Tìm thấy sinh vật kỳ lạ dưới 900m băng đá ở Nam Cực

Minh Hoa |

Các nhà nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra những sinh vật kỳ lạ dưới lớp băng dày 900m của thềm băng Nam Cực.

Theo bài nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Frontiers in Marine Science (Thụy Sĩ), trong một cuộc khảo sát thăm dò, các nhà khoa học đã khoan xuyên 900m băng ở thềm băng Filchner-Ronne có diện tích hơn 1,5 km2 nằm ở phía đông nam biển Weddell. Ở vị trí cách bề mặt đại dương mở 260km, nhiệt độ -2,2 độ C, nơi ánh sáng không thể chạm đến.

Theo giả thuyết khoa học trước đây, sự sống không thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt không tưởng như thế. Tuy nhiên tại đây nhóm nghiên cứu lại vô tình phát hiện ra sự tồn tại của loài sinh vật có hình dạng như bọt biển. Ngoài ra, họ còn tìm thấy một số sinh vật kỳ lạ khác đang bám vào một tảng đá dưới đáy biển.

Phát hiện này mở ra bí ẩn mới cho giới nghiên cứu về khả năng sinh tồn của các dạng sống trong môi trường băng giá. Nó khiến các nhà khoa học phải tìm kiếm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi như làm thế nào loài này có thể tới được đó? Chúng ăn cái gì? Chúng đã ở đó bao lâu? Chúng là loài giống loài chúng ta thấy bên ngoài thềm băng hay là loài mới?...

Các thềm băng trôi nổi là khu vực có nhiều sự sống chưa được khám phá. Không gian bên dưới thềm băng vẫn là bức màn bí ẩn đối với giới khoa học.

Được biết các nhà nghiên cứu ban đầu chỉ muốn khoan lấy mẫu để nghiên cứu về băng đá tại khu vực trên nhưng bí ẩn lộ diện khi mũi khoan chạm phải tảng đá dưới đáy thềm băng.

Theo thông cáo báo chí của tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh (BAS), đây là lần đầu tiên khoa học phát hiện sinh vật tồn tại ở tình trạng bất động và trong điều kiện khắc nghiệt đến vậy. Đặc biệt là dường như nó trái với mọi giả thiết trước đó là càng xuống sâu, càng cách xa ánh sáng và nước mở thì càng ít sự sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại