Khoảng 10.000 huấn luyện viên quân sự phương Tây được cho đang có mặt ở Ukraine để huấn luyện cho các binh sĩ thuộc quân đội Ukraine, cũng như hỗ trợ cuộc chiến ở vùng Donbass. Theo Nga, trong số này có tới 4.000 binh sĩ Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 24/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định sự hiện diện của các quân nhân nước ngoài là dấu hiệu cho thấy Kiev đang chuẩn bị cho phương án đối đầu liên quan tới cuộc chiến sắp tới với lực lượng của hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Donbass.
Binh sĩ Ukraine tập trận. (Ảnh: Military.com)
"Càng có nhiều huấn luyện viên quân sự được điều động, ngân sách quân sự của Ukraine càng lớn hơn. Càng có thêm nhiều vũ khí được đưa tới, những tiếng nổ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn không chỉ ở Đường giới tuyến, mà còn ngay sát cơ sở hạ tầng dân sinh", RT dẫn lời bà Zakharova.
Cũng theo bà Zakharova, lời giải thích các huấn luyện viên nước ngoài có mặt ở Ukraine để hỗ trợ ngăn chặn hành động xâm chiếm của Nga chỉ là "nói dối".
Bởi theo bà Zakharova, chính quyền Kiev và các đối tác phương Tây đã bào chữa gian dối về sự hiện diện của các huấn luyện viên quân sự, đồng thời khẳng định chính những huấn luyện viên nước ngoài này “đang chịu trách nhiệm trực tiếp với các sự kiện diễn ra ngay trước mắt ở Donbass”.
“Thay vì đưa cuộc nội chiến đang bước sang năm thứ 8 đi tới kết thúc, dường như Kiev đang muốn chứng minh chọn giải pháp giải quyết bằng vũ lực cho các vấn đề ở Donbass”, bà Zakharova nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng phủ nhận tuyên bố từ phía các quan chức Ukraine rằng họ vẫn đang cố gắng hạ nhiệt căng thẳng.
Cuộc chiến ở vùng Donbass bùng nổ vào năm 2014 giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thuộc hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Kiev cáo buộc Moscow đã hợp tác với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine và làm kéo dài cuộc nội chiến. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Trong năm 2014 và 2015, Nga và Ukraine đã ký kết Hiệp ước Minsk nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Donbass. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn không phát huy được hiệu quả. Các nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phía Ukrainae đã không tuân thủ các quy định và còn từ chối đối thoại với các lực lượng ly khai.
Đáng nói, hôm 24/12, Reuters đưa tin những bức ảnh vệ tinh mới được một công ty tư nhân của Mỹ chụp lại cho thấy Nga tiếp tục tăng cường quân tới bán đảo Crimea và gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, giữa lúc gia tăng sức ép buộc Mỹ đối thoại về các điều khoản đảm bảo an ninh do phía Moscow đề xuất.
Reuters cho biết chưa thể xác minh độc lập tính xác thực của những bức ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies của Mỹ cung cấp.
Cũng trong ngày 24/12, điện Kremlin tái khẳng định Nga có quyền luân chuyển các lực lượng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, do các nước phương Tây có những hành động quân sự mang tính khiêu chiến sát gần biên giới Nga.
Lực lượng quân sự Nga được bố trí ở vùng Soloti. (Ảnh: Maxar Technologies) |
Trước đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và Ukraine cáo buộc Nga cho tăng cường quân tới sát các đường biên giới Ukraine kể từ tháng 10. Thậm chí, những hình ảnh được công ty Maxar cung cấp còn khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều nhà lãnh đạo khác cho rằng dường như Moscow đang chuẩn bị và sẽ sớm tấn công Ukraine vào tháng 1/2022. Song Moscow đã phủ nhận cáo buộc này.
Cụ thể, những bức ảnh vệ tinh được công ty Maxar công bố hôm 23/12 cho thấy căn cứ ở bán đảo Crimea, khu vực Nga sáp nhập vào lãnh thổ liên bang hồi năm 2014, có hàng trăm xe bọc thép và xe tăng tính tới ngày 13/12. Bức ảnh vệ tinh được Maxar chụp hồi tháng 10 lại cho thấy căn cứ này vẫn bị trống một nửa.
Công ty Maxar cho biết thêm một đơn vị cấp lữ đoàn bao gồm hàng trăm xe bọc thép gồm xe chiến đấu bộ binh BMP, pháo tự hành và thiết bị phòng không đã có mặt tại nơi đồn trú của Nga.
"Trong tháng qua, hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao đã phát hiện được hàng loạt hoạt động triển khai mới của Nga tại Crimea, cũng như một vài khu vực huấn luyện ở phía tây nước Nga dọc theo biên giới Ukraine", công ty Maxar cho hay.
Theo công ty Maxar, Nga cho tăng cường hoạt động quân sự ở 3 khu vực thuộc bán đảo Crimea và 5 khu vực ở phía tây nước Nga.
Còn vào ngày 23/12, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga muốn tránh xung đột, nhưng cần phản ứng "ngay lập tức" từ phía Mỹ và đồng minh đối với yêu cầu đảm bảo an ninh của Moscow. Nga kỳ vọng sẽ có cuộc gặp với quan chức Mỹ về vấn đề này vào tháng 1/2022 tại Geneva.
Khi được hỏi về việc điều động quân đội gần Ukraine, phát ngôn viện điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow đang hành động để đảm bảo an ninh của mình.
“Nga đang di chuyển các binh sĩ quanh lãnh thổ quốc gia để ngăn chặn những hành động vô cùng thiếu thân thiện từ phía NATO, Mỹ và nhiều nước châu Âu, những người đang có động thái đáng ngờ gần biên giới Nga. Chuyện này khiến Nga phải đưa ra hành động cụ thể để đảm bảo an ninh quốc gia”, ông Peskov nhấn mạnh.
Tờ Kommersant hôm 24/12 đưa tin, Nga đã nhận được bản kế hoạch chi tiết 10 điểm của Ukraine đề xuất giải quyết cuộc xung đột ở miền đông nước này.
Trước đó, vào ngày 21/12, phát biểu trong cuộc họp báo với các đại sứ ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky và cố vấn cấp cao Andrey Yermak đã thông báo về việc Ukraine đã chuyển bản kế hoạch đề nghị các bên tham gia vòng đàm phán khuôn khổ Normandy gồm Berlin, Moscow, Kiev và Paris cũng như Washington thi hành kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm.
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, “chúng tôi đã gửi văn bản cho Tổng thống Mỹ Biden, Nga, Pháp và Đức”.
Một trong những đề xuất trong bản kế hoạch của Ukraine là việc tiến hành điện đàm giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về điều kiện thuận lợi thả tự do và trao đổi tù nhân bị bắt giữ trong xung đột trong dịp “Năm mới/Giáng sinh”, cũng như cho phép đại diện của hai Tổng thống bắt đầu đàm phán về việc Nga tiếp tục vận chuyển khí đốt sau năm 2024.
Các bước sau đó còn bao gồm quá trình chuẩn bị và điều phối nghị sự cùng các văn bản cuối cùng để sẵn sàng tiến hành cuộc gặp giữa người đứng đầu hai nước Nga – Ukraine. Theo Kommersant, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khuôn khổ Normandy sẽ được tiến hành.
Giai đoạn cuối cùng sẽ là tiến tới thảo thuận về hàng loạt điều luật được Quốc hội Ukraine đề xuất bao gồm tính cụ thể của một chính quyền tự xưng, tổ chức các cuộc bầu cử cấp khu vực ở Donetsk và Lugansk, cùng “Gói giải pháp thi hành thỏa thuận Minsk năm 2015”.
Cả Nga, Ukraine và các thành viên Liên Hợp Quốc đều không công nhận chủ quyền đối với hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Nga nhấn mạnh Moscow không phải là một bên tham gia cuộc chiến ở miền đông Ukraine và trách nhiệm của Kiev là tiến tới thảo thuận với các nhà lãnh đạo của 2 vùng ly khai.
Tuy nhiên, hồi tháng Tư, Tổng thống Ukraine Zelensky cho hay ông “sẽ không đối thoại với khủng bố”, mà thay vào đó muốn gặp Tổng thống Putin. Nguyên nhân là do nhà lãnh đạo Ukraine nghi ngờ Nga chống lưng cho các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine.