Thực phẩm có phải nguyên nhân gây nóng?

thinga |

Đối thoại giữa hai chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng với MC Hồng Vân tại buổi tọa đàm do báo Zing tổ chức đã mang đến nhiều thông tin thú vị nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vấn đề vô cùng quen thuộc với mỗi chúng ta: Nóng!

Nóng do nhiều nguyên nhân – Đừng "đổ tội" cho thực phẩm

Dù nhìn nhận dưới hai góc độ khác nhau thì cả chuyên gia Đông và Tây đều cho rằng, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng như chúng ta vẫn thường nghĩ. Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nóng là khái niệm gắn liền với y học cổ truyền, chỉ một tình trạng thường gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, được biểu hiện dưới nhiều hình thức như nổi mụn nhọt, nhiệt miệng, phát ban, táo bón, tiểu ít, môi khô nứt nẻ… 

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chức năng của phủ tạng yếu, không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên các chức năng giải độc hoạt động không hiệu quả. Các chất độc tích tụ lại trong cơ thể là môi trường thuận lợi để phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, và nóng trong người.

Còn theo quan điểm của y học hiện đại, PGS.TS. Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, người bị nóng trong trong có thể cảm giác nóng ở toàn bộ cơ thể hay một phần nào đó trong cơ thể. Thực tế, một người bị nóng trong cảm thấy nhiệt độ cao bên trong cơ thể nhưng nhiệt độ bên ngoài có thể hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau như chế độ ăn mất cân bằng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, sử dụng các chất kích thích (đồ uống hay thực phẩm có chứa caffeine), thực phẩm chức năng, thuốc, hay do yếu tố bệnh lý.

Do đó, không thể quy kết một thực phẩm riêng lẻ nào là nguyên nhân gây nóng như nhiều người vẫn nhầm tưởng.

Giải mã những đồn thổi về thực phẩm gây nóng

Nếu như các tín đồ của vải, nhãn, mận đào, dứa, sầu riêng… thường phải e ngại do những thực phẩm này được cho là gây nóng cho cơ thể, thì giờ đây, cả hai chuyên gia đều khẳng định những kinh nghiệm dân gian truyền miệng ấy là không chính xác. PGS.TS. Lê Bạch Mai giải thích, thực phẩm nóng hay lạnh không đơn thuần dựa vào cảm giác gây cay nóng tại cơ quan vị giác, khứu giác, tiêu hóa... mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm thể trạng, tình trạng chuyển hóa và bệnh tật của mỗi người, cũng như thành phần dinh dưỡng của thực phẩm. Trong y học hiện đại hoàn toàn không có khái niệm thực phẩm nóng.

Nhìn nhận dưới góc độ của y học cổ truyền, TS.BS. Trương Hồng Sơn cho biết, thực phẩm nóng là thực phẩm có tính nhiệt. Tuy nhiên, thực phẩm nóng không hẳn là nguyên nhân gây nóng vì cơ thể mỗi người lại có thể hàn (lạnh) và thể nhiệt (nóng) khác nhau, nên có người ăn thực phẩm thấy gây ra nóng còn người khác lại thấy bình thường. Vì thế có nhiều người ăn mận, nhãn sầu riêng hay uống cafe không sao nhưng có thể với người khác lại có phản ứng đối với cơ thể.

Trong đối thoại giữa hai chuyên gia, câu chuyện mì ăn liền gây nóng – câu cửa miệng của không ít người cũng đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ theo cách nhìn khoa học. TS.BS. Trương Hồng Sơn cho biết, hoàn toàn không tìm thấy thành phần nào trong mì ăn liền là thủ phạm gây nóng. Xét về mặt giá trị dinh dưỡng, trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (40g-50g); 10g -13g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal (tương đương 15% -17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành). 

Chiếu theo phân nhóm thực phẩm thì mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, cháo, bún, phở, bánh mì… được coi là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn. Vì thế, khi chế biến mì ăn liền, bạn cũng nên biến tấu, kết hợp với các thực phẩm thuộc nhóm khác để có bữa ăn hoàn chỉnh, cân bằng dinh dưỡng.

PGS.TS. Lê Bạch Mai cho biết thêm, những người bị nóng với các biểu hiện khó chịu, nhiệt miệng, nổi mụn sau khi ăn mì thường là những người bận rộn, có chế độ ăn uống không hợp lý, thường hay thức khuya, sử dụng nhiều nước ngọt có gas. Những yếu tố này đều góp phần làm rối loạn các quá trình chuyển hóa, hấp thu của thực phẩm trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến các thay đổi về hormone, và có thể dẫn đến tình trạng mụn. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên – đây là lứa tuổi các hormone giới tính đang hoạt động mạnh mẽ, các tuyến bã nhờn cũng đang hoạt động mạnh. Sự nổi mụn tình cờ trùng với thời điểm ăn mì khiến họ lầm tưởng thực phẩm này chính là thủ phạm tạo ra những vị khách không mời mà đến.

Cân bằng dinh dưỡng – Bí quyết tránh "nóng trong người"

Cả y học phương Đông và phương Tây đều cho rằng, chìa khoá để có một cuộc sống khoẻ mạnh nói chung, tránh vấn đề nóng trong nói riêng, chính là một chế độ ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Để đạt được điều này, khi ăn uống, kết hợp thực phẩm, cần tuân thủ các nguyên tắc như ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn đủ thực phẩm 4 nhóm: bột đường (carbohydrate), đạm (protein), béo (lipid), vitamin và khoáng chất; tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi; uống nhiều nước. 

Thay vì lo lắng món này hay món kia gây nóng, hãy cứ "chiều chuộng" khẩu vị của mình nhưng phải thực hiện chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Nếu cơ thể rơi vào tình trạng nóng, sau khi xem xét tất cả các lí do mà không tìm thấy nguyên nhân thì cần tới gặp bác sĩ để tham vấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại