Trường hợp của bệnh nhân L.H.L 19 tuổi ở Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Tiền căn của bệnh nhân hoàn toàn không có bệnh lý gì bất thường.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách nhập viện 2 tháng, sau khi ăn trưa và ngủ trưa dậy, bệnh nhân thấy đau nhói ngực nên đi khám ở bệnh viện địa phương, được chẩn đoán đau thần kinh liên sườn và cho về uống thuốc. Bệnh nhân uống thuốc 5 ngày nhưng không thấy đỡ đau.
Cách nhập viện 4 ngày bệnh nhân đau ngực tăng nhiều và khó thở, đặc biệt là khi thay đổi tư thế, nên bệnh nhân đến khám và nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115.
Tăm tre dài 80 mm được lấy ra sau phẫu thuật.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Đức Hùng -khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 (người điều trị, phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân), qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tỉnh, mạch 90 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg, không sốt, ấn đau và đề kháng nhẹ vùng thượng vị, ngoài ra không ghi nhận bất thường khác.
Sau đó bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, kết quả siêu âm bụng cho thấy dịch màng phổi phải lượng ít, bệnh lý gan tim, dịch ổ bụng lượng ít. Kết quả CT scan bụng có cản quang, hình ảnh nghĩ dị vật kim loại dài (khoảng 80 mm) và mảnh đâm xuyên qua vùng gan trái, đầu tận trong nhu mô vùng đuôi tụy, tràn dịch đa màng.
Bệnh nhân được chẩn đoán là tràn dịch màng ngoài tim mức độ nhiều / Dị vật ngực bụng chưa rõ nguyên nhân.
Ngay sau đó, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát hội chẩn viện và phối hợp với các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim – Lồng ngực mạch máu tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
TS. BS Mai Đức Hùng đang kiểm tra bệnh nhân L sau phẫu thuật.
Bác sĩ của khoa Phẫu thuật tim – Lồng ngực mạch máu đã phẫu thuật mở cửa sổ màng tim: mở ngực, xé màng tim, thấy dịch lợn cợn cặn, có giả mạc, cắt rộng màng tim, dẫn lưu màng ngoài tim vào khoang màng phổi, đặt dẫn lưu màng phổi, cầm máu màng tim và đóng ngực.
Bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát phẫu thuật mở bụng lấy dị vật cho bệnh nhân, phát hiện dị vật là một tăm tre (loại có hai đầu nhọn) dài 80 mm, đường kính 1 mm, xuyên bờ cong nhỏ dạ dày, xuyên gan, xuyên cơ hoành vào màng tim.
Sau đó, bác sĩ phẫu thuật khâu lỗ thủng cơ hoành, khâu lỗ thủng dạ dày tiến hành rửa bụng và đặt dẫn lưu.
Sau phẫu thuật sinh hiệu bệnh nhân ổn, không còn đau ngực, không sốt, vết mổ khô. Khi đã hoàn toàn tỉnh táo và được bác sĩ cho biết dị vật được lấy ra là một tăm tre, bệnh nhân cũng không nhớ là mình đã nuốt tăm.
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục cải thiện tốt và bệnh nhân được xuất viện vào ngày 06/8/2019 vừa qua, BS Hùng cho biết thêm.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, TS. BS Mai Đức Hùng khuyến cáo, việc sử dụng tăm là thói quen của nhiều người, trong đó một số người còn có thói quen ngậm tăm khi nằm nghỉ, khi đi dạo, thậm chí cả khi nói chuyện, vừa mất thẩm mỹ vừa có thể gây nguy hiểm cho bản thân nếu lỡ nuốt phải.
Nuốt tăm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thường là tăm đâm xuyên thủng ống tiêu hóa. Riêng trường hợp của bệnh nhân L nói trên là trường hợp đặc biệt vì tăm xuyên từ dạ dày, xuyên gan, vào màng tim.
Người dân cần lưu ý không nên ngậm tăm khi nằm nghỉ, ngủ, đi dạo hoặc khi nói chuyện vì có thể vô tình nuốt phải. Nếu lỡ nuốt phải tăm, người dân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, nội soi đường tiêu hóa lấy tăm ra càng sớm càng tốt hoặc được phẫu thuật khi có chỉ định, BS Hùng nói.