Mới đây, tờ svpressa.ru (Nga) có bài viết "Индонезия разочаровалась в истребителе Су-35 - Indonesia thất vọng với Su-35" của chuyên gia phân tích quân sự kỳ cựu Vladimir Tuchkov trong đó bình luận về nhân định chê Su-35 của Cựu tư lệnh phòng không Indonesia, ông Eris Hariyanto và lý giải việc tại sao Jakarta lại "chây ì", dù Su-35 đã thắng thầu.
Cựu tư lệnh phòng không Indonesia chê Su-35 Nga thậm tệ
Cựu tư lệnh phòng không Indonesia, ông Eris Hariyanto đã có bài viết trên IndoAviation chỉ trích gay gắt chiếc tiêm kích Su-35 thế hệ thứ 4++ của Nga. Ông đã chỉ ra rất rõ, theo đúng kiểu quân đội, 4 lý do cần thiết phải từ chối việc mua những máy bay này cho các lực lượng vũ trang nước nhà.
Cần phải nói rằng, chưa kể việc này thì câu chuyện bán Su-35 cho Indonesia cũng đã khá rắc rối. Từ năm 2014, Không quân Indonesia đã công bố gói thầu thay thế 10 chiếc tiêm kích đã lỗi thời từ lâu Northrop F-5 Tiger.
Những đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Su-35 Nga trong gói thầu này là các tiêm kích của châu Âu "Typhoon" và F-16 Viper của Mỹ.
Vào năm 2017, Su-35 đã thắng thầu. Và ngay đầu năm sau đó, hợp đồng mua 11 chiếc tiêm kích, với tổng trị giá lên tới 1,1 tỷ USD đã được ký kết.
Thậm chí, bản hợp đồng đã được ký một cách khá khôn ngoan, bởi vì Indonesia bắt đầu có dấu hiệu muốn "phanh" tiến trình mua sắm này lại. Phần nhiều, điều đó liên quan tới những áp lực chính trị của Washington áp lên Jakarta vì dám mua vũ khí của quốc gia đang bị trừng phạt từ tất cả các phía.
Tổng cộng 11 chiếc máy bay đáng lẽ phải được bàn giao cho Các lực lượng không quân Indonesia trong năm ngoái. Đến giữa năm 2019, bộ trưởng quốc phòng Ryamizard Ryacudu đã hé lộ một chút bí mật của sự cản trở này.
Việc thanh toán cho các máy bay Su-35 một phần sẽ được thực hiện theo hình thức bằng hàng hoá. Có nghĩa là bằng chuối hoặc dầu cọ. Nhưng đây là vấn đề vô cùng phức tạp về cả tổ chức lẫn pháp lý, mà cần phải có sự thống nhất của 4 bộ và của văn phòng chính phủ.
Sư-35 dù rất hiện đại và uy lực nhưng dường như Indonesia không còn mặn mà nữa.
Sự việc còn nghiêm trọng hơn nhiều: Chuyên gia Nga phản pháo
Mùa xuân năm ngoái Bộ trưởng quốc phòng Indonesia đã bị thay thế bằng cựu tư lệnh các đơn vị đặc nhiệm, ông Prabovo Subianto. Chính bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc hội kiến với ông Subianto hôm 30/01/2020 tại Moscow.
Các bên đã đưa ra thông cáo về kết quả cuộc hội kiến, mà trong đó có đề cập tới việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa hai nước. Không có bất cứ vấn đề cụ thể nào được đề cập, bao gồm cả về hợp đồng bán các tiêm kích của Nga cho Indonesia.
Và hiện giờ, các nhóm "chuyên gia" có liên quan tới Mỹ ở Jakarta đã đi một nước cờ tiếp theo. Khá nghiêm túc, bởi vì IndoAviation, đơn vị đăng tải bài viết của một tư lệnh phòng không đã về hưu, là cơ quan thông tấn khá có danh tiếng. Và không thể "phẩy tay" làm ngơ với bài viết này.
Trước tiên, cần phải nói rằng trong bài viết không viện dẫn bất cứ con số nào mô tả tính năng của chiếc máy bay Nga. Có nghĩa là câu chuyện hoàn toàn mang màu sắc "tốt-xấu", chuyên gia phân tích quân sự kỳ cựu người Nga Vladimir Tuchkov bình luận:
1. Ông Hariyanto tuyên bố rằng Su-35 là chiếc máy bay cũ. Bởi vì nó không được chế tạo "từ con số 0", mà chỉ là biến thể của chiếc máy bay đời cũ Su-27. Và Su-35 chỉ có khả năng chứng minh được mình ở vận tốc thấp. Và thay vì sản phẩm đã cũ này, nên mua loại máy bay thuộc thế hệ thứ 5, với các tính năng "tàng hình", có nghĩa là F-35.
Ở đây tất cả đều có gì đó rất lạ. Chiếc F-35 đầy mơ ước hoàn toàn không thể đạt được vận tốc lớn.
Tiêm kích Su-30MK2 trong biên chế Không quân Indonesia.
Nó cố lắm mới đạt được tốc độ 1,6M ở chế độ tăng lực sau. Trong khi vận tốc tối đa của Su-35 là 2,25M. Tỷ lệ lực đẩy, với tải trọng cất cánh tối đa là 0,67 so với 0,81 của Su-35. Vận tốc nâng – 240m/s so với 280m/s.
Khác với chiếc máy bay của Nga, F-35 không có vector lực đẩy điều khiển. Có nghĩa là theo những tính năng bay, bao gồm cả tầm bay, Su-35 hơn hẳn F-35 một cái đầu.
Liên quan tới sự kế thừa giữa Su-27 và Su-35, thì đó là truyền thống của ngành chế tạo máy bay Nga. Chỉ những phẩm chất khí động học tuyệt vời của Su-27 đã được sử dụng. Toàn bộ hệ thống điện tử đã được thay thế. Thậm chí phần lớn đều thuộc thế hệ thứ 5. Bởi vậy, Su-35 thuộc thế hệ 4++, có nghĩa là còn thiếu chút ít để đạt tới thế hệ thứ 5.
Ở Mỹ, có truyền thống chế tạo các máy bay hoàn toàn mới. Tuy nhiên, quy định này có một điều ngoại lệ hết sức thú vị. F-15 ban đầu là tiêm kích hạng nặng, phục vụ mục tiêu chiếm ưu thế trên không. Sau đó, người ta đã biến nó thành chiếc tiêm kích-ném bom.
Còn bây giờ, người ta đang chế tạo chiếc tiêm kích đa nhiệm rất tiềm năng và thú vị F-15S, mà cũng thuộc thế hệ 4++. Căn cứ vào các tính năng được công bố, đối với Không quân Mỹ nó sẽ có ích hơn nhiều so với F-35. Tuy nhiên, sản phẩm đời đầu của Su-27 lại xuất hiện sau 10 năm so với F-15 – năm 1985 so với năm 1975.
Thêm một điểm khá lạ nữa. Khi từ chối mua máy bay Nga để sắm F-35, Indonesia sẽ phải đứng xếp hàng – sớm nhất sau 5 năm nữa mới có.
2. Su-35 được lắp đặt hệ thống radar mảng pha thụ động. Trong khi không chỉ trên các máy bay thế hệ thứ 5, mà cả trên nhiều tiêm kích thế hệ trước, bao gồm Saab JAS 39E/F Gripen, Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon, đều là radar mảng pha chủ động.
Đúng là như vậy. Hệ thống radar mảng pha chủ động có những ưu điểm không thể tranh cãi. Chính vì lẽ đó, hệ thống radar này được coi là yếu tố bắt buộc phải sử dụng trên các tiêm kích thế hệ thứ 5. Nhưng các ưu điểm đó không phải toàn diện, không phổ biến đối với tất cả các tính năng của hệ thống này.
Do mỗi radar được trang bị một máy phát điện riêng kèm theo một bộ khuếch đại, nên về nguyên tắc hệ thống radar này không thể bị cháy chập.
Với radar mảng pha thụ động – chỉ có một máy phát điện duy nhất cho tất cả các thiết bị, và khi nó trực trặc thì radar sẽ không thể hoạt động. Thực ra, có máy phát dự phòng, nhưng nó kém hiệu quả hơn.
Trong radar mảng pha chủ động cũng có thể cùng lúc sử dụng các nhóm quét sóng để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau - trực tiếp để định vị, để tác chiến điện tử, để liên lạc. Radar mảng pha thụ động không thể làm được điều này.
Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo.
Điểm yếu của radar mảng pha chủ động là giá thành cao trong khi cái được gọi là ưu điểm về cự ly phát hiện mục tiêu từ rất xa là không rõ nét. Có nghĩa là ở đây, dường như, mọi thứ khá đơn giản.
Mỗi một bộ khuếch đại truyền-nhận sóng tạo ra một công suất không lớn lắm, nhưng tổng công suất của toàn bộ các bộ khuếch đại lại rất đáng kể. Mà công suất đầu ra của hệ thống radar định vị càng lớn, thì nó có thể "nhìn" được càng xa.
Nhưng đồng thời, các chi tiết bán dẫn sẽ toả ra lượng nhiệt đáng kể, mà cần phải được phân tán và hoá giải nhờ sự trợ giúp của các thiết bị làm lạnh.
Radar mảng pha thụ động R035 "Irbis" của Su-35 không gặp phải vấn đề này bởi các kỹ sư đã thiết kế được công suất đầu ra như vậy (20kWt công suất cực đại), nhờ đó chiếc máy bay của Nga có khả năng phát hiện tốt hơn 3 chiếc tiêm kích của châu Âu được đề cập ở trên, và của cả F-35. Hơn khoảng 10-30%. Có nghĩa đây là hệ thống radar mạnh nhất thế giới.
Cũng cần phải nói rằng các tiêu chí thế hệ thứ 5 của chiếc máy bay không quá cứng nhắc.
Lấy ví dụ, người Mỹ xây dựng những tiêu chí đó phù hợp cho các máy bay của mình. Chắc chắn phải là khó bị phát hiện, có hệ thống radar định vị với ăng-ten lưới mảng pha chủ động, có liên lạc trực tuyến với các máy bay và trạm chỉ huy. Nhưng lại gạch bỏ khả năng siêu cơ động.
Thậm chí cả khả năng cơ động cũng không cần – chỉ cần ẩn mình "trong bụi cây" và bình thản phóng tên lửa từ đó ra, bởi vì dường như không ai có thể nhìn thấy được F-35. Tuy nhiên với radar của Su-35, chiêu trò này không thể qua mắt được.
Người Mỹ cũng không quá quan tâm tới vận tốc siêu thanh không sử dụng buồng đốt sau. F-35 không thể làm được điều này, mặc dù "Lockheed Martin" quả quyết rằng vận tốc ở chế độ không đốt sau có thể lên tới 1,1M.
3. Su-35 có kích thước lớn, bởi vậy nó dễ bị phát hiện và bắn hạ bằng tên lửa. Dùng phương pháp kiểu này để xác định phẩm chất của các máy bay tiêm kích là chưa hề có tiền lệ.
Có cảm giác như ông Eris Hariyanto từng phục vụ trong các đơn vị xe tăng thì đúng hơn. Ở đó, đúng là tiết diện của chiếc xe tăng càng lớn sẽ dẫn tới khả năng bị bắn hạ bởi tên lửa chống tăng hoặc đạn xuyên giáp càng cao.
Trong hàng không, kích thước của chiếc máy bay không ảnh hưởng nhiều đến tiết diện tán xạ hiệu quả của nó. Và kích thước của Su-35 cũng không to hơn nhiều những chiếc máy bay cạnh tranh với nó – khoảng 15-20%.
4. Bảo dưỡng Su-35 sẽ tốn kém hơn nhiều so với F-35. Đây rõ ràng là thông tin sai lệch. Không quân Indonesia đang khai thác các máy bay Su-27SKM và Su-30MK2. Bởi vậy, toàn bộ hạ tầng mặt đất đã sẵn sàng để phục vụ cho Su-35.
Đối với F-35, cần phải xây dựng tất cả từ đầu, bởi vì các máy bay F-16 hiện có của Indonesia – về cơ bản là kiểu hoàn toàn khác.
Tất nhiên, Su-35 không phải là cỗ máy tuyệt hảo. Nó không chỉ có các ưu điểm đã được liệt kê ở trên, mà cả những nhược điểm. Và không thể nói rằng tất cả những tiêm kích còn lại "không thể sánh được với nó". Tuy nhiên, việc mà cựu tư lệnh phòng không Indonesia đã làm – đó là hành động cố tình bôi xấu chiếc tiêm kích của Nga.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì Indonesia cũng chẳng mua nổi F-35. Chúng đắt gấp đôi, còn nếu tính cả chi phí vận hành chúng – đắt tận gấp ba. Và người Mỹ chắc chắn sẽ không nhận thanh toán bằng chuối và dầu cọ.
Thêm vào đó, Indonesia cũng chẳng dư giả gì. Ban đầu họ dự định mua 16 chiếc Su-35. Tuy nhiên không đủ tiền. Và giảm số lượng xuống còn 14, sau đó xuống tới 12. Và cuối cùng dừng lại ở con số 11 chiếc.