Chữa dứt điểm ho sau một đêm chỉ nhờ mật ong, dầu oliu đắp ngoài ngực?!
Bạn thường xuyên rơi vào trạng thái ho liên tục và không thể tập trung vào bất cứ việc gì, đồng thời có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ cho bạn khi ngủ đêm.
Đặc biệt nếu trong trường hợp này là những đứa trẻ thì điều ấy còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Nguyên nhân là trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, khả năng miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại các loại virus gây ra bệnh cảm lạnh.
Thông thường, các mẹ sẽ cho trẻ uống siro ho để giảm bớt ho khi con bị cảm cúm.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng cách này thường xuyên có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Một số tác dụng phụ của các loại thuốc ho bao gồm: tăng nhịp tim, đau đầu, đau nửa đầu, buồn ngủ. Các thuốc siro chữa ho thường chứa hai thành phần chính là dextromethorphan và codeine.
Trong đó, dextromethorphan là một dẫn xuất của morphin, nhờ tác động lên trung tâm ở hành não nên giúp giảm ho.
Tuy nhiên chúng chỉ được dùng giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở phế quản và họng, có hiệu quả nhất trong điều trị ho không có đờm.
Codeine cũng có những tác dụng tương tự. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng cả hai hợp chất này trong thuốc ho thì đều gây nên những hậu quả không hay. Ngoài những tác dụng phụ trên, codeine còn gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Thay vì lạm dụng thuốc chữa ho, bạn có thể sử dụng những nguyên liệu có ngay trong bếp nhà mình để trị ho. Đó chính là mật ong nguyên chất.
Theo Improveyourhealthrightnow, bạn nên sử dụng công thức sau từ mật ong để trị bệnh ho dứt điểm, đồng thời tránh lạm dụng kháng sinh:
Nguyên liệu
- Mật ong nguyên chất
- Khăn ăn
- Bột mì
- Dầu oliu
- Gạc thấm
- Băng dính
Cách làm
- Trộn mật ong và bột mì thành một hỗn hợp sền sệt.
- Sau đó cho thêm một ít dầu oliu vào hỗn hợp và thêm chút bột mì nữa để hỗn hợp sánh mịn.
- Đổ hỗn hợp ra một chiếc khăn ăn và bọc lại bằng gạc.
- Sử dụng băng keo để đính kèm bọc này trên lưng hoặc ngực.
Nếu là trẻ nhỏ, bạn nên quấn trong khoảng 3 tiếng trước khi đi ngủ. Nhưng nếu là người lớn thì cần để như vậy qua đêm và tháo ra vào sáng hôm sau.
Bọc quấn này sẽ làm bạn đổ mồ hôi nhiều và trị hết bệnh ho nhanh chóng. Riêng với trẻ em, bạn cần chú ý bỏ bọc quấn ra sau 3 tiếng nếu không có thể làm tổn thương làn da của trẻ nhỏ.
Rachel Lim (một bà mẹ bỉm sữa tại Singapore) đã sử dụng mật ong, gừng bọc giấy bạc để chữa ho cho con và cách làm này đã đem lại hiệu quả tuyệt vời.
Cô đã sử dụng dầu dừa thay dầu oliu. Để hỗn hợp phát huy hiệu quả cao hơn, cô đã cho thêm nước gừng.
Lim chia sẻ cách chữa bệnh này trên trang facebook cá nhân. Cô cho biết, con trai cô bắt đầu ho liên tục sau khi ngủ 2-3 giờ. Sau đó Lim đã làm hỗn hợp trên, bọc trong giấy bạc và đặt lên lưng bé trong khoảng 4 giờ.
Sau đó, em bé đã ngừng khóc và rên rỉ, ho giảm rõ rệt, đặc biệt là hiện tượng ho không còn ra đờm cũng như có cảm giác tắc nghẽn trong phế quản nữa.
Có thể nói, gừng, mật ong và dầu oliu chính là cách chữa ho tự nhiên, an toàn và hiệu quả hơn hẳn so với các loại siro, thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đây có phải là cách trị tận gốc các cơn ho đến từ bất cứ nguyên nhân nào?
Mật ong, dầu oliu đắp ngoài chỉ có tác dụng hỗ trợ ho do cảm lạnh, cảm nhẹ
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) khẳng định, mật ong từ lâu đã được biết đến là thuốc quý trong Đông y.
Trong y học cổ truyền, mật ong có tác dụng ích khí, nhuận táo, chữa các chứng bệnh ho, tim, bỏng, đau bụng, khó đẻ, lở âm đầu, hóc xương cá, bí đại tiện, xích bạnh lị, sản phụ khát nước…
“Mật ong vừa là thực phẩm đồng thời lại là một vị thuốc trong Đông y. Không chỉ cung cấp dinh dưỡng, mật ong còn được coi là vị thuốc quý trong tủ thuốc của mỗi gia đình.
Mật ong chứa 60-70% là glucose, ngoài ra còn có sacharose, muối vô cơ, axit hữu cơ, men tiêu hóa, chất béo…
Mật ong vị ngọt, tính bình, vào 5 kinh: tâm, tì, phế, vị, đại tràng. Lượng khuyến cáo mỗi ngày là 10-20g/ ngày.”, lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
Theo vị lương y này, mật ong là một loại thuốc bổ, giảm mật độ axit của dịch vị, làm axit dạ dày hoạt động bình thường, có thể chữa được nhiều bệnh như viêm loét dạ dày, hành tá tràng, viêm gan, viêm túi mật, diệt vi trùng…
“Mật ong có tính sát khuẩn mạnh nên có thể chữa bệnh ho rất hiệu quả”, ông Minh nói.
Dầu oliu hay dầu dừa cũng là một loại dầu có tính kháng viêm nên chữa ho rất tốt. Khi sử dụng dầu oliu đắp lên ngực sẽ làm mát tâm, phế, phổi, từ đó sẽ làm giảm cơn ho nhanh chóng.
Dầu oliu có hàm lượng chất béo không bão hòa và chất chống oxy hóa tự nhiên như vitamin E, carotenoids, chlorophyll, polyphenols và hydroxytyrosol, do đó có tác dụng tích cực trong điều trị ho.
Gừng cũng là một vị thuốc rẻ tiền ngay trong nhà bạn. Gừng còn có tên gọi khác là sinh khương, can khương, bạch khương, hắc khương – tùy theo dạng khô hay tươi, màu trắng hay đen.
Tùy từng loại gừng sẽ có tính chất khác nhau một chút. Gừng tươi có vị cay, tính ấm, thơm, gừng khô có vị cay, tính nóng, thơm hắc.
“Gừng cũng là một nguyên liệu có tác dụng điều trị ho rất tốt, được sử dụng lâu đời trong Đông y. Gừng khô có thể chữa đau bụng do lạnh, chướng bụng đầy hơi, thổ tả, chân tay lạnh, ho có đờm…”, ông Minh nói.
Từ những phân tích nguyên liệu chữa ho đắp ngoài trên, lương y Bùi Hồng Minh cho rằng phương pháp này dùng để chữa ho cũng có thể có tác dụng, tuy nhiên đây là cách chữa bệnh chưa từng có trong y học cổ truyền.
“Đây chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị ho, không nên coi là cách chữa ho tốt nhất. Chúng ta chỉ nên áp dụng với những trường hợp ho nhẹ.
Nếu người bệnh bị ho do viêm phế quản thì không được sử dụng cách này vì sẽ không có hiệu quả, đồng thời có thể khiến bệnh kéo dài thêm, trở nên nguy hiểm hơn.
Có rất nhiều cách khác để chữa ho hiệu quả hơn tùy thuộc vào nguyên nhân chứ không nên áp dụng cách chữa ho này cho mọi trường hợp”, lương y khẳng định.