Nguyễn An Bình (Quảng Ninh)
Qua lời kể, có thể bạn bị bệnh bàng quang kích thích. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động bất thường của hệ thống thần kinh chi phối bàng quang.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm: lớn tuổi; béo phì; đã từng phẫu thuật ở vùng chậu; bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên do tiểu đường lâu ngày, do tai biến mạch não, bệnh Parkinson...
Để chẩn đoán bệnh, cần thực hiện một số xét nghiệm: cấy nước tiểu để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn tiểu; đo thể tích nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi tiểu; đo áp lực bên trong bàng quang: là xét nghiệm chủ yếu để đánh giá tình trạng bàng quang kích thích; soi bàng quang (nếu nghi ngờ có bướu bàng quang).
Việc điều trị bệnh này không khó. Có thể điều trị bằng cách luyện tập cơ vùng chậu, estrogen liều thấp đặt hoặc bôi âm đạo. Dùng thuốc làm giảm sự co thắt của cơ bàng quang.
Đa số thuốc rất hiệu quả (thường có tác dụng sau khi uống 2 tuần). Gần 80% bệnh nhân hết hẳn bệnh sau khi dùng thuốc liên tục 3-6 tháng. Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ như khô miệng, khô mắt, táo bón... (có thể gặp ở 30% bệnh nhân).
Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng chích botulinum toxin A vào cơ bàng quang: Sử dụng một loại thuốc đặc biệt chích vào cơ của bàng quang (qua nội soi ngả niệu đạo).
Thời gian của thủ thuật khoảng 15-20 phút và bệnh nhân có thể về trong ngày. Khoảng 50-70% bệnh nhân sẽ hết bệnh trong thời gian từ 6-9 tháng. Sau thời gian này, nếu bệnh tái phát thì phải chích lại.