc "thi tuyển khổng lồ" của thị trường. Khi ấy, con đường từ người hùng trở về cái máng lợn ban đầu, có thể gần hơn bao giờ hết.

Nếu không trúng tuyển công chức, không muốn đi dạy trường tư, không muốn xa nhà, Bùi Thị Hà có thể vui vẻ tiếp tục việc bán cam, làm ruộng hoặc nuôi lợn.

Điều ấy hết sức bình thường. Học sư phạm, không làm giáo viên, chả chết ai. Nghề nào cũng cao quý nếu làm tử tế và thành công.

Nhưng người viết lại có một hy vọng ngược đời: Cô thủ thủ khoa này vẫn sẽ gây sốt cư dân mạng và báo chí một lần nữa, nhưng với tiêu đề: "Cô thủ khoa sư phạm năm xưa trở thành người nuôi lợn giỏi nhất Hà Giang".

Tại sao không nhỉ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại