“Sát thủ đánh chặn” MiG-31
Trước nhiều dự đoán Tổng thống Trump sẽ sớm tuyên bố rút khỏi Hiệp ước New START tương tự như Mỹ từng làm với Hiệp ước INF, nước Nga không chịu ngồi yên, gần đây đã khôi phục việc sản xuất oanh tạc cơ siêu thanh Tu-160M2, nâng cấp Tu-95MS và Tu-22M3.
Chưa hết, với nhu cầu có thêm khung thân MiG-31 để mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal ("Dao găm"), Nga cũng tiến hành "gọi tái ngũ" số lượng lớn MiG-31 - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh.
MiG-31 là máy bay đánh chặn siêu thanh, kíp lái 2 người, được Văn phòng thiết kế Mikoyan phát triển năm 1975, trên cơ sở kế thừa một số ưu điểm của MiG-25 nhằm thay thế MiG-25 "Foxbat" của Không quân Liên Xô, được đưa vào trang bị năm 1981.
Khởi đầu, được thiết kế nhằm mục đích đánh chặn mọi mục tiêu bay từ siêu thấp cho tới siêu cao, MiG-31 là một trong những tiêm kích đánh chặn nhanh nhất, nguy hiểm nhất thế giới, tiếp tục được Không quân Nga và Kazakhstan sử dụng sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga dự kiến sẽ tiếp tục cho hoạt động đến năm 2030 hoặc muộn hơn.
MiG-31 có chiều dài 22,69 m, cao 6,15 m, sải cánh 13,46 m, trọng lượng cất cánh tối đa 46,2 tấn, trọng lượng rỗng 21,82 tấn; tốc độ cực đại Mach 2,83 (3.000 km/h) ở trần bay cao, bán kính chiến đấu 1.450 km; tầm bay cực đại đến 3.000 km với 2 thùng dầu phụ và mang 4 tên lửa hạng nặng R-33E, hoặc đến 5.400 km với 2 thùng dầu phụ, 4 tên lửa R-33R và được tiếp liệu một lần trên không.
Đặc biệt, sát thủ đánh chặn này có thể bay tới độ cao 25.000 m (độ cao vũ trụ là trên 21.500 mét) - vượt qua giới hạn Armstrong (18.900 - 19.350 m).
Các chuyến bay ở độ cao trên giới hạn Armstrong thường gây ra rung lắc rất mạnh ở phần thân máy bay, chỉ các “chim sắt” được thiết kế đặc biệt có đủ độ chắc chắn để các linh kiện không bị tung ra thành từng mảnh, mới có thể chịu được.
Nhờ sử dụng hai động cơ đặc biệt Soloviev D-30F6 để tạo lực đẩy cực mạnh kể cả ở độ cao lớn, không khí loãng và hàm lượng oxy thấp, MiG-31 đạt được độ cao nói trên trong khoảng 9-18 phút - yêu cầu tiên quyết để thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn khẩn cấp, và nó có thể tác chiến hiệu quả ở độ cao này.
MiG-31 thực hành tiếp nhiên liệu trên không. Nguồn: super-hobby.com
Tải trọng vũ khí của MiG-31 khoảng 9 tấn, được thiết kế với 4 giá treo trên cánh và 6 dưới thân cho phép triển khai nhiều loại tên lửa không đối không hạng nặng.
Tên lửa không đối không R-33 được phát triển riêng cho MiG-31 có tầm bắn 120 - 160 km với vận tốc tối đa Mach 3,j5, mang theo đầu nổ nặng 47,5 kg, chuyên dùng để đánh chặn các loại máy bay ném bom tầm xa của Mỹ và NATO như B-52H hay B-1B, hoặc máy bay trinh sát siêu thanh SR-71.
Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal
Kh-47M2 Kinzhal ("Dao găm") là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (sức công phá 500 KT) hoặc thông thường, với tầm bắn hơn 2.000 km, tốc độ Mach 10 (12.000 km/h), dùng để tấn công các tàu chiến (tàu sân bay, tàu khu trục và tàu tuần dương) của Mỹ và NATO có thể đe dọa các hệ thống tên lửa chiến lược ở phần lãnh thổ châu Âu của Nga, phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, các tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo và các mục tiêu mặt đất gần biên giới Nga.
Kinzhal có chiều dài khoảng 8 m, đường kính khoảng 1 m, sải sánh 1,5 m, được trang bị đầu đạn nặng 1 tấn - đủ sức san phẳng căn cứ vững chắc của đối phương, được đưa vào sử dụng tháng 12/2017 và là một trong sáu vũ khí chiến lược mới của Nga được Tổng thống Putin tiết lộ vào tháng 3/2018.
