Cách Ukraine sử dụng xe tăng phương Tây trong cuộc phản công

Hồng Anh |

Các chuyên gia cho rằng, số lượng xe tăng ít ỏi mà phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể phần nào giúp trấn an tinh thần các binh sỹ nước này nhưng không đủ để Kiev đạt được bước đột phá lớn trên chiến trường.

Tại một căn cứ bí mật ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Oleksii Reznikov đang thị sát một chiếc xe tăng Challenger 2 mà Anh vừa chuyển giao cho Ukraine. Đây là một trong 3 chiếc đầu tiên trong số 14 xe tăng Anh cam kết cung cấp cho Kiev.

Không chỉ riêng xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, những tuần gần đây, Ukraine cũng đã tiếp nhận nhiều xe tăng và thiết giáp khác của phương Tây như xe tăng Leopard 2 của Đức, xe chiến đấu bộ binh Marder, Strykers và Cougars của Mỹ.

Sự xuất hiện của các phương tiện chiến đấu hiện đại, cũng như việc Mỹ và châu Âu đào tạo cấp tốc cho các binh sỹ Ukraine cách thức vận hành những phương tiện này đã khiến nhiều quan chức Ukraine kỳ vọng họ có thể nhanh chóng triển khai cuộc phản công lớn vào cuối mùa xuân.

Trong suốt mùa đông, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hối thúc phương Tây cung cấp 300 xe tăng chiến đấu chủ lực cùng nhiều phương tiện và máy bay chiến đấu hiện đại, nhưng số lượng phương tiện hạn chế mà Kiev nhận được cho đến thời điểm hiện tại đã làm dấy lên câu hỏi về cách thức Ukraine có thể sử dụng chúng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới.

Trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công ở khu vực phía Đông, đặc biệt là thành phố Bakhmut và đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, rất ít người cho rằng Ukraine có đủ các đơn vị tấn công bọc thép quy mô lớn để thực hiện kế hoạch đề ra.

Nhiều nhà phân tích phương Tây cùng các cựu chỉ huy xe tăng của Anh cho rằng cuộc phản công sắp tới của Ukraine có thể tương tự như cuộc phản công mà nước này đã tiến hành vào cuối mùa hè và mùa thu năm 2022, từng giúp Kiev đạt được một số thành công xung quanh Kharkov và Kherson.

Dự đoán cuộc phản công mùa xuân của Ukraine nhiều khả năng diễn ra ở miền Nam, các nhà phân tích cảnh báo, chiến thuật tung hỏa mù mà Kiev từng áp dụng năm 2022 hiện giờ có thể không hiệu quả vì Nga đã trở nên cảnh giác hơn.

Ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy trung đoàn xe tăng hoàng gia Anh, cho rằng một trong những tác động khía cạnh quan trọng nhất mà tăng thiết giáp phương Tây tạo ra là về mặt tâm lý.

"Việc sở hữu những xe tăng hiện đại của phương Tây giúp Ukraine có tâm lý tích cực hơn, dù rằng xét về mặt số lượng, chúng không phải là phương tiện giúp thay đổi cuộc chơi", ông Bretton-Gordon nói.

Nhà phân tích này cũng tin rằng, những khả năng vượt trội mà xe tăng phương Tây mang lại và chiến thuật hiệu quả của Ukraine sẽ tạo ra sự khác biệt.

"Những chiếc xe tăng này sẽ bổ sung cho những chiếc xe tăng thời Liên Xô hoặc hậu Liên Xô mà Ukraine đang có. Chúng được chuyển giao cho quân đội nước này vào thời điểm họ đã được huấn luyện kỹ lưỡng về khả năng tác chiến và cơ động".

Cách Ukraine sử dụng xe tăng phương Tây trong cuộc phản công - Ảnh 2.

Xe tăng Leopard 2. Ảnh: Reuters

Theo ông Bretton-Gordon, lớp giáp dày dặn và khả năng nhắm bắn tầm xa của xe tăng Leopard có thể củng cố sức mạnh cho Ukraine.

Nhưng cách thức xe tăng phương Tây đối đầu với xe tăng Nga trong một cuộc cận chiến cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Trước đó, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, cuộc chiến giữa xe tăng Abrams của Mỹ và xe tăng Challenger của Anh với những chiếc T-55, T-64 và T-72 của Liên Xô ở Iraq đã gây ra hậu quả tàn khốc.

Chưa kể, khi giao tranh vào mùa Xuân, xe tăng của Nga và Ukraine dễ bị mắc kẹt trong các vũng bùn lầy dày đặc trên chiến trường.

Binh sỹ Denis, 37 tuổi – một thành viên trong kíp lái xe tăng của Ukraine gần Bakhmut cho biết, tốc độ của xe tăng sẽ giảm 3/4 khi di chuyển qua địa hình lầy lội, khiến chúng dễ trở thành mục tiêu cho bộ binh đối phương được trang bị các loại vũ khí dẫn đường chống tăng như tên lửa chống tăng Kornet.

Với số lượng xe tăng tương đối ít ỏi nhận được từ phương Tây, đã có những câu hỏi về việc quân đội Ukraine sẽ sử dụng chúng như thế nào và dùng cho mục đích gì?

Ông Bretton-Gordon cho rằng, Ukraine có thể sử dụng chúng để tập trung hỏa lực phá vỡ tuyến phòng thủ của đối phương. Ngoài ra, chúng cũng có thể đóng vai trò hạn chế hơn như phá vỡ sự liên kết giữa các khu vực mà Nga kiểm soát ở phía Đông hoặc ở phía Nam.

Trung tá Lục quân Anh đã nghỉ hưu - ông Stuart Crawford cho rằng, mặc dù Ukraine không có đủ số lượng xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của phương Tây để xoay chuyển cục diện xung đột nhưng chúng có thể hữu ích trong một cuộc tấn công hạn chế ở phía Nam, từ Zaporizhzhia tới Melitopol.

Cũng như xe tăng, nhà phân tích này chỉ ra rằng sự xuất hiện của xe chiến đấu bộ binh Strykers cũng rất hữu ích trên chiến trường – nơi pháo binh chiếm ưu thế.

Song ông Stuart Crawford lưu ý, điều Ukraine đang thiếu là khả năng hỗ trợ trên không. Đó là lý do Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 vì nếu không có sự yểm trợ trên không, lực lượng mặt đất không thể di chuyển dễ dàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại