Tiết lộ vũ khí bí mật giúp Nga đặt hệ thống liên lạc của Ukraine vào tầm ngắm

Kiều Anh |

Chiến dịch của Nga tấn công vào khả năng tiếp cận internet của Ukraine bằng cách nhắm vào mạng lưới vệ tinh Starlink mà tỷ phú Elon Musk cung cấp cho Kiev đang đạt được những bước tiến lớn hơn so với dự đoán, Washington Post dẫn một tài liệu tình báo mật của Mỹ cho hay.

Vũ khí bí mật của Nga

Theo đánh giá tình báo tối mật này, Moscow đã dành nhiều tháng thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử Tobol để làm gián đoạn Starlink.

Dù vậy, tài liệu này không cho biết các cuộc thử nghiệm của Nga có thành công hay không. SpaceX, công ty sở hữu Starlink, cũng từ chối bình luận về việc này.

Vào mùa xuân năm ngoái, ông Musk cho biết, điện Krelin đã nhắm vào hệ thống công nghệ này nhưng Starlink đã thể hiện khả năng chống chịu trước những nỗ lực "làm nhiễu và đánh cắp dữ liệu". Dù vậy, Nga dường như vẫn đang tăng cường những nỗ lực trên.

Lầu Năm Góc không trả lời những câu hỏi liên quan đến các tài liệu mật bị rò rỉ gần đây.

"Hệ thống này đã tạo thành một lớp quan trọng trong mạng lưới liên lạc của Ukraine", ông Charlie Dietz, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay. Theo ông, trọng tâm của Lầu Năm Góc vẫn là "cung cấp cho Ukraine năng lực vệ tinh mà nước này cần".

Kostiantyn Zhura, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, các quan chức Ukraine đã nhận thức được những nỗ lực của Nga và "đang tiến hành các biện pháp để vô hiệu hóa chúng".

Starlink đóng vai trò thiết yếu trong quân đội Ukraine, dựa vào các thiết bị đầu cuối di động để liên lạc trên chiến trường và tiếp nhận thông tin tình báo.

Quân đội Nga từng thành công trong việc làm vô hiệu hóa các thiết bị liên lạc của Ukraine, trong đó có radio và điện thoại nhưng các tín hiệu vệ tinh được cho là khó làm gián đoạn hơn.

Mùa thu năm ngoái, ông Musk đã đối mặt với phản ứng gay gắt từ các nhà lãnh đạo Ukraine sau khi thúc đẩy một kế hoạch chấm dứt chiến tranh mà các nhà quan sát cho rằng nó có lợi cho Nga.

Vài tuần sau đó, công ty này tiếp tục bị chỉ trích khi ông Musk đe dọa dừng hỗ trợ tài chính cho dịch vụ Starlink khẩn cấp. Phản ứng mạnh mẽ từ dư luận đã khiến ông nhanh chóng đảo ngược quyết định.

Hiện chưa rõ liệu việc Starlink ngừng hoạt động được ghi nhận ở Ukraine có phải là kết quả từ các cuộc thử nghiệm Tobol của Nga hay do các thiết bị gây nhiễu khác mà quân đội Nga sử dụng như hệ thống Tirada-2.

Quân đội Ukraine cũng từng trải qua sự gián đoạn tương tự hồi tháng 10 năm ngoái. Đây là thời điểm Kiev phản công và tuyên bố giành lại hàng nghìn km vuông Nga kiểm soát ở phía Tây và phía Nam.

Các nhà phân tích đã xác định được ít nhất 7 tổ hợp Tobol ở Nga, tất cả đều nằm gần các cơ sở theo dõi vệ tinh, báo cáo của Secure World Foundation công bố vào tháng này cho hay. Theo đó, một số địa điểm là trung tâm đặt các thiết bị gây nhiễu di động.

Sự can thiệp vệ tinh có thể diễn ra ở 2 nơi: trong không gian, bằng cách nhắm trực tiếp vào các vệ tinh và trên mặt đất - nơi các vũ khí có thể nhắm vào thiết bị tiếp nhận.

Sự can thiệp xảy ra trong không gian được gọi là gây nhiễu uplink (đường lên tín hiệu từ thiết bị đầu cuối di động tới trạm gốc BTS - ND), chèn một tín hiệu vào trạm phát sóng gốc, làm nhiễu thông tin mà tất cả người sử dụng vệ tinh nhận được. Tobol gần như chắc chắn hoạt động theo cách này, nhà nghiên cứu Bart Hendrickx nhận định.

Phương pháp từ mặt đất được gọi là gây nhiễu downlink (đường xuống tín hiệu từ trạm gốc BTS tới thiết bị đâu cuối - ND), truyền một tín hiệu có cùng tần số vào vệ tinh giúp ngăn cản các thiết bị kết nối nhận được tín hiệu phù hợp.

Phương pháp này có hiệu quả hạn chế hơn bởi nó phụ thuộc vào thiết bị gây nhiễu tương đối gần hệ thống mà nó muốn làm gián đoạn.

Các tài liệu bị rò rỉ đã miêu tả về "thử nghiệm chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga nhằm vào hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink ở Ukraine bằng hệ thống Tobol-1" cũng như xác định 3 địa điểm mà các cuộc thử nghiệm được tiến hành.

Trung tâm của nơi mà chúng được kết nối là ở gần Bakhmut thuộc khu vực Donetsk phía Đông Ukraine - nơi chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội nhất thời gian qua.

Thử nghiệm trên được khởi động vào cuối tháng 9 năm ngoái, tài liệu tình báo của Mỹ cho hay nhưng đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi các cuộc thử nghiệm bắt đầu và khi các tài liệu mật bị rò rỉ.

Tài liệu trên không giải thích vì sao cuộc thử nghiệm này lại kéo dài như vậy hoặc Nga có gặp phải bất kỳ vấn đề nào hay liệu chiến dịch có đạt được hiệu quả như kỳ vọng hay không.

Tiết lộ vũ khí bí mật giúp Nga đặt hệ thống liên lạc của Ukraine vào tầm ngắm - Ảnh 2.

Phòng thủ hay tấn công?

Mặc dù việc Nga bố trí các tổ hợp Tobol khắp đất nước có thể cho thấy chúng được sử dụng cho các mục đích phòng thủ nhưng 3 địa điểm được tiết lộ trong tài liệu mật của Mỹ, 1 ở ngoài Moscow, 1 ở gần Crimea và 1 ở Kaliningrad - đều là những cơ sở gần Ukraine nhất, khiến cho chúng dường như có thể được sử dụng cho mục đích tấn công.

Khu vực bao quát của chúng dường như bao vây quanh Ukraine, ông Brian Weeden, Giám đốc kế hoạch chương trình tại Secure World Foundation đánh giá.

"Tài liệu công khai mà chúng tôi sở hữu nói rằng đó là một hệ thống phòng thủ, theo đó Tobol được sử dụng để bảo vệ các vệ tinh Nga trước các hệ thống can thiệp hoặc gây nhiễu. Nó sẽ phân tích các tín hiệu can thiệp này và sau đó truyền đi tín hiệu đáp lại nhằm ngăn chặn sự can thiệp", ông Weeden nói

"Những nếu có thể thực hiện điều đó thì bạn cũng có thể sử dụng những khả năng này để can thiệp vào vệ tinh của đối phương".

Chỉ có một vài dấu hiệu mờ nhạt và tài liệu công khai sẵn có về chương trình Tobol. Khả năng của nó vẫn là điều bí ẩn trong những năm qua. Các nhà nghiên cứu cho biết, chương trình dường như đã bắt đầu cách đây 1 thập kỷ.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Hendrickx được công bố năm 2020 bởi Space Review, chương trình Tobol của Nga về bản chất là một hệ thống phòng thủ. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn, ông cho rằng Tobol có thể được sử dụng để tấn công khi miêu tả về "những tổ hợp chuyên biệt cho các cuộc tấn công điện tử nhằm vào các tài sản trong không gian".

Ông cho rằng vấn đề với Starlink là mạng lưới này có quá nhiều vệ tinh. Việc gây nhiễu chúng là điều khó khăn nhưng chỉ cần làm gián đoạn một vài vệ tinh trong số đó đã có thể khiến các chỉ huy Nga gây khó cho quân đội Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại