Thuốc lá điện tử bán tràn lan trên mạng: Nhiều hệ lụy cho sức khỏe

H. Phong |

Liên tiếp thời gian qua lực lượng chức năng liên tục phát hiện và triệt phá nhiều điểm bán thuốc lá điện tử không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đặc biệt, các loại thuốc lá điện tử này được chào bán công khai trên mạng xã hội, điều này không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng mà còn báo động về nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Liên tiếp phát hiện

Mới đây nhất, vào ngày 17/12, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với thành viên Tổ công tác 368, Tổng cục QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh (KD) tại địa chỉ số 102 ngõ 259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Vũ Văn Đô làm chủ, bắt quả tang tại cơ sở đang KD 4.670 điếu thuốc lá điện tử các loại... Bước đầu đại diện cơ sở khai nhận, toàn bộ hoạt động KD được giao dịch mua bán thông qua các mạng xã hội, chủ yếu được bán cho giới trẻ với giá trung bình; 150.000 đồng/điếu.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở KD phụ kiện thuốc lá điện tử tại số 120 ngõ 97 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Trường (trú tại Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình) là chủ hộ KD. Đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này đang tàng trữ 1.537 sản phẩm là máy hút thuốc lá, phụ kiện, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ. Đây là những mặt hàng không được phép KD tại Việt Nam. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 Cục QLTT Hà Nội, cơ sở này hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký KD, nằm sâu trong khu dân cư, thường xuyên đóng cửa, chủ yếu hoạt động KD, giao dịch, tiêu thụ hàng hóa được diễn ra trên mạng xã hội với tên facebook “Pod System”.

Thuốc lá điện tử bán tràn lan trên mạng: Nhiều hệ lụy cho sức khỏe - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thu giữ thuốc lá điện tử không có hoá đơn chứng từ.

Một vụ việc khác, thông tin từ Tổng cục QLTT cho biết, hơn 12.000 điếu thuốc lá điện tử do Trung Quốc sản xuất đã bị lực lượng QLTT Quảng Ninh phối hợp với công an phát hiện, bắt giữ. Đây là vụ KD thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay mà lực lượng QLTT phát hiện, xử lý. Cụ thể, vào đêm 24/11, tại cửa số nhà 18A, tổ 2 khu 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tiến hành khám 2 xe ô tô Mazda CX5 và Ford Ranger, phát hiện trên 2 xe vận chuyển 12.505 điếu thuốc lá điện tử loại POD SYSTEM, nhãn hiệu LIO, do Trung Quốc sản xuất. Trị giá theo kết quả định giá với cơ quan tài chính là 1.719.437.500 đồng. Chủ của toàn bộ số thuốc lá điện tử trên là Nguyễn Văn Đông (SN 1995). Toàn bộ lô hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Làm việc với cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Đông khai nhận mua số thuốc lá điện tử trên từ các nguồn trôi nổi trong nội địa, sau đó quảng cáo sản phẩm trên trang facebook cá nhân và phân phối thuốc lá điện tử cho nhiều cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đội QLTT số 5 đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm.

Hiểm hoạ cho sức khoẻ

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2019 cho thấy có tới 2,6% học sinh ở Việt Nam từng sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thường xuyên là 0,8% và có dấu hiệu cho thấy những con số này đang tăng một cách đáng kể, đặc biệt là ở giới trẻ. Đáng nói hơn, để bán được sản phẩm, người bán luôn quảng cáo thuốc lá điện tử như vape, pod,... là sự thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống. Chúng chứa ít nicotine hơn nên không gây nghiện và không độc hại, có mùi hương dễ chịu, miệng không hôi, răng không đổi màu, không ám mùi làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nhận định: Các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15,500 các loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Bên cạnh đó, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Theo WHO, thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, thậm chí nhiều người có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại