Ngày 9-10, Hội nghị Trung ương 6 nghe Bộ Chính trị báo cáo và tập trung thảo luận về nội dung quan trọng bậc nhất của kỳ họp này: Đề án “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Số tổng cục tăng lên gấp đôi
Đây sẽ là cơ sở để “tái cơ cấu” cả ba hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước cùng MTTQ và các tổ chức thành viên.
Các hệ thống ấy từ lâu đã bộc lộ sự cồng kềnh, kém hiệu quả, nhiều lần được tính toán đổi mới, sắp xếp nhưng chưa được bao nhiêu.
Hiện trạng ấy bộc lộ rõ qua các con số.
Chẳng hạn, tính chung các cơ quan Chính phủ, sau ba nhiệm kỳ (từ khóa XI đến nay là khóa XIV), số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị.
Chỉ tính riêng Chính phủ khóa XIII (2011-2016), số vụ, cục thuộc bộ và cấp phòng thuộc cục, vụ đã tăng trên 13% so với đầu nhiệm kỳ.
Các nghiên cứu, rà soát của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy chức năng, nhiệm vụ một số bộ, ngành còn chồng chéo. Chẳng hạn ngành tài chính với KH&ĐT, GTVT với xây dựng.
Một số cơ quan tham mưu của Đảng cũng có phần chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan nhà nước, như ban tổ chức với cơ quan nội vụ, ủy ban kiểm tra với thanh tra và tuyên giáo với TT&TT.
Về đơn vị hành chính lãnh thổ, cả nước sau nhiều lần chia tách có 63 đơn vị cấp tỉnh, 713 cấp huyện và 11.162 cấp xã - quá nhỏ lẻ so với 38 tỉnh, thành, gần 500 huyện của năm 1976.
Đáng chú ý, nếu xét theo các tiêu chí mà Quốc hội đặt ra năm 2016 thì có tới 49 huyện (9%), 3.363 xã (37%) chưa đạt hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số và có tới 724 xã chưa đạt một nửa tiêu chí…
Vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm
Thực tế nhiều năm qua cho thấy công tác cán bộ vào rồi thì khó ra, đã lên thì khó xuống và cơ bản không ai muốn cắt giảm tổ chức của mình nếu không có áp lực từ bên ngoài.
Vậy nên lần này Ban Tổ chức Trung ương - cơ quan chủ trì xây dựng đề án kiến nghị bóc tách việc nào đã rõ, cần và có thể thực hiện thì làm ngay.
Những gì còn mới, chưa tiền lệ nhưng thực tiễn đòi hỏi thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện.
Cụ thể, với ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, đến nay đã thấy rõ không còn cần thiết nữa thì cho kết thúc hoạt động.
Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thì chuyển về Ban Nội chính và tổ chức lại cho phù hợp.
Với các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên thì từ nay đến năm 2021 phải hoàn thành sắp xếp lại.
Ở cấp tỉnh và huyện thì thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng, chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ…
Các nội dung nêu trên mới chỉ là tính toán trong kiến nghị, đề xuất.
Quan trọng là Hội nghị Trung ương 6 này phải ra được nghị quyết chuyên đề, trên cơ sở đó Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện, xác định rõ việc nào cần làm ngay, việc nào theo lộ trình, phân công cụ thể và thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Có vậy mới không lặp lại điệp khúc: Càng nỗ lực thu gọn, tinh giản, bộ máy, con người càng phình to.
20.000 theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu năm 2018-2020 mà giảm được 10% biên chế hành chính như mục tiêu đặt ra thì sẽ giảm được 0,7% chi thường xuyên - tương ứng 20.000 tỉ đồng. Đây sẽ là nguồn hỗ trợ cải cách tiền lương, qua đó tạo động lực cho cuộc sắp xếp tổ chức này.