Nó có thể được phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3 tấn công mục tiêu cách 3.000 km, hoặc máy bay đánh chặn MiG-31K - cách 2.000 km. Nhiều ý kiến cho rằng, Kh-47M2 Kinzhal chính là bản cải tiến của tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.
Kh-47 Kinzhal ứng dụng đường bay tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp với khả năng cơ động trong hành trình để né tránh mọi hệ thống phòng không hoặc phòng thủ tên lửa của Mỹ đang có trong trang bị, bao gồm MIM-104 Patriot, Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Hệ thống chiến đấu Aegis (ACS).
Tên lửa tăng tốc đến tốc độ siêu âm trong vài giây sau khi phóng, sau đó, nhờ đầu dò chủ động ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, Kh-47M2 có độ chính xác cao, sai lệch mục tiêu chỉ vào khoảng 10 - 20 m.
Các chuyên gia quân sự Nga tin rằng, Kinzhal sẽ trở thành “thương hiệu” Nga bên cạnh các tượng đài như súng trường Kalashnikov, các hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400 và tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander…
MiG-31 - Kinzhal song kiếm hợp bích
MiG-31 đã trải qua một số lần cải tiến, nâng cấp radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực để tăng cường khả năng phát hiện và truy tìm mục tiêu theo hướng bảo tồn các cấu trúc ban đầu, đồng thời tích hợp vũ khí và hệ thống điện tử hiện đại cho phép chúng chiếm ưu thế trước các đối thủ tiềm năng.
Với radar Zaslon-M, MiG-31BM có thể cùng lúc truy quét 10 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu khác nhau với khoảng cách phát hiện lên tới 320 km (riêng với máy bay cảnh báo sớm AWACS, tầm phát hiện lên 400 km).
“Sát thủ đánh chặn” MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal. Nguồn: RIA
MiG-31BM có khả năng mang nhiều loại vũ khí từ tên lửa đến bom dẫn đường, khả năng chiến đấu tăng gấp đôi so với thế hệ đầu, xứng đáng với tên gọi “sát thủ đánh chặn”. Năm ngoái, MiG-31 đã được trang bị vũ khí mới nhất vừa gia nhập quân đội Nga - tên lửa siêu thanh Kinzhal - được coi là một thành tựu quốc phòng lớn.
Năm 2018, MiG-31 đã thực hiện các vụ phóng Kinzhal trong nhiều điều kiện khác nhau, từ tầm bắn hơn 1.000 km; tất cả các mục tiêu bị đánh trúng và phá hủy với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Không quân Nga có khoảng 152 - 190 chiếc MiG-31B/BM, được bổ sung tổng số 80 chiếc MiG-31BM ở thời điểm cuối 2016; 100 - 120 chiếc khác (bị rút khỏi trang bị và niêm cất bảo quản khi kinh tế Nga gặp khó khăn thời kỳ hậu Xô Viết) gồm các phiên bản MiG-31, MiG-31 01DZ và MiG-31B, đang được gấp rút phục hồi và nâng cấp lên chuẩn MiG-31BM hoặc MiG-31K (có thể tích hợp Kh-47M2 Kinzhal) để bàn giao trong giai đoạn 2018 - 2020.
Hiện Nga cũng đang lên kế hoạch để nâng cấp MiG-31BM cho phép tác chiến ở tầng bình lưu. Ở độ cao này, MiG-31BM gần như miễn nhiễm với các loại tên lửa phòng không bắn từ mặt đất.
Vì kích thước lớn nên mỗi chiếc MiG-31BM chỉ có thể mang duy nhất một tên lửa Kinzhal, sau khi tăng tốc đến một độ cao nhất định, phi công sẽ nhấn nút phóng và tên lửa rời khỏi máy bay ở một khoảng cách an toàn trước khi động cơ tên lửa khai hỏa.
Việc nâng cấp hệ thống điện tử và tích hợp tên lửa không đối đất Kh-47 có tốc độ kinh hoàng đã biến tiêm kích bay nhanh nhất thế giới MiG-31 BM thành máy bay chiến đấu đa năng - một trong những hệ thống vũ khí cực mạnh, tạo lợi thế áp đảo cho không quân Nga trước đối thủ tiềm tàng.
Với siêu tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, MiG-31 như "hổ mọc thêm cánh" và sẽ là một trong những yếu tố giúp Nga thay đổi cán cân vũ khí tấn công nhanh toàn cầu./.