Thủy quân lục chiến Mỹ nhận máy bay MV-22 Osprey nâng cấp đầu tiên

HỮU ĐÔ |

Trực thăng lưỡng thể MV-22 Osprey đầu tiên đã được bàn giao cho Thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ New River, bang Bắc Carolina sau quá trình nâng cấp lên chuẩn mới.

Hiện lực lượng này đang khai thác phi đội máy bay MV-22 Osprey hỗn hợp (gồm cả chuẩn B và chuẩn C cũ), đồng nghĩa với việc công tác bảo trì, bảo dưỡng sẽ có những yêu cầu khác nhau. Chính điều này đã khiến nhiều máy bay phải “đắp chiếu” dài ngày vì linh phụ kiện thay thế bị thất lạc hoặc nhầm lẫn so với thiết kế.

Vì vậy, Thủy quân lục chiến Mỹ đã ký với liên doanh của hai nhà thầu quốc phòng Bell và Boeing để thực hiện Chương trình hiện đại hóa đồng bộ máy bay MV-22 Osprey (CC-RAM).

Bản kế hoạch hàng không (Aviation Plan) năm 2019 của Thủy quân lục chiến Mỹ có đề cập rằng, việc thiếu các bộ phận thay thế phổ biến và các vấn đề liên quan đến vỏ bọc động cơ là hai yếu tổ chính mà Chương trình CC-RAM sẽ tập trung khắc phục để nâng cao tỷ lệ trực sẵn sàng tác chiến của máy bay MV-22 Osprey.

Hợp đồng bao gồm 129 chiếc MV-22 Osprey được nâng cấp từ chuẩn B và C cũ lên chuẩn C mới với nhiều trang thiết bị tối tân hơn như radar thế hệ mới, hệ thống màn hình buồng lái và một số thiết bị trong khoang điều khiển. Dự tính thương vụ được hoàn thành trước năm 2022.

Tuy nhiên, theo Cơ quan thanh tra (OIG) của Bộ Quốc phòng Mỹ, Chương trình CC-RAM vẫn còn thiếu sót khi không đề cập tới thiết bị lọc khí động cơ (EAPS) được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn nhất với chiếc MV-22 Osprey thời gian qua.

Thủy quân lục chiến Mỹ nhận máy bay MV-22 Osprey nâng cấp đầu tiên - Ảnh 2.

Bảo dưỡng động cơ cánh quạt của trực thăng MV-22 Osprey. Ảnh: The Aviationist.


Cụ thể, OIG cho rằng, thiết bị EAPS đã không được thiết kế phù hợp với yêu cầu kỹ thuật từ nhà sản xuất động cơ Roll-Royce để bảo đảm MV-22 Osprey có thể hoạt động ổn định ở điều kiện nhiều cát bụi như ở sa mạc hay môi trường tác chiến ở Trung Đông. Nhiều khả năng, chương trình nâng cấp mới sẽ bổ sung nội dung này.

Máy bay MV-22 Osprey là biến thể dành cho Thủy quân lục chiến của dòng trực thăng V-22 Osprey được đưa vào biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 2007.

Thủy quân lục chiến Mỹ nhận máy bay MV-22 Osprey nâng cấp đầu tiên - Ảnh 3.

Nhật Bản là khách hàng nước ngoài duy nhất của dòng trực thăng lưỡng cư này. Ảnh: The Aviationist.


Máy bay chở được 9 tấn hàng trong khoang hoặc cẩu 6,8 tấn hàng bằng móc treo bên ngoài, hay 24 binh sĩ cùng đầy đủ trang bị. Nó có thể hoạt động trên hạm, trên mặt đất và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm-cứu nạn ở nhiều địa hình mà trực thăng thông thường hay máy bay cánh bằng không thể thực hiện được.

Nhờ trang bị 2 động cơ АЕ1107С Liberty có tổng công suất 6.150 mã lực, V-22 Osprey có khả năng đạt tốc độ bay tối đa tới 510km/giờ ở chế độ máy bay và 184km/giờ ở chế độ trực thăng và có thể bay lên tới độ cao 7km. Việc chuyển đổi chế độ bay từ trực thăng sang máy bay của V-22 mất khoảng 16 giây.

Tính tới thời điểm hiện tại, Bell-Boeing đã và đang sản xuất gần 500 chiếc V-22 Osprey các biến thể khác nhau.

Phần lớn trong số chúng được bán cho quân đội Mỹ (360 chiếc MV-22 Osprey cho Thủy quân lục chiến Mỹ, 54 chiếc CV-22 Osprey cho Không quân Mỹ, và 48 chiếc CMV-22 Osprey cho Hải quân Mỹ).

Khách hàng nước ngoài duy nhất của V-22 Osprey là Nhật Bản với 17 chiếc. Trong khi đó, một số nước như: Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc, UAE cũng ngỏ ý quan tâm tới dòng trực thăng đặc biệt này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại