Trong bức thư gửi đến nguyên thủ các nước EU mời dự họp thượng đỉnh EU trong hai ngày 23 và 24/3 tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết, chủ đề đầu tiên sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh lần này là về cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine cũng như gia tăng năng lực công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Thượng đỉnh EU sẽ thảo luận về nhiều chủ đề lớn. Ảnh: EU Observer
Trước đó, vào đầu tuần này, ngoại trưởng các nước EU đã nhóm họp và quyết định sẽ viện trợ 1 triệu đơn vị đạn pháo cho Ukraine trong thời gian 12 tháng tới, đồng thời bỏ ra hơn 3 tỷ euro để mua chung đạn pháo nhằm lấp đầy các kho dự trữ vốn đã bị thâm hụt nghiêm trọng do viện trợ cho Ukraine thời gian qua. Tuy nhiên, để đảm bảo có đủ số đạn này, châu Âu cần phải khẩn cấp gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng bởi theo ông Josep Borrel, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, từ nhiều năm qua, châu Âu đã suy giảm năng lực quốc phòng vì quá tập trung vào phát triển kinh tế, nên không còn thích ứng được với sự thay đổi quá lớn của môi trường an ninh.
“Từ 20 năm qua, từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã suy giảm năng lực quốc phòng, đó là thực tế. Chi tiêu quốc phòng châu Âu đã giảm một nửa và theo các số liệu chúng tôi có, năng lực sản xuất đạn dược của châu Âu đã suy giảm 4 lần. Và bây giờ chúng tôi đột nhiên phải bắt buộc gia tăng năng lực này khi môi trường an ninh đã thay đổi khốc liệt”, ông Josep Borrel nói.
Sau chủ đề về Ukraine, các lãnh đạo EU sẽ dành một thời lượng lớn để thảo luận về chính sách thương mại, công nghiệp mới của EU nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế châu Âu trước áp lực ngày càng gia tăng từ chính sách bảo hộ của các đối thủ kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Lãnh đạo các nước EU cũng sẽ nghe Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, báo cáo sơ bộ các điều chỉnh đang tiến hành nhằm xây dựng chính sách nhập cư mới của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, ông Charles Michel cũng thông báo, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres sẽ tham dự ngày họp đầu tiên cùng các lãnh đạo EU để thảo luận các vấn đề toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai trong năm 2023, giới quan sát tại châu Âu nhận định, chủ đề về gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp châu Âu sẽ là một ưu tiên lớn của châu Âu vào thời điểm này bởi sau chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đến Mỹ vào ngày 10/03, châu Âu và Mỹ vẫn chưa tìm được giải pháp cho các mâu thuẫn liên quan đến việc Mỹ tung ra “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) vào cuối năm 2022, một đạo luật mà châu Âu chỉ trích gay gắt là mang tính bảo hộ và làm tổn hại đến các công ty châu Âu.
Hiện tại, Ủy ban châu Âu đang chịu sức ép rất lớn về việc phải sớm đưa ra các hành động quyết liệt nhằm trả đũa chính sách của Mỹ và bảo vệ lợi ích cho các công ty châu Âu, nếu không hàng loạt tập đoàn lớn tại châu Âu sẽ chuyển sản xuất ra khỏi châu lục này vì năng lực cạnh tranh bị suy giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các chủ đề lớn này của Thượng đỉnh EU đang có nguy cơ bị phủ bóng bởi mâu thuẫn Pháp-Đức trong hai lĩnh vực là ô tô sử dụng động cơ đốt trong và năng lượng hạt nhân. Trong vài tuần qua, chính phủ Đức cùng một số nước tại châu Âu, nổi bật là Italia, đang lên tiếng yêu cầu xem xét lại kế hoạch được Nghị viện và Uỷ ban châu Âu thông qua cuối năm 2022 là từ năm 2035 sẽ cấm bán toàn bộ xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong, tức chạy bằng xăng hoặc diesel. Phía Đức đang vận động để có ngoại lệ cho các ô tô động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu trung hòa các-bon (CO2), một loại nhiên liệu nhân tạo.
Giới quan sát cho rằng ý định của Đức là để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của nước này, vốn nổi tiếng nhiều thập kỷ qua với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong nhưng đang có dấu hiệu chậm chân trong cuộc đua xe điện với các đối thủ từ Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Pháp đã lên tiếng phản đối gay gắt ý định này của Đức và cho rằng kế hoạch giảm 100% khí thải CO2 từ ngành công nghiệp ô tô châu Âu kể từ 2035 là không thể thay đổi. Trong khi đó, Pháp lại đang vận động châu Âu nâng cao tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong kế hoạch trung hòa các-bon của EU, một chính sách mà chính phủ Đức lại không ủng hộ do Đức từ nhiều năm nay vẫn đang kiên trì với kế hoạch chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân.
Các tranh cãi này giữa Pháp và Đức đang trở nên khó dung hoà, buộc Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune đầu tuần này lên tiếng tuyên bố rằng hai nước cần phải công khai thảo luận về các bất đồng, trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia đầu tàu EU vừa chỉ mới nồng ấm trở lại vào tháng 2 sau một thời gian mâu thuẫn nặng nề./.