Liên tiếp gặp sự cố
Theo hãng tin Mỹ CNN, Thủy quân lục chiến Mỹ thông báo rằng họ sẽ tạm dừng hoạt động bay của 14 máy bay chiến đấu F-35B đã được biên chế trong biên đội không quân Hải quân số 211 thuộc Không đoàn Yuma ở Arizona do các vấn đề về phần mềm.
Thiếu tướng Mark Wise, Tư lệnh Không quân Mỹ đã đưa ra quyết định đình chỉ các hoạt động này sau khi các "vấn đề bất thường" được phát hiện trong một nâng cấp phần mềm hệ thống thông tin tự động (ALIS) gần đây.
Thiếu tá Kurt Stahl, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Hải quân khi trả lời CNN trong một email đã viết:
"Không có gì là quá nghiêm trọng trong việc dừng các hoạt động bay của phi đội máy bay F-35B; chúng tôi bắt buộc phải dừng bay để sửa chữa hệ thống ALIS trước khi hoạt động bay được tiếp tục trở lại. F-35B là một máy bay hiện đại, nhưng mới được phát triển và đưa vào sử dụng nên những trục trặc như vậy rất dễ xảy ra".
Tiêm kích F-35 hoạt động trên biển.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ là người thường xuyên chỉ trích những tồn tại, yếu kém trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu liên quân F-35. Ông McCain nói:
"Tôi quan tâm đến việc lực lượng Thủy quân lục chiến đã đình chỉ các hoạt động của máy bay F-35B tại không đoàn Yuma do phát hiện các vấn đề với Hệ thống Thông tin tự động của máy bay.
Tôi đang liên lạc chặt chẽ với Thủy quân lục chiến và Văn phòng Chương trình chung để họ xác định nguồn gốc nguyên nhân của những vấn đề này và phương án giải quyết chúng nhanh nhất có thể".
Tin tức về việc đình chỉ hoạt động bay của máy bay F-35B chỉ diễn ra chưa đầy một tuần sau khi lực lượng Không lực Mỹ tại Căn cứ Không quân Luke ở Arizona đình chỉ tất cả các chuyến bay của 55 chiếc F-35A. F-35A là máy bay kiểu cất cánh và hạ cánh thông thường trang bị cho Không quân Mỹ và không quân các nước khác.
Phát ngôn viên của Không lực Mỹ, Đại úy Mark Graff nói với CNN rằng: việc tạm dừng được đưa ra sau khi xảy ra 5 sự cố với các phi công, trong đó phi công gặp phải triệu chứng thiếu oxy. Tất cả phi công gặp sự cố này đều hạ cánh an toàn do đã sử dụng hệ thống cung cấp oxy dự phòng.
Tiêm kích F-35 thử nghiệm trên tàu sân bay.
Liệu có "đáng đồng tiền bát gạo"?
Hai vụ đình chỉ này cho thấy sự thất bại tiếp theo đối với chương trình F-35 trị giá 400 tỷ USD này; một chương trình phát triển vũ khí kéo dài và vượt quá mức ngân sách. Điều này đã khiến F-35 trở thành thứ đắt nhất trong lịch sử phát triển vũ khí của Lầu Năm Góc.
Máy bay F-35B là phiên bản của Thủy quân lục chiến, nó có thể cất và hạ cánh cánh đường băng ngắn. Về kích thước F-35B tương đương với F-35A của không quân. Bay thẳng đứng là một tính năng độc đáo nhất và là yếu tố quyết định trong thiết kế; đồng thời nó có khả năng hạ cánh thẳng đứng.
Phiên bản F-35 Joint Strike Fighter đầu tiên đã đưa vào trực chiến từ năm 2015 và hiện tại đã được triển khai ở nước ngoài.
Phiên bản F-35A Không quân củađã tuyên bố đưa vào sẵn sàng chiến đấu năm ngoái. Còn phiên bản của Hải quân, chiếc F-35C, được cho là sẽ được vận hành vào năm tới.
Tổng thống Donald Trump đã thường xuyên quan tâm đến chương trình phát triển máy bay F-35, Trump đãgay gắt cho rằng chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35 của tập đoàn Lockheed Martin là quá đắt đỏ.
"Chương trình F-35 quá tốn kém và hoàn toàn không thể kiểm soát. Hàng tỷ USD có thể được tiết kiệm dành cho quân đội và những hạng mục mua sắm khác", Tổng thống Trump viết trên Twitter của mình như vậy.
Với những lời phàn nàn và thậm chí là đe dọa hủy bỏ chương trình F-35 của người đứng đầu Nhà Trắng; ngay sau đó Lockheed Martin, nhà thầu chính trong phát triển F-35 đã phải tiến hành cắt giảm đáng kể giá thành của tiêm kích F-35. Như vậy Tổng thống Trump đã tiết kiệm được 700 triệu USD trong hợp đồng trị giá 8,5 tỷ USD cho các máy bay chiến đấu F-35A mới nhất.
Hiện tại, Thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai phi đội F-35 đầu tiên ở nước ngoài với 10 chiếc F-35B đóng quân tại căn cứ Iwakuni - Nhật Bản. Sau nhiều năm nghiên cứu phát triển, dòng tiêm kích này vẫn phải đối mặt với nhiều sự cố trong quá trình hoạt động, gây bất an cho cả những nước sở hữu lẫn lực lượng sử dụng loại máy bay được ví là "siêu đắt đỏ" và gây nhiều tranh cãi này.