Tiền đái tháo đường có nguy hiểm?

TS. Đỗ Đình Tùng |

Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng đặc trưng bởi đường huyết tăng hoặc cao hơn mức bình thường, nhưng chưa cao tới mức chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ. Đây thường là một chỉ báo cho thấy một người có nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường týp 2.

Những ai có nguy cơ tiền ĐTĐ?

Một số yếu tố nguy cơ chính gây ra tiền ĐTĐ là: Trên 45 tuổi và có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25; mỡ thừa vùng bụng (vòng hai 89cm trở lên đối với nữ, 102cm trở lên đối với nam); lối sống ít vận động; thừa cân; di truyền; hội chứng buồng trứng đa nang; ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn...

Ở giai đoạn tiền ĐTĐ, người bệnh không có triệu chứng rõ ràng mà thường được chẩn đoán tình cờ trong khi khám sức khỏe hoặc xét nghiệm máu định kỳ.

Đôi khi, xạm da thấy trên các khớp ngón tay, khuỷu tay, đầu gối và cổ có thể là dấu hiệu đầu tiên của tiền ĐTĐ. Nhưng một số triệu chứng đáng chú ý sẽ là: Thừa cân, buồn ngủ, thờ ơ, béo quanh vùng bụng…

Để biết có bị tiền ĐTĐ hay không, một trong những xét nghiệm được đề xuất là xét nghiệm HbA1c đo mức đường huyết trung bình trong thời gian trung bình là ba tháng. Xét nghiệm này có thể được thực hiện ngẫu nhiên không cần nhịn ăn.

Giá trị của HbA1c có thể nằm trong khoảng 5,7 - 6,4% nếu bạn bị tiền ĐTĐ. Kết quả HbA1c càng cao, nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2 càng cao.

Ngoài ra, người bệnh có thể được khuyên nên thực hiện một xét nghiệm đường huyết lúc đói, và để làm điều này, phải nhịn ăn trong 8 giờ hoặc qua đêm.

Tiền đái tháo đường có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Béo quanh vùng bụng, yếu tố nguy cơ cao mắc tiền ĐTĐ.

Phòng ngừa như thế nào?

Để phòng ngừa tiền đái tháo đường và phòng ngừa sự tiến triển thành đái tháo đường týp 2, cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh.

Cân nặng hợp lý: Cân nặng cơ thể là vấn đề rất cần được quan tâm đối với bệnh nhân mắc ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ týp 2. Béo phì đồng nghĩa với dư thừa chất béo trong cơ thể.

Vừa béo phì vừa mắc ĐTĐ týp 2 là điều kiện thuận lợi cho hàm lượng insulin tăng trong máu. Các chuyên gia khuyên, phải “tiêu bớt” chất béo dư thừa trong cơ thể để cải thiện tình hình.

Ăn ít chất béo: Chế độ ăn uống khoa học là vấn đề then chốt khống chế bệnh ĐTĐ. Một chế độ ăn lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm ít chất béo và calo, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nếu ăn thịt chỉ nên ăn thịt nạc.

Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, bởi nó có thể hạ thấp tỷ lệ đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng trong việc phòng chống bệnh tim mạch.

Bổ sung thêm ngũ cốc: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn ngũ cốc như là một thành phần chủ đạo trong bữa ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn bổ sung bánh mì đen hay các loại bánh được chế biến từ bột mì.

Hạn chế đường, chất béo và cacbonhydrat: Cơ thể chúng ta có khả năng hòa tan nhiều loại thức ăn khác nhau theo những tỷ lệ khác nhau: Mất từ 5 phút đến 3 giờ để tiêu hóa cacbonhydrat (có nhiều trong khoai tây), 3 đến 6 giờ để tiêu hóa protein và phải mất 8 giờ hoặc hơn để “tiêu thụ” hết thức ăn.

Đó là lý do tại sao các loại thức ăn khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau tới hàm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường không nhất thiết phải kiêng vĩnh viễn đồ ngọt. Có điều bạn nên hạn chế và ăn có điều độ.

Luyện tập thể dục, thể thao: Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường và insulin trong máu.

Mỗi ngày bạn nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, leo cầu thang…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại