Tiêm kích đắt đỏ nhất thế giới phát sinh tới... 276 lỗi

Đức Anh |

Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho thấy, tiêm kích tàng hình F-35 đắt nhất thế giới đang gặp phải 276 lỗi và cần hơn 1 tỷ USD để khắc phục.

RT dẫn bản báo cáo từ quan chức đánh giá hàng đầu của Lầu Năm Góc cho biết, chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 đang gặp phải hàng trăm lỗi kỹ thuật và hoàn toàn không có khả năng để chiến đấu trước năm 2020. Các vấn đề mới đã phát sinh và để sửa chữa chúng có thể phải tốn hơn 1 tỷ USD.

Bản báo cáo dày 62 trang do tiến sĩ Michael Gilmore công bố đã vẽ nên bức tranh ảm đạm về tương lai của chương trình JSF. Ông là giám đốc thử nghiệm và đánh giá của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Chương trình F-35 bắt đầu được triển khai vào năm 2001, dự định cung cấp máy bay chiến đấu phản lực thế hệ 5 đáp ứng nhu cầu của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Người ta áp dụng thiết kế module để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chi phí chương trình lại vượt 70% so với dự toán ban đầu và chậm tiến độ nhiều năm.

Tiêm kích đắt đỏ nhất thế giới phát sinh tới... 276 lỗi - Ảnh 1.

Tiêm kích đắt nhất thế giới đang gặp hàng trăm lỗi kỹ thuật cần khắc phục.

Mặc dù các quan chức phụ trách chương trình F-35 tiếp tục khẳng định máy bay đang thực hiện tốt và các vấn đề phát sinh trong thử nghiệm đã nhanh chóng được khắc phục nhưng báo cáo của Gilmore cho thấy, rõ ràng ông không tin vào điều đó.

"Chương trình F-35 đang tồn tại 276 lỗi nghiêm trọng trong hiệu suất chiến đấu, cần phải sửa chữa trên lô sản xuất 3F. Nhưng chỉ có chưa đầy một nửa số lỗi được khắc phục. Mỗi tháng, tiếp tục có khoảng 20 lỗi nữa được phát hiện" - trích báo cáo của Gilmore khi đề cập đến phần mềm của F-35.

Báo cáo cho rằng, F-35 cần phải được thử nghiệm nhiều hơn nữa để đánh giá cấu trúc an ninh mạng của máy bay, cũng như hệ thống hỗ trợ hậu cần. Điều đó rất cần thiết để xác định xem đến mức độ nào các lỗ hổng có thể dẫn đến nguy cơ tổn hại dữ liệu của F-35.

Tệ hơn, chương trình đang tìm cách bỏ qua rất nhiều bài kiểm tra và tuyên bố kết thúc sớm, để chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang đánh giá hoạt động ban đầu (IOT&E) bắt đầu từ tháng 8/2017.

Tiêm kích đắt đỏ nhất thế giới phát sinh tới... 276 lỗi - Ảnh 2.

Hệ thống hậu cần tự động ALIS đặt ra nhiều rủi ro cho F-35 nếu không được vận hành đúng cách.

Tiến hành vội vã các bài kiểm tra sẽ khiến rủi ro dễ phát sinh trong quá trình thử nghiệm, quá trình hiện đại hóa sau này và gây nguy hiểm cho các phi công sẽ lái F-35 chiến đấu.

Thế nhưng, văn phòng chương trình F-35 không có kế hoạch cụ thể để sửa chữa đầy đủ và xác minh hàng trăm thiếu sót trong lịch trình bay thử nghiệm.

"Nhiều vấn đề phát sinh và chậm trễ khiến chương trình không thể bắt đầu hoạt động IOT&E đầy đủ cho đến cuối năm 2018 hoặc đầu 2019", Gilmore viết. Bên cạnh đó, chương trình cần thêm 500 triệu USD để hoàn thiện giai đoạn phát triển. Ông Gilmore lưu ý thêm, việc đánh giá chí phí và dự toán của văn phòng thẩm định chương trình có thể dao động hơn 1,1 tỷ USD.

Ngoài vấn đề phần mềm, F-35 còn gặp phải vấn đề về cơ khí. Ví dụ, khớp nối giữa cánh đuôi đứng và khung máy bay xuống cấp nhanh hơn so với dự kiến. Trong khi đó, móc đuôi của phiên bản hải quân xơ xác chỉ sau một lần sử dụng.

Vỏ động cơ và cánh đuôi ngang bị quá nhiệt trong quá trình bay thử nghiệm. Sự dao động trong quá trình phóng từ máy phóng đối với phiên bản F-35C đặt ra vấn đề an toàn cho các phi công. Các thử nghiệm với ghế phóng cho thấy nguy cơ bị chấn thương cổ hoặc tử vong đối với các phi công cân nặng dưới 61 kg, những người vẫn bị hạn chế bay với F-35.

Về vấn đề bảo trì, các kỹ thuật viên được yêu cầu phải kết nối vật lý máy tính trợ giúp bảo trì xách tay (PMA) với máy bay để thực hiện hầu hết các hoạt động.

Nếu PMA không thể kết nối đến máy bay đúng cách, hay kỹ thuật viên tháo kết nối quá sớm, PMA không thể kết nối với máy bay khác cho đến khi nó được cài đặt lại bởi quản trị viên của Hệ thống Hậu cần tự động (ALIS).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại