Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Theo Politico.com, sự chia rẽ đang xuất hiện ở cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối với Trung Quốc của khối, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng gây áp lực buộc Brussels phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Các nhân vật cấp cao trong Hội đồng châu Âu – trong đó có Chủ tịch Charles Michel - đang thúc đẩy cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Trung Quốc so với cách tiếp cận của chính quyền Biden, vốn đang cố gắng gây áp lực cho các đồng minh hợp tác để đối phó với Bắc Kinh.
Hội đồng châu Âu là cơ quan của EU đại diện cho 27 quốc gia thành viên - bao gồm cả các chính phủ có lập trường ôn hòa đối với Bắc Kinh, chẳng hạn như Đức, Hungary và Hy Lạp. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là một nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là thông qua ngành công nghiệp xe hơi, và muốn tránh xung đột trong quan hệ thương mại.
Điều này có nghĩa là có những lo ngại ở một số quốc gia thành viên rằng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đang có quan điểm cứng rắn hơn, phù hợp với Mỹ. Điều quan trọng là Ủy ban châu Âu là cơ quan hành pháp đóng vai trò cốt lõi ra quyết định về chính sách với Trung Quốc.
Đặc biệt, có sự lo ngại trong Hội đồng châu Âu về tuyên bố chung do bà Leyen và Tổng thống Biden đưa ra sau cuộc gặp của họ tại Nhà Trắng vào tuần trước.
"Chúng tôi có lợi ích chung trong việc ngăn chặn nguồn vốn, chất xám và kiến thức của các công ty chúng tôi thúc đẩy những tiến bộ công nghệ giúp tăng cường khả năng quân sự và tình báo của các đối thủ chiến lược, bao gồm cả thông qua đầu tư ra bên ngoài", tuyên bố nêu rõ, ám chỉ về việc ngăn chặn các công ty phát triển công nghệ cao ở Trung Quốc.
Lập luận từ Hội đồng châu Âu là Ủy ban châu Âu - nơi đóng vai trò lãnh đạo trong việc chỉ đạo chính sách thương mại của EU - nên tham khảo ý kiến nhiều hơn với các chính phủ trước khi tiến hành các biện pháp có thể “chọc tức” Bắc Kinh.
“Chắc chắn rằng Ủy ban có thẩm quyền về thương mại. Nhưng chúng ta đang nói về chiến lược địa chính trị, về vị trí của [EU] ở cấp độ quốc tế. [Điều này] phải được thực hiện với sự ủy quyền của Hội đồng châu Âu”, một quan chức của Hội đồng châu Âu nói trong điều kiện giấu tên.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng tuyên bố chung EU - Mỹ phản ánh chính sách của G7. Một phát ngôn viên Ủy ban cũng nhắc lại rằng bà Leyen trước đây đã nói về sự cần thiết phải giảm thiểu rủi ro, thay vì “tách biệt hoàn toàn” với Trung Quốc.
Những căng thẳng giữa Hội đồng và Ủy ban châu Âu, về chính sách của EU đối với Bắc Kinh cũng đã lên đến đỉnh điểm về thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tiếp theo.
Ủy ban châu Âu khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU sắp tới, đã được lên kế hoạch vào tháng 6, không thể diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU tiếp theo. Nhưng Mỹ thông báo ông Biden sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh với EU trước tháng 6, điều có thể khiến hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tiếp theo bị trì hoãn cho đến nửa cuối năm nay.
Mối quan hệ của EU với Trung Quốc hiện nay cũng đặc biệt nhạy cảm vì cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chính phủ Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với EU cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên, phản ứng của châu Âu là “khá nước đôi”, với nhiều quốc gia do dự trong việc rút khỏi thị trường Trung Quốc khổng lồ, nhiều lợi nhuận.
Cuộc tranh cãi ở cấp cao nhất của EU về chính sách của khối đối với Trung Quốc một phần là phản ứng trước cáo buộc từ lâu rằng “bà Leyen và những trợ lý của mình quá thân thiết với Mỹ”.
Bản thân bà Leyen đã có mối quan hệ công việc thường xuyên với ông Biden. Ngoài các cuộc họp tại G7 và các cuộc họp quốc tế khác, bà Leyen đã hai lần gặp tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng. Ngược lại, ông Michel vẫn chưa có chuyến thăm chính thức nào đến Nhà Trắng, nhưng đã thực hiện chuyến đi một mình gây tranh cãi tới Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái.