Điều gì xảy ra nếu “tối hậu thư” của Nga bị từ chối?
Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như sẽ không sẵn sàng "đốt cây cầu" quan hệ với phương Tây, điều được thể hiện rõ qua những tuyên bố trong cuộc họp báo cuối năm thường niên của ông ngày 23/12.
Bất chấp những đe dọa và những phát ngôn cứng rắn giữa lúc căng thẳng Nga - phương Tây leo thang liên quan đến vấn đề Ukraine, Tổng thống Putin cùng lúc đó cũng đánh giá rằng, phản ứng của Mỹ trước những yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh mang tính "tích cực", mặc dù Washington vẫn chưa trả lời chính thức trước những đề xuất này.
Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc phương Tây có thể tạm thở phào rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine?
Thực tế không hẳn là như vậy. Nếu Ukraine tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện ở Donbass, Nga có thể sẽ can thiệp để bảo vệ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng. Nga cho rằng nếu nước này không hành động, phương Tây có thể coi đó là sự yếu đuối của điện Kremlin và cuối cùng, Ukraine, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, có thể sẽ giành lại Crimea.
"Tương lai của Donbass phải được quyết định bởi những người sinh sống ở Donbass", Tổng thống Putin khẳng định trong cuộc họp báo cuối năm.
Người dân Donbass từng quyết định tương lai của mình hồi tháng 5/2014 khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố "tự trị", hay sự độc lập thực tế khỏi Kiev. Dù vậy, cho tới nay, Nga từ chối công nhận cuộc trưng cầu dân ý này.
Trong trường hợp xung đột ở biên giới Ukraine nổ ra, Nga có lẽ sẽ thực hiện chiến lược tương tự như năm 2008 sau khi Gruzia tấn công khu vực Nam Ossetia. Vào thời điểm đó, Nga đã can thiệp vào cuộc chiến, đánh bật lực lượng Gruzia khỏi khu vực và công nhận độc lập của không chỉ Nam Ossetia mà còn cả Abkhazia.
Tuy nhiên, với việc phía tây Ukraine có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược lớn hơn Gruzia, nếu Nga hành động như vậy, nước này sẽ đối mặt với những lệnh trừng phạt nặng nề, tác động tiêu cực lên nền kinh tế Nga. Để ngăn chặn một viễn cảnh như vậy, điện Krelim hiện đang yêu cầu "sự đảm bảo an ninh" mà theo đó, NATO sẽ không mở rộng về phía đông.
"Các bạn phải cho chúng tôi sự đảm bảo ngay bây giờ và ngay lập tức", Tổng thống Putin khẳng định.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao điện Kremlin lại gấp gáp như vậy. Hồi đầu tháng 10, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã viết một bài báo chỉ ra rằng "Nga biết cách chờ đợi" và Moscow sẽ chờ tới khi "những nhân vật ôn hòa" lên nắm quyền ở Kiev cũng như thay thế giới lãnh đạo hiện tại.
Tuy nhiên, 2 tháng sau, Tổng thống Putin đã hối thúc Mỹ cam kết rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Liên minh quân sự này đã từ chối bất kỳ sự nhượng bộ nào về "những nguyên tắc căn bản" của NATO, điều đó cũng tức là phương Tây gần như chắc chắn không cung cấp những "đảm bảo an ninh" mà Tổng thống Putin tìm kiếm.
Nga sẽ làm gì?
"Mỹ cần hiểu rằng chúng tôi đơn giản không thể lùi bước thêm nữa. Có phải họ đang nghĩ rằng chúng tôi sẽ chỉ đứng bên và quan sát", Tổng thống Putin nhận định, đồng thời cho rằng Washington có thể sẽ thúc đẩy Kiev tấn công Crimea.
Những tuyên bố của Tổng thống Putin không phải là mới. Hồi tháng 8/2016, ông Putin từng cáo buộc Bộ Quốc phòng Ukraine giết hại một binh lính Nga và một sĩ quan của Cơ quan Mật vụ Liên bang (FSB) ở Crimea. Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không để mọi việc trôi qua như vậy, song Moscow chưa bao giờ phản ứng trước vụ việc binh lính và sĩ quan tình báo bị sát hại.
Vì thế, nếu Ukraine thực sự có những hành vi khiêu khích nghiêm trọng ở Crimea, phản ứng của Nga có lẽ sẽ không quá gay gắt như nhiều người nhận định.
Mặc dù điện Kremlin khẳng định rằng Ukraine và Mỹ đang chuẩn bị "các hành vi khiêu khích" trong đó có tấn công bằng vũ khí hóa học nhưng dường như viễn cảnh đó không thực tế lắm. Với việc chưa từng có hành vi khiêu khích bằng vũ khí hóa học nào diễn ra, Kiev và Washington có vẻ sẽ không tiến hành một cuộc "phiêu lưu" như vậy ở Crimea.
Điều gần như chắc chắn là Mỹ sẽ không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nga và đưa ra đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông.
Về phần mình, các nhà chức trách Nga khẳng định sẽ có kế hoạch B nếu Mỹ và NATO không phản hồi trước các đề xuất của Moscow mặc dù từ chối bình luận về việc điện Kremlin sẽ hành động như thế nào.
Trên thực tế, các hành động của Nga luôn hạn chế hơn so với những dự đoán bởi nước này có những tính toán thận trọng trong quan hệ với các đối tác phương Tây.
Thậm chí hiện nay, giữa bối cảnh mối lo ngại về một cuộc xung đột trên quy mô lớn giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng, các quan chức quân sự Nga vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi với những người đồng cấp phương Tây.
Tuy vậy, một cuộc tấn công của Ukraine ở Donbass không phải là điều không thể xảy ra.
"Có những dấu hiệu cho thấy một chiến dịch quân sự thứ ba đang được chuẩn bị ở Ukraine và họ đang cảnh báo chúng ta không can thiệp. Tuy nhiên, chúng ta phải phản ứng với việc này theo một cách nào đó", ông Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 23/12.
Nga chắc chắn sẽ phản ứng nhưng Moscow có khả năng chỉ thực hiện một nửa các biện pháp nhằm bảo vệ quyền kiểm soát thực tế ở Donbass trong khi không hủy hoại quan hệ với phương Tây.
“Bóng” đang trên “sân” của đối phương
Chính quyền Tổng thống Biden ngày 23/12 đã nhắc lại cảnh báo với Nga về nguy cơ một cuộc tấn công Ukraine khi một quan chức cấp cao Mỹ tuyên bố, Washington "sẵn sàng hành động nếu và khi chúng tôi cần".
"Chúng tôi đã khẳng định rõ sẽ có những hậu quả đáng kể" nếu Nga tiến hành tấn công Ukraine, quan chức này bình luận, đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ được thảo luận chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như sẽ phá hủy nghiêm trọng nền kinh tế Nga.
Nga và Mỹ đều chỉ ra rằng "bóng" đang trên "sân" của đối phương trong việc ngăn chặn một cuộc xung đột ở Ukraine.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ không đồng ý các đề xuất an ninh của Nga liên quan đến NATO nhưng có lẽ sẽ nhất trí trao đổi về những đề xuất khác.
"Nga đã đưa ra một số đề xuất, có một vài điểm chúng tôi nhất trí nhưng một vài điểm thì chúng tôi chắc chắn không đồng ý. NATO là một liên minh phòng thủ, không phải một liên minh tấn công. Không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ hay các thành viên NATO đi ngược với điều ấy".
Cùng thời điểm bà Psaki cũng chỉ ra rằng Nhà Trắng coi việc đối thoại là một con đường đúng đắn để giải quyết tình hình hiện nay.