Tiêm thuốc giảm mỡ bụng, cô gái bị sưng mủ, chảy dịch, viêm nhiễm

Lê Liên |

Tiêm thuốc tiêu mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ có cam kết "Giảm mỡ bụng, giảm cân nặng sau 3 tháng tiêm thuốc tiêu mỡ", người phụ nữ gặp phải biến chứng đáng tiếc.

Ảnh: BVCC.

Ảnh: BVCC.

Ngày 25/8, chị Đ.T.T. (27 tuổi, TP.HCM) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do vùng bụng và cánh tay bị nổi nhiều mụn chai cứng có gờ, đỏ tấy kèm đau, một số chỗ vẫn đang chảy dịch, viêm nhiễm.

Chị T cho biết đã tiêm thuốc tiêu mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ sau khi xem quảng cáo của cơ sở này trên mạng xã hội. Cơ sở này cam kết "Giảm mỡ bụng, giảm cân nặng sau 3 tháng tiêm thuốc tiêu mỡ". Thế nhưng, tuần đầu sau tiêm, ngay vị trí tiêm là mặt trong bắp tay và vùng bụng của chị T xuất hiện 1-2 mụn cứng. Đặc biệt, mỗi lần massage theo liệu trình, mụn nổi nhiều hơn nhưng cơ sở thẩm mỹ giải thích do thuốc tác dụng chậm.

Chị T chia sẻ, sau tiêm 2 tháng, những cục mụn nổi khắp cơ thể trở nên chai cứng, tấy đỏ, chảy dịch và đau. Mủ ứ đọng bên trong, khi sờ mụn như phình lên. Xung quanh bụng cũng xuất hiện nhiều mụn nhỏ rỉ máu, chị T đã tự nặn.

"Do tính chất công việc là làm về bán hàng mỹ phẩm nên tôi cần duy trì vóc dáng. Lúc đầu, thẩm mỹ viện cam kết giúp tôi giảm 2-4 kg trọng lượng và 20-30 cm vòng eo so với thể trạng hiện tại. Tuy nhiên, thực tế sau 3 tháng tiêm thuốc tiêu mỡ bụng kết hợp ăn uống kiêng cữ, cân nặng chỉ giảm 0,8 gr và vòng eo giảm 12 cm", chị T cho hay.

Trước đó, chị từng tiêm thuốc giảm béo 2 lần ở một spa khác nhưng không nổi mụn như lần này. Sau khi phản ánh về tình trạng hiện tại, chị được cơ sở thẩm mỹ cho uống kháng sinh 7 ngày nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm nên chị đến khám chuyên khoa Da liễu Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Tiêm thuốc giảm mỡ bụng, cô gái bị sưng mủ, chảy dịch, viêm nhiễm - Ảnh 1.

Những cục cứng xuất hiện nhiều trên cơ thể chị T sau khi tiêm thuốc giảm mỡ bụng. Ảnh: BVCC.

Nguyên nhân tiêm thuốc giảm mỡ bụng gặp biến chứng

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định nữ bệnh nhân gặp tình trạng vùng bắp tay (2 bên) xuất hiện ổ viêm kích thước khoảng 1 cm; vùng bụng phía trên hông bên trái có 5-6 cục u xơ cứng, còn phía bên phải cũng có các cục viêm. Siêu âm cho thấy có dịch trong những cục nốt ở vùng bụng và bắp tay, có biểu hiện áp xe, bề mặt viêm đỏ. Nếu để lâu sẽ gây nhiễm trùng và tiến triển thành ổ áp xe. Những nốt cục mà bệnh nhân nặn ra trước đó đang xẹp nhưng vẫn còn cục nhân cứng nhỏ do hình thành mô xơ.

Theo bác sĩ Bích, tình trạng của chị T. vẫn còn ở mức kiểm soát, chưa cần mổ lấy mô xơ ở bụng. Mô xơ có tác dụng bao bọc lấy ổ nhiễm trùng. Nếu rạch lấy mô xơ từ ổ viêm hay áp xe, vi khuẩn từ dịch mủ sẽ lan theo đường máu và gây ra tình trạng nhiễm trùng toàn thân. Do đó, thời gian này, người bệnh cần điều trị viêm và tiêu dịch trong áp xe trước: Sử dụng thuốc uống gồm kháng sinh (chống nhiễm trùng); kháng viêm (giúp tan mô xơ) và các thuốc kháng sinh bôi. Sau khi uống thuốc, nếu nhọt hết viêm, hết mủ mà nốt xơ không biến mất thì sẽ áp dụng phương án mổ lấy mô xơ.

Sau một tuần điều trị, chị T. đến bệnh viện tái khám, bác sĩ nhận thấy những ổ dịch đã tiêu biến, các cục u xơ đã teo nhỏ, hết hẳn biểu hiện chảy dịch và viêm nhiễm.

"Nguyên nhân thuốc tiêm mỡ bụng dẫn đến tai biến mô xơ bởi vì, sau khi đưa vào cơ thể, thuốc tác động vào mô mỡ chuyển thành nước, cơ thể sẽ hấp thu và đào thải ra ngoài theo đường bài tiết. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như chích sai kỹ thuật (không đưa được thuốc vào mô mỡ/dưới da); thuốc không được bảo quản đúng cách (thuốc cần bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C và khi vận chuyển cần được giữ trong thùng đá); thuốc hết hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng khiến thuốc không thể tan sau khi tiêm vào cơ thể và hình thành những cục vật thể lạ, cơ thể sẽ phản ứng để loại trừ vật thể lạ và gây ra tình trạng nốt cục, nhọt hoặc ổ viêm", BS Bích cho biết.

Ngoài ra, theo BS Bích, đối với kỹ thuật tiêm tiêu mỡ vùng bụng, nếu tiêm quá nông ở trên bề mặt da, thuốc có thể gây loét vùng da tại vị trí tiêm. Còn tiêm quá sâu, hệ quả không chỉ gây hoại tử tại chỗ tiêm mà còn lan đến các vùng khác của cơ thể như đùi, cơ quan sinh dục, lưng, khó kiểm soát.

Hơn nữa, nhiều người lầm tưởng tiêm tiêu mỡ ở vùng bụng, đùi để giúp giảm béo nhưng thực chất kỹ thuật này chỉ hiệu quả khi áp dụng cho những vùng mỡ cục bộ như cằm, lưng và cần được bác sĩ tư vấn.

Các bác sĩ khuyến cáo đối với những trường hợp sau khi đi tiêm giảm béo, nếu xuất hiện sưng tấy, chảy mủ, người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị các nốt viêm do tiêm thuốc càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu vào trong càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục. Lúc đó, cần cắt lọc ổ hoại tử, nguy cơ mất da - cơ, có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ. Những biến chứng khó lường cũng có thể xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể đối diện nguy cơ sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Khuyến cáo về việc giảm mỡ bụng, bác sĩ Bích cho hay nguyên nhân mỡ tích lũy là chế độ ăn uống, vận động không hợp lý diễn ra trong một thời gian dài. Do đó, cần có thời gian điều tiết chế độ ăn uống kèm với tập luyện mới có thể giảm mỡ. Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, với đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, máy móc kỹ thuật hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại