“Tin giả về Triều Tiên có thể gây ra sự hỗn loạn trong khu vực”

Hùng Cường |

Theo chuyên gia Hàn Quốc, thông tin không có căn cứ về Triều Tiên và lãnh đạo nước này có thể dễ dàng bị suy đoán và gây ra sự hỗn loạn trong khu vực.

Tin đồn vô căn cứ và các thông tin mang tính suy đoán trên truyền thông về Triều Tiên có thể gây mất lòng tin lẫn nhau giữa hai miền Triều Tiên và tạo ra “sự bế tắc” trong quan hệ liên Triều, Giáo sư Kim Dong-yeop tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam đưa ra nhận định hôm nay (11/5).

Giáo sư Kim Dong-yeop đồng thời kêu gọi nỗ lực nhiều hơn nữa để có được những thông tin “chất lượng cao” và “đáng tin cậy” về Triều Tiên, qua đó tránh những hỗn loạn mà thế giới đã phải trải qua như thời gian gần đây, khi xuất hiện những thông tin không được xác nhận về sức khỏe của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Có rất nhiều đồn đoán về sức khỏe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau khi ông không xuất hiện tại một sự kiện quan trọng của quốc gia hồi tháng trước. CNN đưa tin, ông Kim Jong-un có thể gặp “nguy hiểm nghiêm trọng sau phẫu thuật”, trong khi một số phương tiện truyền thông khác nói rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên bị nguy kịch và có thể đã không qua khỏi.

Vụ ồn ào mới nhất này đã chứng minh thực tế là những thông tin không có căn cứ về Triều Tiên và lãnh đạo nước này có thể dễ dàng bị đồn đại và mang đến sự hỗn loạn trong khu vực được đánh giá là rất nhạy cảm.

“Tin tức giả mạo về Triều Tiên, trong đó có tin tức nói rằng ông Kim Jong-un gặp vấn đề về sức khỏe hoặc tin tức về một sự kiện bất ngờ ở Triều Tiên có thể tạo ra sự bất mãn ở nước này và có khả năng dẫn đến sự bế tắc trong quan hệ liên Triều”, Giáo sư Kim Dong-yeop nói.

Ông cho biết thêm: “Nếu tin tức giả về Triều Tiên tiếp tục phát sinh từ Hàn Quốc, quan hệ liên Triều có thể phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực trong tương lai và trao cho phía Bình Nhưỡng cái cớ gây sức ép trong quá trình đàm phán”.

Theo Giáo sư Kim Dong-yeop, việc lan truyền tin tức giả cũng làm tăng nỗi sợ hãi trong xã hội Hàn Quốc liên quan đến an ninh quốc gia, làm dấy lên sự ngờ vực đối với Triều Tiên. Hệ quả của việc này là Chính phủ Hàn Quốc sẽ gặp khó trong việc thúc đẩy các chính sách về Triều Tiên.

Để loại bỏ nguy cơ này, ông Kim Dong-yeop kêu gọi nỗ lực để có được thông tin “chất lượng cao” và “đáng tin cậy” về Triều Tiên thông qua việc giúp các cơ quan truyền thông nước ngoài, các chuyên gia “cải thiện sự hiểu biết hoặc thay đổi cách suy nghĩ chưa đúng về Triều Tiên”, kết hợp với nỗ lực ngăn chặn việc “chính trị hóa” những tin tức về đất nước này.

Các chuyên gia khác cũng đồng ý với quan điểm nêu trên khi cho rằng nên có một số biện pháp ngăn chặn tin tức giả gây hỗn loạn.

Lim Eul-chul, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam khuyến nghị cần phải đưa ra các hướng dẫn cơ bản cho các tổ chức truyền thông để ngăn chặn “một cơn dịch” thông tin như vậy về Triều Tiên và nhà lãnh đạo của nước này.

Ông Lim nói: “Các công ty truyền thông cần phải có một hệ thống để phân tích độc lập thông tin về Triều Tiên và cần phải tăng cường khả năng phân tích thông tin này để đảm bảo rằng thông tin của họ có thể kiểm chứng”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại