Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang 'bắt' virus Corona: 'Tôi chỉ là người tra dầu nhớt'

Thu Hường - Ảnh: Vũ Khánh Thành - Thiết kế: Đỗ Linh |

"Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép sản phẩm nghiên cứu trong thời gian siêu ngắn như vậy..." - PGS Hồ Anh Sơn nói.

Thượng tá - PGS.TS Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (YDHQS), Học viện Quân y là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 2 bộ KIT test SARS-CoV-2 là Real-time RT-PCR và RT-PCR vừa được Bộ Y tế cấp phép tạm thời trong 6 tháng. 

Cùng với một số nước trên thế giới, Việt Nam đã chủ động được KIT chẩn đoán virus, tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong việc phòng chống dịch Covid-19 giữa bối cảnh dịch đã khiến hơn 100.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người tử vong trên toàn cầu.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 1.

Hai mẫu sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus corona (SARS-CoV2) do anh chủ nhiệm nghiên cứu đã hoàn thành giai đoạn 1, chỉ sau gần 1 tháng Bộ KH-CN giao nhiệm vụ. Nhóm nghiên cứu do anh đứng đầu đã làm gì để có được sản phẩm trong thời gian ngắn như vậy?

PGS Hồ Anh Sơn: Cuối tháng 12/2019, ở Vũ Hán (Trung Quốc) xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ chưa rõ nguyên nhân. Đến ngày 13/1, một công trình nghiên cứu công bố đã "bắt" thành công virus gây bệnh, khi có được các thông tin di truyền. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã liên lạc với một đối tác lâu năm là viện Charite ở Đức, nhờ các chuyên gia bên đó cung cấp thông tin về virus, các cặp mồi để bắt vi rút, chuỗi dò khóa cũng như một số quy trình để tìm hiểu, phát hiện chủng mới của vi rút Corona.

Đến ngày 20-21/1, chúng tôi bắt đầu đặt các mẫu di truyền của virus được tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ nước ngoài và bắt tay vào nghiên cứu. Dù chưa có chỉ thị từ cấp trên nhưng phản ứng đó của chúng tôi giống như phản xạ tự nhiên của người làm nghề nghiên cứu. Chẳng phải vì muốn trở thành Iron-man giải cứu thế giới, mà chỉ đơn giản, chúng tôi coi đó là trách nhiệm với gánh nặng trên vai là câu hỏi: "Nếu dịch bệnh lan đến Việt Nam thì sẽ thế nào"?

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 2.

PGS Hồ Anh Sơn.

Khi TP.HCM có ca bệnh đầu tiên ở BV Chợ Rẫy, không khí trong viện YDHQS bị đốt nóng một cách nhanh khủng khiếp. Mọi người tất bật làm việc. Hôm 30-31/1, Bộ Khoa học Công nghệ mời các chuyên gia đến bàn bạc trong tâm trạng vô cùng lo lắng. Bệnh dịch đã lan tới Việt Nam mà số lượng KIT test rất ít ỏi. Miền Nam, miền Bắc đều có số lượng test quá hạn chế, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nước ngoài.

Bộ KH-CN giao cho chúng tôi nhiệm vụ chỉ có 2 tuần để có KIT thử nghiệm và sau một tháng có sản phẩm sử dụng. Thời gian quá gấp rút, anh em trong nhóm nghiên cứu phải tăng hiệu suất làm việc lên gấp 3 lần.

Thời điểm đầu tháng 2, ngoài nhóm của anh, Bộ KH-CN cũng "đặt hàng" các dự án nghiên cứu KIT test khác. Anh có thấy áp lực khi phải chạy đua không chỉ với "deadline" của Bộ mà còn với các đơn vị nghiên cứu cùng mục đích?

PGS Hồ Anh Sơn: Bộ KH-CN giao nhiệm vụ trên cơ sở chúng tôi báo cáo có thể hoàn thành sớm nhất dự án vào khi nào. Tính toán 1 tháng có sản phẩm sử dụng là thời hạn khi mọi thứ diễn ra ở điều kiện thuận lợi nhất và không có bất cứ sai sót nào.

Để đạt được tiến độ, chúng tôi làm việc quên cả thời gian, có hôm quên ngủ. Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ. Chúng tôi có những hộp cơm "huyền thoại" mang đi hàng ngày từ nhà hoặc đặt hàng từ bên ngoài. Có ngày, 20-21h chúng tôi "nhốt mình" trong viện và thường nói vui với nhau: "vì yêu cô Vy quá nên phải ăn ngủ cùng cô Vy".

