Thương tâm bé gái hơn 2 tuổi bị chó cắn nát mặt, nguy cơ sẹo sâu ở mặt

N.H |

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, 18 giờ 50 phút ngày 5/10/2018, Bệnh viện có tiếp nhận cháu bé 31 tháng tuổi, ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương nhập viện trong tình trạng bị nhiều vết thương ở vùng mặt

Nạn nhân là cháu  T.T.H.Y, con chó do chính gia đình cháu HY nuôi và con chó này đang trong thời kỳ sinh sản.

BS. Nguyễn Quang Hà, Khoa Răng - Hàm - Mặt, BV Sản Nhi Nghệ An cho biết, tổn thương của cháu H.Y là rất nghiêm trọng. Vết thương vùng quanh mắt trái sâu, mất hết tổ chức. Vết thương trán sâu sát xương. Nhiều vết thương khác ở đầu và mi mắt phải...

Các bác sĩ Khoa Răng - Hàm - Mặt đã nhanh chóng hội chẩn và tiến hành cắt lọc, rửa vết thương, phẫu thuật khâu tạo hình vết thương vùng đầu mặt. 

Thương tâm bé gái hơn 2 tuổi bị chó cắn nát mặt, nguy cơ sẹo sâu ở mặt - Ảnh 1.

Dù các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể tránh được vết sẹo trên mặt sau này (ảnh Quang Hà)

Bs. Hà cũng chia sẻ thêm, mặc dùcác bác sĩ đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể tránh cho cháu được vết sẹo sau này. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã cho cháu dùng thuốc kháng sinh, chống phù nề, giảm đau đồng thời tư vấn cho gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tiêm phòng dại và uốn ván.

Ở Việt Nam, chó được nhiều gia đình nuôi với mục đích giữ nhà. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây hiện tượng chó nhà cắn đã không còn là điều lạ mà đã trở thành mối lo ngại. Trước đó, cháu bé 8 tháng tuổi ở Hà Nội đã bị chó nhà cắn chết ngoài ra còn nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu với vết thương rất nặng và nguy hiểm.

Mới đây, các bác sĩ BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí cũng đã tiếp nhận và cấp cứu cho trường hợp bệnh nhi 4 tuổi trú tại xã Điền Công – TP Uông Bí nhập viện với nhiều vết thương vùng mặt và vùng cổ. 

Đáng nói là, cháu bé này đã từng bị con chó này tấn công một lần nhưng vì vết thương không đáng lo ngại nên gia đình vẫn chủ quan, chỉ lần này khi cháu bị chó cắn vào vùng mặt và chấn thương nguy hiểm ở vùng cổ gia đình mới đưa đến viện.

Theo bác sĩ, vết thương của bệnh nhi tại vùng mặt không có gì đáng ngại vì đa phần là vết thương ngoài da. 

Tuy nhiên vết thương tại vùng cổ của bệnh nhi rất nguy hiểm bởi 2 vết thương vùng cổ rất sâu nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn vùng cổ và đặc biệt là vùng thanh khí quản làm tổn thương đường thở khiến trẻ suy hô hấp do phù nề chèn ép hoặc sặc máu, bệnh nhi có tử vong ngay lập tức.

Đáng nói là chỉ tính từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 6 trường hợp người bệnh bị chấn thương do chó cắn.

Còn tính riêng tại Nghệ An, mỗi năm có hàng ngàn trường hợp chó cắn người gây thương tích. Và từ đầu năm đến nay địa phương này cũng  có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ, không  để trẻ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ. 

Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%,. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại