Ra đời từ yêu cầu của chiến trường Việt Nam
Việc sử dụng rộng rãi máy bay trực thăng và xe bọc thép chở quân để cơ động nhanh, thực hiện "bủa lưới", "phóng lao" của địch đã gây cho Quân Giải phóng miền Nam không ít tổn thất.
Trong hoàn cảnh đó, bộ đội ta ở chiến trường miền nam đòi hỏi phải có một loại vũ khí phòng không gọn nhẹ, dễ sử dụng, dễ lưu trữ, có giá thành rẻ, để chống lại chiến thuật của đối phương.
Trước thực tiễn chiến trường, phía Liên Xô - người bạn lớn của Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ - đã nhanh chóng có những động thái phù hợp.
Tháng 6-1966, Viện nghiên cứu cơ khí chính xác trung ương (TsNIITochmash) ở Klimovsk nhận được đặt hàng của Bộ Quốc phòng Liên Xô, về việc thiết kế một hệ thống rocket phòng không vác vai với yêu cầu gọn nhẹ, dễ sử dụng, và có giá thành rẻ.
Hệ thống mới này không sử dụng các cấu phần tinh vi, điều này khiến cho TsNIITochmash quyết định đi theo hướng sử dụng rocket bắn loạt không điều khiển.
Đây là giải pháp đã từng được các nhà khoa học Đức Quốc xã sử dụng, với tên gọi Fliegerfaust (hay Luftfaust).
Trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, khi lực lượng không quân huyền thoại đã gần như tan rã, nước Đức đã nghĩ đến một loại vũ khí tương tự như súng chống tăng Panzerfaust, nhưng để dùng trong phòng không.
Tuy nhiên, Fliegerfaust có độ chính xác rất thấp, và không kịp đưa vào sản xuất qui mô lớn, mặc dù đã có 10.000 ống phóng và 4 triệu viên đạn được đặt hàng.
Rocket phòng không Fliegerfaust của Đức Quốc xã
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Fliegerfaust, Viện TsNIITochmash quyết định triển khai thiết kế tổ hợp rocket phòng không Kolos. Dự án Kolos được đồng chủ trì bởi các tổng công trình sư AG Novozhilov và V.M. Karak.
Sau khi xem xét kinh nghiệm của Đức, và năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, các nhà thiết kế đã bắt tay vào phác họa tổ hợp phòng không dành cho các chiến sĩ Quân Giải phóng miền nam Việt Nam. Đạn sử dụng cho Kolos là rocket 30mm HPC-30, được chế tạo theo từng cụm 7 rocket, mỗi cụm nặng 5,3kg.
Kolos sử dụng cơ chế "phóng lạnh": Khi bắn, liều phóng trong cụm đạn sẽ đẩy rocket ra khỏi nòng khoảng 17-22m, trước khi động cơ đẩy của rocket khởi động, giúp cho rocket đạt vận tốc hành trình khoảng 560m/s. Điều này giúp tăng độ an toàn cho thao tác chiến đấu của xạ thủ.
Để thuận tiện sử dụng, rocket được lắp đầu đạn sẵn từ trong nhà máy, khi chuyển đến đơn vị chiến đấu, xạ thủ chỉ cần lắp vào ống phóng là có thể sử dụng được ngay. Một bộ khí tài Kolos tiêu chuẩn được đựng trong hai ba-lô có khung trợ lực: 01 ba-lô đựng ống phóng và 2 cụm đạn, 01 ba-lô đựng 4 cụm đạn.
Tổng khối lượng mỗi ba-lô không vượt quá 23kg. Như vậy, mặc dù khối lượng của Kolos cho phép một xạ thủ có tác chiến độc lập mà không cần trợ giúp, nhưng kíp chiến đấu tiêu chuẩn của Kolos sẽ là hai người.
Xạ thủ phụ có thể hỗ trợ xạ thủ chính lắp đạn và cảnh giới. Với khối lượng của Kolos, kíp chiến đấu vẫn có thể mang theo thêm 1-2 súng tiểu liên AK để tự vệ khi cần.
Xạ thủ Kolos ở tư thế sẵn sàng phóng.
Bản thử nghiệm của tổ hợp Kolos được chế tạo xong vào tháng 4-1967, và thử nghiệm từ tháng 6-1967 đến tháng 5-1968. Tính năng của Kolos được đánh giá là đạt yêu cầu đề ra: Tầm bắn tối đa của rocket là 2.000m, trần bắn hiệu quả 300m. Động năng của đầu đạn 30mm ngang với đạn pháo tự động 37mm.
Ở khoảng cách 500m và góc chạm 60 độ, đầu đạn xuyên được 10mm. Về độ chính xác, khả năng bắn trúng mục tiêu trực thăng bay treo ở độ cao 300m, cự ly 500m là 14%; với mục tiêu trực thăng di chuyển ở độ cao và cự ly tương đương, xác suất trúng đích giảm còn 4%.
Giá thành của hệ thống Kolos được đánh giá là rẻ so với tính năng và hiệu quả của hệ thống: Mỗi ống phóng có giá 36 ruble, mỗi cụm đạn cũng chỉ có giá 31 ruble 80 kopek.
Ống phóng của hệ thống Kolos
Cụm rocket HPC-30
.... nhưng lỡ hẹn đáng tiếc
Có thể nói: Trong bối cảnh thập niên 60 của thế kỷ XX, khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ có trong tay một số ít ỏi những khẩu trọng liên 12,7mm để chống lại trực thăng của Mỹ, thì những tổ hợp rocket phòng không gọn nhẹ, dễ sử dụng như Kolos là thứ vũ khí rất quý giá.
Không những là hỏa khí phòng không chống trực thăng, mà Kolos hoàn toàn có thể xuyên thủng lớp giáp của các xe thiết giáp chở quân M113 Mỹ. Nói cách khác, chỉ với các tổ chiến đấu Kolos trong biên chế, Quân Giải phóng miền nam sẽ có giải pháp "đặc trị" cả hai chiến thuật "trực thăng vận" và "thiết xa vận" của kẻ địch.
Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm thành công, dự án Kolos bị đóng lại, và không đi vào sản xuất hàng loạt.
Lí do được phỏng đoán, có thể là vì phía Liên Xô lúc này cần tập trung nguồn lực hoàn thiện tên lửa phòng không vác vai 9K32 Strela-2 (loại vũ khí sau đó đã xuất hiện trên chiến trường Việt Nam kể từ năm 1972). Kể từ đó trở về sau, ngành công nghiệp quốc phòng Xô viết không tìm đến giải pháp rocket phòng không không điều khiển nữa.