Tin đồn hít dầu gió trị khỏi bệnh COVID-19: "Tôi xin chúc mừng gia đình ấy, nhưng không có sự thần kỳ nào ở đây cả!"

BS Nguyễn Tấn Thủ |

Bạn không nên chia sẻ những thông tin sai lệch như trên vì nó gây hậu hoạ khôn lường nếu F0 nghe theo mà không đi điều trị, rồi biến chứng nặng và tử vong.

Trên mạng xã hội mấy ngày nay lại lan tỏa thông tin khuyên mọi người nên hít dầu gió thường xuyên cũng như xông mặt mũi bằng nước nóng có dầu gió để chữa COVID.

Tin đồn hít dầu gió trị khỏi bệnh COVID-19: Tôi xin chúc mừng gia đình ấy, nhưng không có sự thần kỳ nào ở đây cả! - Ảnh 1.

 Do dầu gió rẻ và là thói quen dùng thường ngày của nhiều người dân Việt Nam, nhiều bà má ưa thủ chai dầu trong túi áo bà ba, rảnh tay là lấy ra hít. Nên thông tin lan tỏa nhanh chóng và được rất nhiều người tin dùng theo.

Ngay má tôi cũng khăng khăng hít dầu gió mỗi ngày dù tôi đã giải thích: "Hít dầu không có ích lợi gì đâu má".

Tin đồn hít dầu gió trị khỏi bệnh COVID-19: Tôi xin chúc mừng gia đình ấy, nhưng không có sự thần kỳ nào ở đây cả! - Ảnh 2.

Dầu gió xanh Con Ó Eagle gồm có thành phần chính như sau:

-Menthol 5%. (Tinh chất bạc hà)

-Methyl Salicylate 6%.

-Eucalyptus Oil 56%. (Dầu khuynh diệp).

-Chất tạo mùi đặc trưng.

Menthol là chất chiết xuất từ cây bạc hà, cho cảm giác the mát, có công dụng giảm đau nhẹ.

Methyl salicylate là một loại thuốc giảm đau bên ngoài có sẵn trong các loại thuốc không kê đơn (OTC), tạm thời làm giảm đau nhức cơ thể nhẹ, đau cơ và khớp liên quan đến đau lưng, viêm khớp, căng cơ, bong gân và bầm tím.

Hai loại này thì có lẽ không liên quan gì đến fakenews trong hình về tính kháng khuẩn và kháng luôn cả COVID. Có lẽ fake news này dựa trên hoạt tính 'chưa rõ ràng và chưa được chứng minh' của dầu khuynh diệp, một loại dầu chưng cất có nguồn gốc từ lá của cây Bạch đàn.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào xác nhận công dụng kháng khuẩn của dầu khuynh diệp. Mặc dù có nhiều giả thiết khác nhau, nó chưa bao giờ được xem là một loại thuốc kháng khuẩn thực sự và chưa bao giờ được dùng như một thuốc kháng khuẩn.

Quay lại với tin fakenews về gia đình nào đó sử dụng dầu gió và khỏi bệnh.

Nếu thông tin này là có thật, tôi xin chúc mừng gia đình ấy. Thực tâm tôi luôn mong tất cả mọi người không ai bị bệnh nặng, đặc biệt vào mùa này luôn cầu mong không ai bị bệnh và bệnh nặng do COVID.

Gia đình ấy, nếu có, là may mắn của họ vì tất cả họ đều là những bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng và đã thành công thải trừ virus nên khỏi bệnh. Không có sự thần kỳ nào ở đây và không có vai trò gì của thuốc hay hành vi nào cả (bao gồm dùng dầu gió hít hay xông như tin giả đề cập).

Họ đơn giản là khỏi bệnh vì COVID nó VỐN NHƯ THẾ. Có 60%-80% người nhiễm COVID là không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, và chỉ khoảng 7,5% là có những biểu hiện nặng mà thôi. Nhiễm siêu vi COVID sẽ tự khỏi. Vấn đề là người bệnh có đủ khỏe mạnh để chống chọi cho đến lúc đó hay không.

Nói tóm lại, chai dầu gió không tham gia gì vào quá trình khỏi bệnh ấy. Nó chỉ TÌNH CỜ được dùng và ĂN KÉ HÀO QUANG của việc tự khỏi COVID. Không lạ khi tin giả mượn những sự việc vô tình trùng nhau mà huyễn hoặc sự thật. Bản chất tin giả luôn là vậy.

Hít dầu gió có thể khiến bạn thư thái và thoải mái. Xông dầu gió cũng có thể giúp bạn thoải mái, tất nhiên nếu bạn chịu được cái sự khó chịu khi mùi dầu xông thẳng vào mắt, len lên tận não và có thể khiến bạn ho sặc sụa.

Tất nhiên, chọn dùng nó là quyền của bạn. Nhưng tôi khẳng định, NÓ KHÔNG GIÚP ÍCH GÌ CHO VIỆC NGỪA/TRỊ COVID. Bạn có thể dùng, không ai cấm cản., như tôi cũng hay hít dầu vì nghiện mùi the mát của nó. Nhưng bạn KHÔNG NÊN CHIA SẺ những thông tin sai lệch như trên vì nó gây HẬU HỌA KHÔN LƯỜNG nếu F0 nghe theo mà không đi điều trị, rồi biến chứng nặng và chết.

Tin đồn hít dầu gió trị khỏi bệnh COVID-19: Tôi xin chúc mừng gia đình ấy, nhưng không có sự thần kỳ nào ở đây cả! - Ảnh 3.

BS Nguyễn Tấn Thủ (Cố vấn chuyên môn Phòng khám Nhà Mình-chuyên chăm sóc và hỗ trợ cho người sống với HIV, TP HCM)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại