Các y bác sĩ theo dõi quá trình chụp PET/CT cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại Bệnh viện K (Hà Nội), ông Lê Văn Quảng - giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh nhân có chỉ định chụp PET sẽ phải chờ khoảng hai tuần. Không chỉ chụp PET, hiện tại do thiếu thiết bị y tế, bệnh nhân chụp cộng hưởng từ, xạ trị... đều phải chờ đợi hoặc được điều trị vào những giờ giấc hết sức oái oăm, như xạ trị vào ban đêm.
Ngưng trệ do thiếu thuốc phóng xạ
Sau khoảng một năm hệ thống PET/CT (chẩn đoán ung thư) Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bị ngưng trệ do thiếu thuốc phóng xạ 18F-FDG để chụp, đến tháng 6-2022 hệ thống này đã chính thức hoạt động trở lại, nhưng đến nay vẫn chỉ là hoạt động cầm chừng vì không đủ nguồn thuốc phóng xạ.
Ngày 1-11, qua số điện thoại tư vấn tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chúng tôi đăng ký chụp PET-CT cho người nhà, nhân viên tư vấn cho biết phải đợi đến tháng 12 (tức hơn một tháng) chúng tôi mới được chụp. "Một ngày bệnh viện chỉ chụp được có bảy ca mà danh sách của bệnh nhân lại xếp hàng dài, không đủ thuốc nên không thể chụp luôn được", nhân viên này nói.
Tương tự, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) muốn đăng ký chụp PET-CT phải đợi hơn một tuần vì lượng bệnh nhân đăng ký quá lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết tháng 6-2022 Bệnh viện Chợ Rẫy đã san sẻ nguồn thuốc phóng xạ để bệnh viện chụp cho bệnh nhân ung thư ba ngày/tuần, mỗi ngày chỉ được bảy ca, tổng cộng một tuần chụp được 21 bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu có đầy đủ nguồn thuốc phóng xạ, công suất có thể chụp được đến 30 bệnh nhân/ngày vì đây là máy thế hệ mới, thời gian chụp nhanh. Nếu chạy suốt bảy ngày liên tục thì sẽ có hơn 200 bệnh nhân ung thư của phía Nam được chụp, nhưng hiện tại chỉ có thể chụp được cho 21 bệnh nhân (chỉ đáp ứng được 10%), do vậy bệnh nhân phải chờ.
"Chúng tôi đã kiến nghị đến Sở Y tế TP.HCM cho phép xây dựng hệ thống sản xuất chất đồng vị phóng xạ tại cơ sở 2 (TP Thủ Đức) để có nguồn thuốc phóng xạ cho cả thành phố vì đã có thời điểm không có nơi nào cung cấp thuốc phóng xạ để chụp PET-CT. Hiện tại ở cơ sở 2 có đến hai máy chụp PET-CT nhưng không có nguồn thuốc, nếu đạt hết công suất có thể chụp được 400 ca/tuần", ông Tuấn mong mỏi.
Máy đắp chiếu, bệnh nhân chờ
Tại Hà Nội, hiện có 4-5 máy chụp PET đã được đầu tư, trong đó có 3 máy đang hoạt động tốt, 1 máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai thuộc diện thiết bị "xã hội hóa", đã bị đắp chiếu từ khoảng 2 năm nay do chưa ổn về pháp lý, chưa kể thời điểm hiện tại, đơn vị đặt thiết bị này cũng đã hết hợp đồng đặt máy với bệnh viện.
"Máy đã sử dụng nhưng vẫn đang trong thời gian hoạt động tốt và có thể hoạt động với kết quả như hiện nay trong vòng vài năm nữa. Tuy nhiên hiện tất cả các thiết bị y tế diện xã hội hóa đặt tại Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu của bệnh viện đang nằm bỏ không, từ máy PET, thiết bị xạ phẫu..., trong khi bệnh nhân đến bệnh viện hoặc đang điều trị tại bệnh viện mà cần sử dụng thiết bị chúng tôi phải cho chuyển sang bệnh viện khác, bệnh nhân rất vất vả" - một đại diện của Bạch Mai cho biết.
Chỉ có 4-5 máy bao gồm cả máy của bệnh viện tư, 1 máy lại phải nằm không suốt 2 năm qua nên người bệnh có chỉ định chụp PET tại Hà Nội hiện phải chờ "dài cổ". Tình trạng càng tắc hơn nữa khi gần đây các máy móc tương tự tại TP.HCM cũng bị trục trặc nên có thêm lượng bệnh nhân từ TP.HCM ra. Người bệnh phải chờ đợi lại càng dài.
Không chỉ có máy PET, sờ đến thiết bị gì hiện thiếu thiết bị đó. Tại Bệnh viện K, trước có 9 hệ thống xạ trị nhưng nay 4 máy đã hỏng, 5 máy còn lại có công suất sử dụng tới 23/24 giờ trong ngày, không có cả thời gian để duy tu bảo dưỡng. Bệnh viện K hiện cần thêm 10 máy xạ trị và nhiều thiết bị như MRI, CT... Bệnh viện Bạch Mai cũng đang trong tình trạng tương tự khi bệnh nhân có chỉ định chụp MRI cũng phải chờ.
Làm chậm quá trình điều trị sớm
Ông Tuấn cho biết thêm nếu như trước đây lượng bệnh nhân tuyến tỉnh đổ về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiếm 75% thì đến nay đã lên đến 82%, nhưng cả hai cơ sở của bệnh viện chỉ có 13 máy xạ trị cho bệnh nhân. Chính điều này dẫn đến bệnh nhân ung thư phải đợi sáu tuần, thậm chí là tám tuần.
"Mặc dù cơ sở 2 đã đưa vào hoạt động sáu máy xạ trị cho bệnh nhân nhưng vẫn thiếu, bệnh viện đã có kiến nghị mong muốn được chi viện thêm hai máy xạ trị ngoài để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Hiện nay các thiết bị bệnh viện cũng đã cũ, bệnh viện đang thiếu máy chụp CT, phẫu thuật nội soi... Chúng tôi còn mơ mộng đến hệ thống phẫu thuật bằng robot để giúp cho bệnh nhân, tăng hiệu quả điều trị nhưng chỉ là mơ mộng", ông Tuấn nói.
Vướng chính sách
Chụp PET/CT cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo các chuyên gia y tế, khó có thể nói hết những khó khăn của người bệnh, khi đang giai đoạn điều trị lại phải sang bệnh viện khác để chụp chiếu, xạ trị, xạ phẫu rồi lại quay về, mà mỗi lần chuyển bảo hiểm là một lần khó khăn. Hoặc bệnh nhân ung thư đã di căn mà phải chờ hàng tháng không được điều trị sớm thì hiệu quả điều trị rõ ràng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, máy đã có thì vướng chính sách, pháp lý, còn đặt thêm máy mới thì chính sách chưa có. Chỉ có người bệnh bị ảnh hưởng, phải chịu đựng khó khăn này, nhưng không biết đến bao giờ.