Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dù bác sĩ cũng như phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin cảnh báo về nguy hại của món tiết canh với sức khỏe người tiêu dùng, nhưng nhiều người vẫn chủ quan ăn tiết canh chỉ vì sở thích.
Một bát tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu có thể khiến người ăn trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, với chi phí hàng trăm triệu. Có trường hợp không qua khỏi. Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể.
Thứ nhất, thể cấp tính, bệnh nhân sốc nhiễm trùng huyết, sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân dẫn đến tử vong rất nhanh.
Thứ hai, ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê. Nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.
Người mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh nguy kịch.
Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong lên tới 7%. Người bệnh còn nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa từng người.
Ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ có thể khó thở, thì người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là lợn bị bệnh.
Để phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, nem chua, nem chạo...)
- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
- Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế liên tục tiếp nhận các ca bệnh nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh, lòng lợn hoặc chế biến thịt lợn.
Mới đây, một người đàn ông 50 tuổi (Giao Thủy, Nam Định) thịt lợn và làm món tiết canh để ăn tất niên cùng bạn bè. Một ngày sau khi ăn tiết canh, người này thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái.
Người đàn ông được chẩn đoán người bệnh mắc liên cầu lợn (Streptococcus suis). Sau hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân tử vong.
Tháng 10/2023, tại Thái Bình cũng có một trường hợp cụ bà 70 tuổi (Thái Thuỵ, Thái Bình) ăn tiết canh sau đó đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy phải đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân được xác định sốc nhiễm khuẩn do nhiễm liên cầu lợn.