Ngày 2-10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, đã có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT TP.HCM khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo đã tiêm thuốc an thần.
Bùng phát dịch lở mồm long móng
Trước đó, sáng 1-10, Trạm Thú y huyện Củ Chi (TP.HCM) phát hiện khá nhiều heo bị giữ lại do tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng như loét móng chân, rớt móng, xuất hiện mụn nước ở miệng, chảy nước bọt, đi đứng khó khăn.
Sau đó, trạm làm việc với các chủ heo bị lở mồm long móng và có năm người làm đơn xin tiêu hủy.
Tiếp theo, Trạm Thú y huyện Củ Chi làm tờ trình đề xuất Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc huyện Củ Chi ban hành quyết định xử lý bắt buộc tiêu hủy ngay trong ngày 1-10.
Sau đó không lâu, phó chủ tịch UBND huyện này là ông Lê Đình Đức ký quyết định tiêu hủy heo lở mồm long móng đối với năm chủ heo.
Cụ thể, tiêu hủy 229 con của ông Bùi Quốc Vượng, 360 con của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, 222 con của ông Trần Văn Đảo, 341 con của ông Nguyễn Quốc Duy và 152 con của bà Nguyễn Thụy Phương Anh. Tổng cộng số heo bị tiêu hủy là 1.304 con.
Heo tiêu hủy được đưa đến Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) để đốt. Tuy nhiên, do lượng heo quá nhiều nên chỉ tiêu hủy được 895 con heo. Số heo còn lại chờ qua ngày hôm sau.
Sáng 2-10, PV Pháp Luật TP.HCM có mặt tại cơ sở giết mổ Xuyên Á để ghi nhận tình hình tiêu hủy heo bệnh còn lại. Nhiều heo chết nằm la liệt.
Có con sùi bọt mép, có con rớt hết móng. Điều đáng nói do heo chết khá lâu nên bốc mùi hôi thối đến nỗi nhân viên tại cơ sở giết mổ Xuyên Á phải xịt nước thơm, nước rửa.
Trao đổi với báo chí, ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y - Bộ NN&PTNT), cho biết điểm bùng phát bệnh lở mồm long móng xảy ra ngay tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
“Do lượng heo nhiều, chật hẹp, ẩm thấp nên virus lở mồm long móng tiềm ẩn trong heo có cơ hội bùng phát và lây lan” - ông Lữu nói.
Tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ vài giờ là sai
Bình quân mỗi ngày chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) nhận trên 5.000 con heo, trong đó chủ yếu là từ cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Do cơ sở này bị tạm đình chỉ hoạt động nên sáng 2-10, lượng heo về chợ đầu mối chỉ hơn 4.000 con, chủ yếu từ các tỉnh. Do vận chuyển xa, lượng heo vô chợ lại hụt chút ít nên giá cả có nhỉnh hơn ngày thường độ vài ngàn đồng mỗi ký tùy vào từng loại thịt.
Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP.HCM)
Theo dó, thuốc có thời gian cách ly 20 giờ. Những người này mới tiêm thì bị phát hiện nên chưa có bằng chứng vi phạm thời gian cách ly.
Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, để làm rõ thông tin.Có thông tin cho rằng bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ là bình thường vì một số người sử dụng thuốc an thần Combistress do Bỉ sản xuất để tiêm cho heo.
Ông Thảo cho biết theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì thuốc Combistress khi sử dụng cho động vật sau 24 giờ mới được giết mổ.
Trong khi đó, heo vào cơ sở thì khoảng 5-6 tiếng sau là phải giết mổ, không để tới 20 giờ hoặc 24 giờ. Do vậy, hành vi tiêm thuốc Combistress trước khi giết mổ chỉ vài giờ là không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, vi phạm pháp luật.
Một vấn đề khác cũng được dư luận đặt ra là trước khi đưa vô cơ sở giết mổ, chủ heo đã cho sử dụng chất tạo nạc salbutamol, ractopamine hoặc clenbuterol.
Khi heo ăn những thứ nói trên sẽ yếu ớt, mệt mỏi, thịt không ngon. Do đó, một số người tiêm thuốc an thần Combistress để thịt trông ngon hơn. Ông Thảo cho biết thêm kết quả xét nghiệm ghi nhận toàn bộ heo không chứa tồn dư chất tạo nạc.
Tạm ngưng hoạt động giết mổ cơ sở Xuyên Á
Trong ngày 2-10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm kiêm Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, ký công văn đề nghị UBND TP.HCM yêu cầu Sở NN&PTNT TP tiêu hủy toàn bộ heo xác định bị tiêm thuốc an thần. Công văn cũng yêu cầu Sở NN&PTNT TP.HCM tham mưu tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh lại theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại.
Ngay trong ngày, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT TP.HCM khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo xác định tiêm thuốc an thần.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Trạm Thú y huyện Củ Chi làm việc với tám chủ heo có heo bị "dính" thuốc an thần. Cuối cùng, sáu chủ heo đồng ý làm đơn tiêu hủy. Hai chủ heo còn lại không đồng thuận tiêu hủy.
Đối với cơ sở giết mổ Xuyên Á, cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động từ ngày 1-10.