"Siêu hố đen" trên thị trường vũ khí toàn cầu vào năm 2029?
Những đổi mới chóng mặt về mặt công nghệ bao gồm khả năng "tàng hình", triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại và khả năng vận hành lâu hơn đã mở đường cho một quá trình phát triển ồ ạt của các hạm đội tàu ngầm trên thế giới.
Trái ngược với các phương tiện chiến tranh khác, việc sở hữu và vận hành tàu ngầm là lợi thế chỉ có một số ít quốc gia sở hữu. Tàu ngầm được cho là thứ vũ khí có thể đem lại một lợi thế bất ngờ trong các cuộc chiến bất đối xứng tương lai.
Theo Global Data, một công ty phân tích hàng đầu về quân sự, tàu ngầm tên lửa đạn đạo vận hành bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) dự kiến sẽ chiếm 40% thị phần toàn bộ thị trường tàu ngầm toàn cầu vào năm 2029 (tăng từ 29% vào năm 2019).
Chỉ trừ SSP (tàu ngầm AIP), doanh số SSN (tàu ngầm tấn công hạt nhân), SSK (tàu ngầm diesel-điện), SSM ( tàu ngầm cỡ nhỏ) đều giảm để nhường vị trí quán quân cho SSBN. Tổng giá trị giao dịch tích lũy được dự đoán sẽ là 280,5 tỷ USD trong giai đoạn 10 năm nói trên.
Trong báo cáo "Thị trường tàu ngầm toàn cầu 2019-2029" của công ty, Global Data tuyên bố rằng thương mại liên quan tới tàu ngầm trên toàn thế giới ước tính 22,4 tỷ USD vào năm 2019 và sẽ đạt mức 31,3 tỷ USD Mỹ vào năm 2029.
Tại sao doanh số SSBN tăng "chóng mặt"?
Hải quân nhiều quốc gia đang lên kế hoạch trang bị các loại tàu ngầm chiến lược, đăc biệt là SSBN với lớp Columbia/SSBNX của Hải quân Mỹ, lớp Jin (Type 094 / 094A) và lớp Tang (Type 096) của Hải quân Trung Quốc (PLAN) và lớp Borei (Project 955) của Hải quân Nga.
Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến sẽ thay thế lớp Vanguard hiện tại bằng lớp Dreadnought do BAE Systems phát triển. Lớp SNLE 3G (lớp SSBN thế hệ thứ 3) của Pháp đã được lên kế hoạch để thay thế lớp Triomphant hiện tại.
Ấn Độ cũng đang đặt mục tiêu thiết lập "bộ ba hạt nhân" (các hệ thống triển khai vũ khí hạt nhân của một cường quốc) và phân bổ một ngân sách đáng kể cho SSBN. Đất nước Nam Á này đã đóng thành công một SSBN lớp Arihant và hiện đang đóng thêm ít nhất là 3 chiếc.
Bảng so sánh SSBN hiện đang vận hành của Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga.
Thuyền trưởng Nurettin Sevi của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, nhà phân tích Quốc phòng tại Global Data nhận xét: "So với các phương tiện trên mặt đất, trên không và mặt nước, SSBN hiện đại rất khó bị phát hiện và chúng trở nên lý tưởng để thực hiện vai trò răn đe hạt nhân.
Không chỉ thay thế các hạm đội tàu ngầm cũ kỹ, các cường quốc hạt nhân đang tìm cách trang bị các hệ thống tiên tiến nhất bao gồm vũ khí, cảm biến, hệ thống quang học điện tử, hệ thống chế áp điện tử và thủy âm".
Điều thú vị hơn cả là trong bối cảnh các quốc gia ngày càng chi nhiều tiền hơn cho tàu ngầm, thì hiện tại chỉ có 6 quốc gia trên thế giới là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có đủ khả năng kỹ thuật để chế tạo SSN và SSBN.
Cùng với ưu thế của SSBN trong tương lai, có lẽ "câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân" sẽ sớm mở rộng, với các đối thủ khác như Argentina, Brazil...
Hải quân Nga bắn thử nghiệm 4 tên lửa đạn đạo Bulava từ SSBN lớp Borei.