Để đảm bảo tiến độ, nhóm nghiên cứu do anh Sơn làm chủ nhiệm đề tài phải tranh thủ ăn ngủ tại viện nghiên cứu.

Ở đây không có virus thực, chỉ có các mẫu tổng hợp gene của SARS-CoV-2 nhưng ngay cả trong giấc mơ, chúng tôi cũng nhìn thấy virus. Biết được trình tự gene của "cô Vy" rồi nhưng làm sao để sản xuất KIT nhận biết được nó thực không dễ dàng.

Quy trình sản xuất KIT test virus được WHO và các nước công bố. Các nhóm nghiên cứu trong nước đều có thể tham gia nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu ra sản phẩm có thể sử dụng được thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác vì nếu chỉ sao y nguyên quy trình từ nước ngoài thì có lẽ không cần tiêu tốn tới 1 tháng.

Đến thời điểm này, nhiều nhóm nghiên cứu còn chưa đi đến bước cuối cùng. Đây đúng là một cuộc chạy đua nhưng không phải đua xem nhóm nào sẽ thắng mà chạy đua với thời gian, làm sao trong thời gian ngắn nhất có được sản phẩm tốt nhất phát hiện virus và tạo ra sự yên tâm cho cộng đồng. 

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 5.

PGS Sơn nhớ lại những ngày tháng "ăn ngủ cùng virus".

Những ngày tháng vừa qua khá áp lực. Công việc nghiên cứu diễn ra từ trước Tết nên anh em trong nhóm gần như không có Tết, chúng tôi cũng quên cả nghỉ Tết. Đây là lần đầu tiên có những chuyện như thế, lần đầu tiên chúng tôi phải nghiên cứu trong điều kiện gấp rút như vậy. Nhưng chắc vì là quân y, quen với môi trường quân đội nên chẳng ai nề hà. Người thân của chúng tôi đa phần cũng làm trong quân đội, bệnh viện nên rất hiểu và cảm thông.

Anh vừa nói, thời gian hoàn thành dự án chỉ trong vòng 1 tháng sẽ không cho phép bất cứ sai sót nào xảy ra. Có nghĩa là suốt quá trình đó, các anh chưa từng sai lầm, dù là nhỏ nhất?

PGS Hồ Anh Sơn: Mỗi ngày, cách 2-3h, Thủ trưởng Học viện Quân y và lãnh đạo các Bộ lại hỏi chúng tôi duy nhất một câu: "Vài tiếng vừa qua, các anh đã làm được gì?". 

Trước ngày thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm ở viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Giám đốc Học viện Quân y hỏi tôi: "Nếu thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm mà hỏng thì sao, các anh cần bao nhiêu thời gian để sửa lại". Tôi vừa nghiến răng, vừa nói với anh: "Báo cáo Thủ trưởng, chúng tôi chưa từng nghĩ đến tình huống thất bại vì chúng tôi không có cả thời gian để nghĩ đến điều đó. Chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một việc là phải hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không thắng trận này, chúng tôi giống như người lính trên chiến trường trúng đạn, không có cơ hội làm lại".

Anh em nói vui với nhau rằng đây là cuộc chiến “sinh tử cùng cô Vy” vì nếu sai, chúng tôi không đủ thời gian làm lại. Chính vì thế, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chuyên gia của công ty Việt Á ngay từ những tuần đầu, tạo ra 6 loại KIT, mang sang NIHE kiểm định. Họ khuyên chỉ nên chọn ra 3 mẫu tốt nhất để thử, bởi các anh chị ở NIHE cũng bộn bề nhiệm vụ chống dịch. Kết quả cả 3 loại đều thành công. Nhưng vì tính chất sản xuất nên công ty Việt Á tập trung sản xuất một loại tốt nhất để nghiệm thu.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 6.

Những ngày căng thẳng nghiên cứu vì áp lực thời gian, dù là 2-3h sáng, chỉ cần có kết quả là PGS Sơn lại lập tức báo cáo lên trên.

Là đơn vị nghiên cứu của Học viện Quân Y, trực thuộc Bộ Quốc phòng có phải là một điều kiện tốt để nhóm nhận được sự ủng hộ, giúp hoàn thành nghiên cứu nhanh như vậy, trong khi nhiều nhóm nghiên cứu khác, dù rất nỗ lực, vẫn chưa hoàn thành sản phẩm?

PGS Hồ Anh Sơn: Thông thường, một sản phẩm như KIT test virus phải mất khoảng 2 năm nghiên cứu, trải qua quá trình đấu thầu nghiên cứu, viết thuyết minh đề tài, đấu thầu mua hóa chất, đánh giá, thử nghiệm, nghiệm thu... và 2 năm để chuyển giao sản xuất, tối ưu quy trình, nghiệm thu, đăng ký sản phẩm. Nhưng vì dịch bùng lên quá nhanh, mọi tiền lệ đều bị phá vỡ. 

Thay vì đấu thầu đề tài nghiên cứu, Bộ KH-CN chỉ định đơn vị Học viện Quân Y phối hợp với công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Nếu tính tổng thời gian nghiên cứu và hoàn thiện (kể cả thời gian nghiên cứu trước khi Bộ KH-CN giao nhiệm vụ) thì chúng tôi có 2 tháng. Với cường độ làm việc tăng gấp 3 lần so với bình thường, có nghĩa chúng tôi đã hoàn thành sau 6 tháng, ngắn hơn 8 lần so với quy trình thông thường. Nếu không có sự hỗ trợ, vận hành cực kỳ trơn tru từ nhiều đơn vị thì không thể nào làm được điều đó.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 7.

Phòng đặt máy Real-time.

Câu chuyện của Học viện Quân y hay công ty Việt Á chỉ là những đại diện của việc toàn đất nước Việt Nam đã tạo ra bộ KIT “made in Vietnam”. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng: "Điều quan trọng làm nên thành công là phía sau bạn có những ai". Lúc nước sôi lửa bỏng này thì nhóm nghiên cứu nào cũng được tạo điều kiện hết mức. Phía sau chúng tôi không chỉ có Bộ KH-CN mà còn có Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và rất nhiều người khác từ các đơn vị khác cũng đã phải xắn tay vào cùng làm việc.

Chẳng hạn, rất nhiều bộ KIT trên thế giới cũng sử dụng các mẫu tổng hợp gene trong phòng thí nghiệm và nó vấp phải ngay một khó khăn là khi triển khai trên mẫu bệnh phẩm thực tế thì bị lỗi. Vật liệu tốt nhất để nghiên cứu là virus được lấy từ bệnh nhân tại khu vực nghiên cứu, chính là ngay tại Việt Nam. Nếu đó là mẫu virus từ nước khác mà sử dụng nghiên cứu thì chưa chắc đã trúng. Viện vệ Sinh dịch tễ Trung ương đã giúp chúng tôi 2 mẫu virus rất quý giá, đó là mẫu SARS-CoV-1 (gây ra đại dịch SARS năm 2003) và SARS-CoV-2 (gây ra đại dịch Covid-19).

Hai mẫu này vô cùng quan trọng vì ngay cả việc phân biệt được 2 con virus cùng chủng Corona này đã là một câu hỏi khó rồi. Nếu không có 2 mẫu này, chúng tôi không thể nghiên cứu KIT thành công như vậy. 

Tại Việt Nam, bao nhiêu nhóm nghiên cứu đều dồn vào NIHE để có được mẫu bệnh phẩm. Vì thế, mẫu bệnh phẩm trở nên quý như vàng và lại là mẫu bệnh phẩm tối nguy hiểm nên không thể xin về. Nhưng NIHE đã hỗ trợ chúng tôi hết sức và họ cũng đã làm việc hết sức để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu khác. 

Hôm nay, khi nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy đó là chặng đường dài và chỉ muốn nói về sự cảm phục tinh thần làm việc quyết liệt của các đơn vị. Đó là sự hậu thuẫn khổng lồ giúp chúng tôi sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 9.

Ngoài sự ủng hộ hết mình của tất cả các cơ quan, ban ngành, đâu là nguyên nhân quyết định giúp nhóm làm nên thành công này?

PGS Hồ Anh Sơn: Điều đáng tự hào nhất là trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với tình trạng trên nóng dưới rực lửa. Dù chúng tôi căng thẳng nhưng không có điều gì khác phải suy nghĩ ngoài việc làm ra sản phẩm tốt nhất. Lúc rảnh rỗi, dù là 1-2h sáng, anh em vẫn rủ nhau xúm lại chơi bóng bàn xả stress, tán gẫu rồi khi có việc thì lại làm hết sức, quên ăn, quên ngủ.

Nhóm nghiên cứu có 2 TS, các ThS, nghiên cứu sinh, tổng cộng khoảng 10 người. Những người nghiên cứu ở đây đều rất thiện chiến, có chuyên gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài.

Để ra được bộ KIT là chặng đường rất dài, không phải là 1 tháng hay 1-2 năm. Nó là quá trình đầu tư dài hạn vào con người khi Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y từ nhiều năm trước đã cử cán bộ sang nước ngoài học tập. Tôi tin, không thể có được thành tựu nghiên cứu nào nếu chúng ta không có những con người đủ giỏi, đủ tâm huyết với công việc.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 10.

Phòng nghiên cứu sinh phẩm.

Thành công này cũng là nhờ sự hợp tác nhiều năm với các đơn vị nghiên cứu ở nước ngoài, với công ty Việt Á. Trong những ngày Việt Nam còn chưa phân lập được virus, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ các đối tác nước ngoài. Mọi người chỉ nhìn thấy thành công sau 30 ngày bộ KH-CN giao nhiệm vụ nhưng thực tế, điều ấy được đánh đổi bằng rất nhiều thời gian.

Mất nhiều công sức nghiên cứu như vậy nhưng thực tế, virus sẽ liên tục biến đổi và đến khi đó, KIT chẩn đoán này còn chính xác nữa không?

PGS Hồ Anh Sơn: Mặc dù virus có biến đổi nhưng chúng luôn có những vùng gene khá ổn định. Cái khó của người nghiên cứu là khi coppy theo hướng dẫn chung của WHO, có thể tối ưu lại xem đâu là vùng gene ổn định, ít thay đổi. Nếu bắt vào vùng gene thay đổi thì chỉ bắt được con này còn con sau lại trượt.

Hiện tại, Bộ Y tế mới chỉ cấp phép tạm thời cho 2 sản phẩm mà Học viện Quân y phối hợp với công ty Việt Á hoàn thành? Sau quãng 6 tháng đó, kịch bản tiếp theo sẽ là gì?

PGS Hồ Anh Sơn: Thông thường các sản phẩm KIT khác cũng chỉ được cấp phép có thời hạn. Với những sản phẩm phải cho ra với thời gian gấp rút như thế này là điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và có lẽ là trên thế giới cũng như vậy. Các sản phẩm đã qua bước thử nghiệm đầu tiên sẽ được sử dụng để chống dịch. Trong quá trình đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến để sản phẩm tối ưu hơn. Nếu có sản phẩm tốt hơn thì lúc đó Bộ sẽ tính đến bước cấp phép sản phẩm mới.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 11.

Bộ KIT vừa được Bộ Y tế cấp phép.

Nghĩa là sản phẩm hiện tại vẫn có thể làm tốt hơn? 

PGS Hồ Anh Sơn: Thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực hết sức làm ra sản phẩm tốt nhất có thể. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu sâu hơn. Nếu có thể làm ra bộ KIT tốt hơn sẽ tiếp tục báo cáo lên trên. Tuy nhiên, tôi không dám chắc về điều đó. Trong lúc này, các đơn vị nghiên cứu khác vẫn đang nghiên cứu. Và nếu thời gian tới, họ có thể làm ra những bộ KIT tốt hơn thì sẽ là điều rất đáng mừng.

Với giá thành không rẻ hơn thế giới quá nhiều, bộ KIT của Việt Nam có ưu điểm gì khác biệt?

PGS Hồ Anh Sơn: Một số bộ KIT mới trên thế giới đã có được những ưu điểm như của Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm trước khi chúng tôi hoàn thành sản phẩm thì bộ KIT của CDC Hoa Kỳ có nhiều hạn chế hơn. Do cung cấp nguyên liệu lẻ, khi đến cơ sở y tế mới trộn để làm xét nghiệm, do vậy có thể dẫn đến kết quả sai.

Bộ KIT của chúng tôi, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nhà cung cấp, sau khi phối trộn xong được kiểm định lần 2. Khi sản xuất trên quy mô công nghiệp sẽ cho ra những sản phẩm đồng nhất, được kiểm định trước khi đưa ra nên có độ tin cậy cao. Hơn nữa, bộ KIT của CDC Hoa Kỳ bao gồm những phản ứng riêng biệt, còn bộ KIT của nhóm nghiên cứu thì tất cả được tích hợp vào một phản ứng multiplex thuận lợi hơn trong thao tác, hạn chế sai sót, rút ngắn thời gian, cùng một lần chạy được 96 mẫu (so với bộ kit của CDC Hoa Kỳ là 24 mẫu). 

Trên máy chạy realtime, mẫu RNA tách chiết sẽ có kết quả sau khoảng hơn 1h. Thời gian tách RNA mất khoảng 1 giờ nữa. 

Khi nghiên cứu, chuyên gia của NIHE đã rất nhạy bén khi cùng lúc cho kiểm định trên nhiều loại máy Real-time, là những mẫu phổ biến trên toàn Việt Nam. Khi đã có kết quả tốt, sản phẩm này có thể sử dụng rộng rãi tại nhiều địa bàn trên cả nước có hệ thống máy không cùng chủng loại.

Môi trường làm việc trong viện YDHQS được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đó có phải là điều khiến thế giới đánh giá cao khi mới đây, WHO đề nghị Việt Nam chia sẻ quy trình sản xuất KIT test SARS-CoV-2?

PGS Hồ Anh Sơn: Khi nghiên cứu thành công, chúng tôi cảm giác nhẹ gánh đi rất nhiều, như người leo núi đi lên đỉnh núi, thấy rất thích thú và quên hết quãng đường gian khổ đã vượt qua, chỉ thấy tương lai vô cùng sáng. Nhưng nếu để nói có điều gì đó tự hào so với thế giới thì không phải. Những gì chúng tôi làm được còn quá nhỏ bé.

Trong quá trình nghiên cứu, khi phân biệt được 2 chủng SARS-CoV-2 và SARS-CoV-1 chỉ bằng kỹ thuật RT-PCR, Thiếu tá, TS Hoàng Xuân Sử đã viết một bài báo gửi đến tạp chí nước ngoài. Thời điểm này, WHO đề nghị các tạp chí khoa học nếu có phát hiện gì thì nên chia sẻ rộng rãi. Và các tạp chí này đề nghị các tác giả, để họ chia sẻ thông tin với WHO. Thông tin chính xác là như vậy. Bộ KHCN cũng đã gửi thông báo tới WHO về một số thông tin chính của bộ KIT.

Hiện nay ngoài Việt Nam, Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Singapore, Nhật, Hàn, Trung Quốc... là một số nước tôi biết đã có bộ KIT. Cho nên việc sản xuất được bộ KIT, dù rất đáng mừng, nhưng cũng chỉ là thêm vào thứ vũ khí giúp chúng ta chống giặc bệnh hiệu quả hơn. 

Anh có từng nghĩ đến kịch bản nếu dịch Covid-19 này kết thúc và KIT mà các anh vừa vắt sức sản xuất lại không được nhớ đến chỉ sau một thời gian ngắn?

PGS Hồ Anh Sơn: Tôi sẽ rất mừng nếu điều đó xảy ra. Hai con của tôi đã nghỉ học lâu đến nỗi quên cả kiến thức cũ đã học. Có một khoảng thời gian, tôi phải gửi các con về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Bây giờ, hai đứa đã trở lại thành phố nhưng đều vật vờ ở nhà chờ ngày đi học lại.

Không chỉ có chúng tôi vốn là những người nghiên cứu, không quan tâm giá trị thương mại của sản phẩm mà ngay cả công ty sản xuất KIT là Việt Á chắc chắn cũng không hề mong muốn dịch bệnh để kiếm tiền. 

Chúng tôi dốc sức nghiên cứu, sản xuất KIT cũng chỉ để sẵn sàng ứng phó với dịch. Các bác sĩ, bộ đội, quân y... trong giai đoạn này đều sống như một người lính ra chiến trận. Họ là hàng rào đầu tiên "chắn virus". Nếu hàng rào đó bị tổn thương thì những người phía sau cũng sẽ bị tổn thương, bao gồm cả gia đình của họ. Đó là lý do chúng tôi vắt sức làm việc nhưng nếu không có dịch, hẳn đó là điều hạnh phúc lớn lao nhất.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 13.
Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 14.

Là một người từng có rất nhiều đề tài nghiên cứu về ung thư nhưng lần này, vì sao anh lại làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu KIT test virus? 

PGS Hồ Anh Sơn: Đó là lý do vì sao tôi thường nói vui với các anh em trong viện là đề tài lần này, tôi chỉ đóng vai trò người đi tra dầu nhớt, giúp bộ máy hoạt động trơn tru hơn. Khi nhận nhiệm vụ, nhiều người nói tôi liều lĩnh. Vì nghiên cứu virus không phải thế mạnh chuyên môn của tôi. 

Lúc đó, chúng tôi xác định nghiên cứu KIT là một nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng có thể bị kỷ luật ngay nếu sai sót. Giám đốc Học viện nói với chúng tôi một câu khiến tôi nhớ mãi: "Ai không làm được, ra ngoài cho người khác làm".

Nói là liều, nhưng vì tôi tin tưởng anh em. Hơn nữa, tôi là người đã trải qua nhiều nghiên cứu và đang làm chỉ huy đơn vị nên có những thuận lợi nhất định trong việc điều phối công việc. 

Đây là lần đầu tiên tôi chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo KIT phát hiện virus. Nhưng tôi tin, người lãnh đạo thì vai trò quan trọng nhất là tạo ra cảm hứng, niềm tin cho anh em có động lực làm việc. Thầy tôi từng nói: "Con muốn làm việc tốt cần 2 yếu tố. Một là phải có teamwork giỏi, thiện chiến. Hai là phải phân biệt rõ 2 khái niệm chỉ huy và leader. Chỉ huy là ra mệnh lệnh nhưng leader là vừa chỉ huy, vừa kết nối và truyền cảm hứng".

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 15.

Thời gian tới, sau khi bộ KIT đã được Bộ Y tế cấp phép, anh có kế hoạch gì?

PGS Hồ Anh Sơn: Tôi cố gắng lập lại cân bằng để làm những việc khác, một mặt tiếp tục hoàn thiện bộ KIT, mặt khác tiếp tục với các nhóm nghiên cứu khác như nghiên cứu ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây... 

Trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi cũng chia thành nhiều nhóm nghiên cứu xoay quanh câu hỏi những người lành mang trùng không có biểu hiện thì phát hiện như thế nào? Hoặc những người tưởng như đã khỏi rồi, xét nghiệm âm tính nhưng không biết đã âm tính thật hay chưa?

Hiện tại, ngoài nghiên cứu KIT, đơn vị đang có một nhóm nghiên cứu cách phát hiện virus tiềm ẩn trong người lành, nhóm tìm hiểu thông tin di truyền của virus và nhóm nghiên cứu khả năng điều trị bệnh từ các vị thuốc y học cổ truyền...

Vật chất di truyền của SARS-CoV-2 là RNA, trong khi đó, nhiều loại virus khác có vật chất di truyền là DNA. Trong tự nhiên, khi tế bào được nhân lên, DNA cũng được nhân lên qua một cơ chế sao chép chính xác rất phức tạp. Ở phòng thí nghiệm, người ta có thể làm được điều này thông qua kỹ thuật Polymerase Chain Reaction (viết tắt là PCR).

Để sao chép được RNA của virus Corona, cần phải có một bước chuyển đổi RNA thành DNA được gọi là quá trình Reverse Transcription (viết tắt RT). Vì vậy, toàn bộ quá trình sao chép RNA của virus sẽ bao gồm 2 bước và được viết tắt là RT-PCR.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 16.

Real-time PCR hay còn được gọi là phản ứng tổng hợp chuỗi định lượng là một kĩ thuật dựa trên phản ứng tổng hợp chuỗi (Polymerase Chain Reaction-PCR), được sử dụng nhằm khuếch đại và cùng lúc xác định được số lượng của phân tử DNA đích. Trong đó đặc điểm chính là đoạn DNA được nhân lên sẽ được phát hiện trong thời gian thực (real time).

2 sản phẩm KIT vừa được bộ Y tế cấp phép là Real-time RT-PCR có tác dụng chẩn đoán chính xác và RT-PCR có tác dụng chẩn đoán sàng lọc. Sản phẩm Real-time RT-PCR đang được thế giới quan tâm khi giúp xác định bệnh nhân có dương tính với SARS-CoV-2 hay không và cũng là mũi nhọn nghiên cứu, sản xuất của Học viện Quân Y cùng công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Sản phẩm này được gọi tên đầy đủ là Real-time RT-PCR one-step vì chỉ qua một bước có thể cho kết quả. Điều kiện xét nghiệm là ngoài sinh phẩm cần có máy Real-time và được thực hiện trong phòng an toàn sinh học cấp độ 2.

Thượng tá chuyên về ung thư nhảy sang bắt virus Corona: Tôi chỉ là người tra dầu nhớt - Ảnh 18.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại