Tuy nhiên, gần đây đã lộ diện một số bức ảnh cho thấy những chiếc tiêm kích MiG-29 của Không quân Syria trực chiến và mang tên lửa thế hệ mới RVV-AE, loại vũ khí được coi là "sát thủ" đối với mọi loại mục tiêu bay.
Syria sở hữu bao nhiêu tiêm kích MiG-29
Số lượng tiêm kích loại này có trong biên chế Không quân Syria là một con số bí ẩn bởi lẽ vào năm 1986, quốc gia Cận Đông này đã được Liên Xô viện trợ 24 chiếc máy bay tiêm kích MiG-29 cùng 24 chiếc máy bay ném bom Su-24. Việc chuyển giao được bắt đầu từ năm 1987.
Tuy nhiên, cho tới năm 1989, do Moscow dừng cung cấp viện trợ quân sự cho Damascus khiến việc chuyển giao bị đình lại và con số tiêm kích MiG-29 mà Syria thực tế đã nhận được từ gói viện trợ này là khá "tù mù", nhưng chắc chắn là chưa đủ 24 chiếc theo như thỏa thuận trong gói viện trợ của Liên Xô.
Ngoài các máy bay nhận được trong gói viện trợ quân sự thì Syria cũng đặt mua một số MiG-29 khác từ Liên Xô.
Các nguồn tin khác nhau đều cho rằng Không quân Syria ở thời kỳ cao điểm đã sở hữu tới hơn 40 chiếc tiêm kích MiG-29, tuy nhiên, sau 30 năm sử dụng, số máy bay còn hoạt động được có lẽ không nhiều, cỡ trên 20 chiếc là cùng.
Hình ảnh hiếm hoi về tiêm kích MiG-29 Syria hoạt động trên không.
Nguyên nhân MiG-29 Syria không thể duy trì được hệ số kỹ thuật cao là bởi khó khăn tài chính trầm trọng, không đủ đảm bảo cung cấp nhiên liệu cũng như phụ tùng thay thế, bảo dưỡng sửa chữa.
Trong cuộc xung đột ở Syria, người ta rất ít khi thấy MiG-29 tham chiến, kể cả trong tuần tiễu chặn kích trên không lẫn sử dụng vũ khí không đối đất để tiêu diệt các nhóm phiến quân, khủng bố. Số lần người ta ghi lại được hình ảnh MiG-29 xuất hiện rất ít ỏi, thay vào đó chủ yếu là các "ông lão" Su-22, MiG-21, MiG-23 và thậm chí là cả máy bay huấn luyện L-39.
Trong giai đoạn những năm 2000-2015, Syria mong muốn mua thêm các máy bay tiêm kích thế hệ mới như MiG-31, MiG-29M, MiG-29SMT và máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà các thỏa thuận đều đổ vỡ.
Duy nhất chỉ có một hợp đồng được coi là "đáng giá" khi cả 2 bên Nga-Syria âm thầm triển khai đó là nâng cấp MiG-29 hiện có của Syria lên chuẩn mới, hiện đại hơn.
Biên đội 2 chiếc MiG-29 Syria trong một lần xuất kích hiếm hoi.
MiG-29 Syria đã lột xác, sẵn sàng nghênh chiến F-15, F-16 Israel
Theo một số chuyên gia, hợp đồng nâng cấp MiG-29 cho Syria được 2 bên thống nhất vào quãng năm 2010, nhưng từ đó đến nay hầu như có rất ít thông tin được hé lộ về số máy bay đã được hiện đại hóa, quay trở lại biên chế Không quân Syria.
Tuy vậy, dường như các MiG-29 Syria được nâng cấp lên chuẩn MiG-29SM, một phiên bản dành riêng cho quốc gia này.
Được biết, MiG-29SM của Syria có radar mới N019ME tuy nhiên, đây là loại radar chuyên dành cho tiêm kích đánh chặn, không có khả năng sử dụng các loại vũ khí không đối đất có điều khiển. Muốn đánh đất, MiG-29SM Syria chỉ có thể sử dụng bom "ngu" hoặc bổ nhào bắn rocket không điều khiển.
Theo số liệu công bố của Hãng MiG, radar N019ME có tầm phát hiện 80km đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar cỡ 3m2 và tới 91km đối với mục tiêu cỡ 5m2 ở chế độ quét bán cầu trước, có thể khóa và tấn công 2 mục tiêu đồng thời.
Nó có thể dẫn bắn được các loại tên lửa không đối không tầm trung R-27ER1, R-27ET1 (T1) với đầu dò chủ động và đầu dò hồng ngoại cũng như tên lửa RVV-AE (hay còn gọi là R-77 và được NATO định danh AA-12 Adder) đời mới sử dụng đầu dò radar chủ động.
Mặc dù đã có ít nhiều thông tin về việc MiG-29 Syria sau nâng cấp đã hoạt động trở lại nhưng hầu như người ta chưa thấy ảnh thực tế của nó bao giờ.
Và phải mãi tới gần đây, một số hình ảnh cho thấy MiG-29 nâng cấp đã lộ diện ở trong tình trạng trực sẵn sàng chiến đấu cùng với tên lửa RVV-AE "sát thủ".
Hình ảnh cắt từ video cho thấy tiêm kích MiG-29 Syria mang tên lửa R-73 và RVV-AE tuần tiễu trên không.
Đồng thời còn có cả video quay lại hình ảnh MiG-29 Syria hoạt động tuần tiễu trên không có mang 2 loại tên lửa không đối không R-73 (tầm ngắn) và RVV-AE.
Hiện nay, RVV-AE đang là vũ khí tiêu chuẩn cho tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Nga, chúng có thể hạ gục các mục tiêu phương tiện bay có tốc độ đến 3.600 km/h trên độ cao từ 20 m đến 25 km, thừa sức vít cổ các chiến đấu cơ F-15, F-16 của Không quân Israel.
Thời điểm MiG-29 xuất hiện gần như ngay sau khi Nga chuyển giao cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300.
Phải chăng sau khi máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị bắn hạ thì Moscow mới chính thức chuyển giao MiG-29 hay là Syria có S-300 bảo vệ thì MiG-29 yên tâm lộ diện?
Chưa biết Syria vô tình hay cố ý để lộ ra MiG-29 hiện đại trực chiến cho thấy sức chiến đấu của phòng không - không quân nước này đã trở nên mạnh hơn nhiều so với trước đó nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Nga và rằng đây là động thái cảnh báo Israel rằng MiG-29 đã trở lại và lợi hại hơn xua.
Tiêm kích MiG-29 Syria bay cực thấp hồi năm 2017.