Tôi đã từng sống gần một năm trong bệnh viện này, ở vị trí người đi chăm bệnh nhân, và tôi nghĩ rằng mình cũng hoàn toàn có thể rơi nước mắt khi chia tay một người lãnh đạo bệnh viện như ông Nguyễn Anh Trí.
Viện huyết học truyền máu Trung ương là một nơi đáng sợ nhất thế gian khi mà phần lớn bệnh nhân đều là những người mang án tử. Gia đình bệnh nhân ở đó đều mang tâm trạng "vái tứ phương".
Nhưng, ở đó không có sự bức xúc của gia đình bệnh nhân, không có sự cửa quyền, hách dịch của nhân viên y tế, mọi nỗ lực cảm ơn bác sĩ bằng phong bì của tôi đều thất bại bởi nụ cười "giữ để thuốc thang cho người nhà".
Hàng nghìn người chia tay ông Nguyễn Anh Trí trong tiếc nuối. Ảnh: BVCC.
Điều mà tôi được chứng kiến nhiều nhất là cảnh bác sĩ điều trị gặp người nhà bệnh nhân hướng dẫn các thủ tục để được cấp bảo hiểm người nghèo. Vì, sau khi điều trị một thời gian, trước sau gì cũng đủ tiêu chuẩn thành người nghèo.
Tôi không tiếp xúc với ông Trí nhiều, trực tiếp điều trị cho người nhà của tôi là bác sĩ, viện phó Bạch Quốc Khánh.
Tôi cũng không để tâm nhiều đến những lời ngợi khen mà người khác dành cho ông, tôi cũng không ấn tượng với vai trò đại biểu Quốc hội của ông, không thấy thơ, với nhạc của ông có gì đặc sắc.
Nhưng tôi cảm nhận được sự nhân văn của ông qua những cử chỉ tận tâm, nhân ái của nhân viên y tế trong cái bệnh viện mà ông là người đứng đầu.
Clip: Nước mắt nhân viên khi nhớ lại tình cảm GS.Nguyễn Anh Trí dành cho mọi người
Ông Trí về hưu, dù không còn ở vị trí lãnh đạo của bệnh viện, nhưng người ta vẫn còn gặp ông trong công tác chuyên môn. Nên những giọt nước mắt ở sân Viện huyết học không hẳn là tiễn biệt.
Những giọt nước mắt của người bệnh là ân tình được bộc lộ trong một khoảnh khắc, khi người ta chợt nghĩ đến một người tốt sẽ không còn ở lại, đồng hành trên con đường giành lại sự sống của mình.
Bác sĩ Trí có lẽ không trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân ở bệnh viện này như các đồng nghiệp dưới quyền ông.
Nhưng người bệnh, và người nhà của họ, có lẽ cũng như tôi, cảm nhận được sự có mặt của ông nơi đó, giống như một biểu tượng của lòng tin, và sự tử tế của ngành y.
Ngành y nước mình có rất nhiều bác sĩ tài năng, nhưng một bác sĩ, một quan chức y tế có khả năng quản lý và xây dựng một môi trường bệnh viện khiến những người bệnh hiểm nghèo vẫn có thể tin yêu cuộc đời một cách tự nhiên thì không nhiều.
Trong bối cảnh ngành y là ngành có nhiều lời ta thán nhất hiện nay, một quan chức ngành y khiến bệnh nhân và người nhà của họ cảm kích như ông Trí là điều hiếm gặp.
Tôi không biết nhiều về thành tựu chuyên môn của ông bác sĩ Nguyễn Anh Trí, nhưng làm quan như ông là tạo phúc một phương.
Nhiều người nghĩ rằng chuyện tạo phúc, hay tạo nghiệp là chuyện dài lâu, là những điều không dễ thấy ở ngay trong một đời người. Điều đó không đúng.
Một đời làm quan ngắn ngủi lắm, và khi cầm cái quyết định nghỉ hưu trong tay là người ta có thể cảm nhận được ngay di sản cuộc đời mình là gì.
Có những người chia tay nhiệm sở cùng những giọt nước mắt ấm áp của người ở lại, nhưng cũng có nhiều người chia tay nhiệm sở với tiếng thở phào của tập thể nhân viên, như một sự tống tiễn.
Có những quan chức đã về hưu rồi, mà bị cách chức cũ, mà người ta vẫn thấy chưa đủ. Phúc, hay nghiệp là ở đó chứ đâu!
Những giọt nước mắt ân tình dành cho ông Viện trưởng Viện huyết học hôm nay không chỉ khiến mình ông ấm áp. Mà điều đó khiến cho rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy cuộc đời này đáng yêu, đáng tin vào những điều tốt đẹp.
Mặt khác, có lẽ những giọt nước mắt ấy, với không ít người làm quan khác thấy nặng như đá rơi, khi họ nghĩ đến ngày không còn làm quan nữa.
GS Nguyễn Anh Trí: Hình ảnh mọi người chia tay "là chính xác, không phải dàn cảnh"