Khi bị viêm loét dạ dày, người bệnh thấy đau bụng vùng thượng vị do niêm mạc bị tổn thương và chịu sự tác động của acid dạ dày. Khởi đầu, đau tăng khi quá đói hoặc quá no, sau đó tần suất cơn đau ngày càng dày hơn và mức độ nặng hơn.
Người bệnh có cảm giác chướng hơi hay đầy bụng khó tiêu, tuy nhiên dấu hiệu này thường xảy ra ở giai đoạn rất sớm nên hay bị bỏ qua. Ợ chua hay ợ hơi, buồn nôn, nôn, chán ăn, sụt cân cũng là những dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày.
Khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa , người bệnh nôn ra máu đỏ tươi hoặc màu đen, đi ngoài phân đen, các dấu hiệu thiếu máu, chóng mặt, choáng váng…
2. Chế độ ăn ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe
Quản lý các triệu chứng viêm dạ dày thông qua chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa viêm dạ dày tiến triển thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, chế độ ăn dành cho người viêm dạ dày cũng có thể giúp giảm bớt chứng ợ nóng và buồn nôn khi mang thai .
Khuyến cáo chung của chế độ ăn kiêng là tránh ăn thức ăn hoặc đồ uống gây kích ứng dạ dày, bao gồm thức ăn cay, cà phê, rượu và trái cây có tính axit.
Các loại thực phẩm người bệnh viêm dạ dày có thể ăn trong chế độ ăn kiêng khá linh hoạt. Một số loại thực phẩm nên hạn chế ăn có thể không gây ra các triệu chứng với người bệnh khi sử dụng một khẩu phần nhỏ hoặc thỉnh thoảng ăn, với số lượng ít.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và đáp ứng với điều trị, có thể chỉ cần tuân thủ chế độ ăn kiêng trong vài tuần hoặc có thể là một kế hoạch ăn uống lâu dài.
3. Nguyên tắc ăn uống chung cho người bệnh viêm loét dạ dày
Thức ăn nên thái nhỏ, nấu chín kỹ, mềm, chế biến luộc, hấp hay om giúp cho người đau dạ dày dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn các món xào, rán. Ăn chậm và nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa đọc sách, báo, xem phim... để tiêu hóa dễ dàng hơn. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được acid. Không để bụng quá đói hoặc ăn quá no làm gia tăng cơn đau. Tránh ăn quá đặc hoặc ăn quá lỏng và nhiều nước. Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
4. Người bệnh viêm dạ dày nên và không nên ăn gì?
4.1 Hoa quả và rau xanh
Tránh các sản phẩm có tính axit, chẳng hạn như trái cây họ cam quýt và cà chua. Ngoài ra, tránh các loại rau được sử dụng để tăng thêm hương vị và gia vị, như hành tây và ớt cay.
Chọn trái cây và rau ít axit. Táo, quả mọng, bí đỏ và cà rốt là những lựa chọn tốt cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào.
4.2 Các loại hạt
Bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, như bánh mì, gạo lứt và mì ống. Đây là những thực phẩm lý tưởng vì chúng có vị nhạt và có chất xơ, rất quan trọng cho sức khỏe đường tiêu hóa. Yến mạch, lúa mạch và quinoa là những lựa chọn bổ dưỡng khác.
Tuy nhiên, nếu người bệnh viêm loét dạ dày đang gặp phải các triệu chứng gây khó ăn hoặc chán ăn thì cơm trắng hoặc khoai tây trắng có thể dễ tiêu hóa hơn.
Hạn chế ăn ngô và bất cứ sản phẩm gì làm từ ngô, chẳng hạn như bánh mì ngô, một số loại mì ống không chứa gluten và các sản phẩm khác.
4.3 Sản phẩm bơ sữa
Chất béo có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và gây ra các triệu chứng. Vì vậy, cần tránh các sản phẩm sữa đầy đủ chất béo.
Trong khí đó, sữa chua ít béo, ít đường là một lựa chọn tốt. Tìm các sản phẩm có chứa men vi sinh có lợi cho đường ruột. Có thể ăn một số loại pho mát cứng với lượng vừa phải.
Tránh nước sốt, nhân hoặc bánh pudding được làm từ kem béo hoặc pho mát mềm.
4.4 Thực phẩm giàu đạm nào tốt cho người viêm loét dạ dày?
Trứng, lòng trắng trứng và các sản phẩm thay thế trứng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tránh chế biến chúng với bơ, sữa và gia vị (thậm chí cả hạt tiêu đen). Và bỏ qua bữa sáng mặn, thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích.
Tránh thịt đỏ, chứa nhiều chất béo và có thể gây ra các triệu chứng viêm dạ dày. Chọn thịt gia cầm nạc và hải sản nướng (không chiên).
Các loại hạt và bơ hạt có hàm lượng protein cao nhưng cũng giàu chất béo. Điều này có thể là vấn đề đối với một số người bị viêm dạ dày. Các loại đậu chứa nhiều protein và chất xơ, đôi khi có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Ban đầu hãy ăn từ từ từng phần để xem cơ thể có thể dung nạp được những thực phẩm gì.
4.5 Tráng miệng
Thực phẩm giàu chất béo hoặc đường có thể gây ra các triệu chứng và nên tránh trong chế độ ăn kiêng của bệnh viêm dạ dày. Đó là các sản phẩm như bánh nướng, bánh ngọt, kem, bánh pudding và sô cô la.
Các thành phần được sử dụng trong món tráng miệng có thể làm dịu dạ dày bao gồm một chút mật ong, gừng, bạc hà và nghệ.
4.6 Đồ uống
Người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh caffein, đồ uống có đường, soda, nước tăng lực, nước trái cây có tính axit (nước cam hoặc cà chua) và rượu, bao gồm rượu, bia và cocktail. Một số người bị viêm dạ dày nhẹ có thể uống một chút trà hoặc cà phê loãng với một chút sữa ít béo.
Nước, trà thảo mộc, sữa không đường và nước trái cây ít đường/ít axit là những lựa chọn tốt nhất cho người bệnh.
Thực hiện theo chế độ ăn kiêng làm giảm các triệu chứng như đau bụng nóng rát, khó tiêu và buồn nôn. Chế độ ăn này cũng có thể ngăn ngừa các biến chứng khác của viêm dạ dày, bao gồm thiếu máu, viêm phúc mạc và ung thư dạ dày.