Trong các ngõ ngách, vỉa hè của phố phường Hà Nội, nhiều “nhà hàng tạm”, bán các món ăn như phở, bún, cháo hay các món ăn đường phố như bánh mì, nước hoa quả ép… mọc nhan nhản khắp nơi.
Đồ nghề của các “chủ nhà hàng” rất đơn giản, chỉ với 1 chiếc xe đẩy cơ động được thiết kế bằng inox bóng loáng, với 3 - 4 ngăn để đồ (bát, đũa, gia vị, nguyên liệu chế biến đồ ăn), cùng với đó là 1 bếp điện để đun nước dùng, 5 - 6 bộ bàn ghế nhựa kê nép trên vỉa hè là có thể “tác nghiệp” được.
Tại một ngách nhỏ trên phố Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), theo quan sát của PV, một hàng bún, phở “di động” đang mở bán, bên trên được che tạm bợ bằng một tấm bạt nhếch nhác, xung quanh là các vật dụng nhà bếp được treo trên bức tường rào sắt. Dưới nền đất ẩm thấp là 4,5 chiếc chậu nhựa và hàng chục cái bát chưa kịp rửa.
Đáng nói, nhân viên bán hàng vừa thái thịt, vừa cầm tiền trả cho khách, không đeo găng tay chế biến. Khu vực chế biến không hợp vệ sinh, bát đũa đựng thức ăn cho khách được để một cách cẩu thả… Những nơi này thường không có đủ nước để rửa chén bát. Tuy vậy, nhiều thực khách vẫn vô tư đến ăn uống, thưởng thức món quà khoái khẩu của người Hà Nội.
Còn tại các cổng trường học, món ăn đường phố – buffet xiên hay còn gọi là “xiên bẩn” lại rất hút khách hàng nhí. Chỉ với một chiếc xe đạp cà tàng, được thiết kế để đồ ăn vặt là người bán hàng có thể rong ruổi khắp nơi. Trên những chiếc xe di động này được bày hàng trăm xiên với đủ chủng loại, gồm xiên gà, chả cá viên, chả giò, tôm, phô mai viên, xúc xích… Tất cả đều được chiên giòn trong một chảo dầu đã bị chuyển màu và không biết đã được tái sử dụng bao nhiêu lần. Ngoài ra, trong túi đồ tác nghiệp của người bán hàng rong còn tương ớt, tương cà và những túi nilon đựng thực phẩm không có bao bì hay nhãn mác.
Đáng lo ngại là các thực phẩm này được chế biến ngay bên lề đường, không được che đậy, bảo quản, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về nguyên liệu, có khi người bán cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Với giá bán khá rẻ, từ 2.000 – 5.000 đồng/xiên (tùy loại) nên món ăn vặt này rất hút khách, nhất là học sinh, sinh viên. Chỉ trong khoảng hơn 1 giờ, hàng trăm “xiên bẩn” đã được bán hết.
Theo quan sát, tan học, đói bụng, trung bình 1 em học sinh ăn từ 3-5 xiên bẩn. Hầu hết các em chỉ quan tâm là đồ ăn có ngon hay không, không mấy em quan tâm là món mà mình đang ăn có xuất xứ từ đâu và có an toàn hay không?
Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng có thể thấy một điều, thực phẩm được chế biến trước cổng trường, vỉa hè hay thậm chí tại nhiều quán ăn, nhà hàng khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những món ăn vặt rẻ tiền và màu sắc bắt mắt này thì không ai có thể kiểm soát được chất lượng và độ an toàn của thực phẩm. Đặc biệt, việc sử dụng dầu ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ và được sử tái sử dụng nhiều lần là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây hại cho sức khỏe của người dùng.
Biết là không an toàn nhưng vẫn cứ ăn
Món ăn vặt, món ăn đường phố được bán phổ biến từ nhiều năm nay, mặc dù biết là không an toàn, không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn có rất nhiều người tìm đến thưởng thức. Quan điểm chung của họ là chỗ ngồi ăn thoáng mát, tiện lợi và quan trọng hơn cả là đồ ăn hợp với túi tiền. Có lẽ sự ủng hộ nhiệt tình của thực khách chính là động lực để ẩm thực đường phố không an toàn vệ sinh thực phẩm phát triển mạnh.
Anh Đào Văn Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, anh có thói quen ăn phở buổi sáng từ nhiều năm nay. Dẫu biết là ngồi ăn ở hàng quán vỉa hè không an toàn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng anh vẫn thích ăn ở đây, bởi những vị trí này thoáng mát và tiện lợi cho việc hút thuốc, uống trà đá.
Khi được hỏi vì sao biết “xiên bẩn” không an toàn cho trẻ nhỏ nhưng vẫn chiều con và mua cho con mỗi buổi chiều khi tan học về, chị Nguyễn Hồng Thắm (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết, vì tan học xong đói bụng nên thương con và vẫn mua cho con 1,2 xiên chả mà con thích. Đọc báo biết được sự không an toàn của những món ăn này, tới đây chị sẽ hạn chế cho con ăn.
TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, việc sử dụng thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc có thể gây ra các triệu chứng cấp tính như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa…
Nếu sử dụng trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể và dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì, ung thư, mỡ máu, thừa cân, gout, đái tháo đường…Việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và chất tăng cân còn sót lại trong những thực phẩm đó sẽ từ từ xâm nhập vào cơ thể, sau đó tích tụ gây ung thư.
Do đó, người dân cần hạn chế ăn uống vỉa hè, nơi công cộng, hạn chế sử dụng thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm học mới đang đến gần, để đảm bảo sức khỏe cho con em mình, phụ huynh nên giải thích cho con về tác hại, hậu quả của đồ ăn vặt không có nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, hướng dẫn con mua hàng tại những cửa hàng có uy tín, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng./.