Con người chúng ta chỉ sống một lần trong đời, nói dài không dài, nói ngắn không ngắn. Đặc biệt là đối với những ai đã ngoài 60, họ dường như đã đi được hơn một nửa cuộc đời rồi, do đó mà họ cũng có những sự hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống. Cả đời đã trải qua đủ thế thái nhân tình, đến tuổi xế chiều thì nên dành cho bản thân một cuộc sống như thế nào mới là tốt nhất?
Về phương diện này thì cha ông ta đã từng dạy qua, rằng: "Ngoài 60, không nghĩ 4 điều." Hãy cùng xem 4 điều này là gì nhé!
1. Không nghĩ đến tiền
Lúc nằm trên giường bệnh, Steve Jobs từng nói: "Tất cả sự giàu có mà tôi kiếm được trong đời, hiện tại đều không thể đi theo tôi qua thế giới bên kia. Chỉ có những cảm xúc đơn thuần trong từng mảnh ký ức, cũng như là tình yêu, những thứ không liên quan đến vật chất mới có thể tiếp tục đồng hành cùng tôi."
Đó là điều không ai có thể phủ định, rằng tiền bạc vật chất là thứ chúng ta không mang theo được khi kết thúc cuộc đời. Có thể nó sẽ cho chúng ta sự vinh quang và quyền lực trong cuộc sống, nhưng nó sẽ không ở cạnh ta mãi mãi.
Do đó, sau 60 tuổi, chỉ cần biết đủ thì đã là phúc, đừng vì những lợi ích nhỏ nhặt mà hao tâm tổn trí, cũng đừng ăn mặc cần kiệm để giữ gìn tài sản dành dụm cho con cháu. Con cháu tự ắt có phúc báo riêng của chúng, chúng còn trẻ, còn rất nhiều điều cần trải nghiệm và xông pha.
2. Không nghĩ quá mức đến con cái
Tục ngữ có câu: "Nuôi con 100 tuổi, lo đến 99 năm". Mỗi một đứa trẻ đều là bảo bối trong tay cha mẹ, dù cho có bao nhiêu tuổi, chỉ cần cha mẹ còn sống, thì cha mẹ vẫn sẽ chăm lo cho con cái như một đứa trẻ. Do đó, một số người già thường không buông bỏ được nỗi lo này, mặc dù con cái đều đã yên bề gia thất nhưng họ vẫn muốn nhúng tay vào mọi thứ, làm giúp con.
Tuy nhiên, sự can thiệp quá mức vào các vấn đề của con cái, không chỉ khiến người già lao lực, mà còn dễ khiến con cái cảm thấy phiền hà hoặc sinh ra thói ỷ lại. Do đó, sau 60 tuổi, mọi người nên học cách buông bỏ và không can thiệp quá nhiều vào công việc riêng tư của con cái. Những việc của chúng thì nên để chúng tự mình giải quyết. Việc của bạn chỉ là sống tốt phần đời của chính mình, chăm sóc tốt sức khỏe, để bản thân không trở thành gánh nặng cho con cái.
3. Không nghĩ đến quyền thế
Một số người do đã từng là trụ cột gia đình khi còn trẻ, hoặc người lãnh đạo hàng đầu của công ty, mọi thứ đều nằm trong lòng bàn tay họ, nên khi về già, họ thường sẽ vẫn muốn bản thân mình có quyền lực như trước. Họ không muốn bị mất đi tất cả sức mạnh đó, vì thế mà dần sinh ra một loại tâm lý sai lệch.
Lúc đó, chúng ta cần phải học cách buông bỏ. Đôi khi giả ngốc và lười biếng, buông bỏ công việc mới chính là cách làm đúng đắn nhất ở tuổi 60. Có thể bạn sẽ mất đi quyền lực, nhưng đồng thời bạn cũng không cần phải bị cuốn theo những thăng trầm của cuộc sống. Một mình thong thả đi dạo trên phố, bạn chẳng phải một nhân vật lừng lẫy nào cả, bạn chỉ là một người bình thường. Đó chính là thuận theo thời thế, biết kết hợp giữa cương và nhu thì mới là một người thật sự có bản lĩnh.
4. Không nghĩ đến sự cô đơn
Cho dù là ở bên ngoài hay trong chính căn nhà của mình. Cho dù là có bạn đời hay chỉ đơn thân, thì mỗi người chúng ta đều phải dũng cảm đối mặt với sự cô đơn.
Thật ra, sự cô đơn không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, mà nó phụ thuộc vào chính tâm lý của chúng ta. Mặc kệ là bên cạnh bạn có bao nhiêu người quan tâm đi nữa, nếu bạn tự chọn ôm lấy tâm lý nạn nhân thì sự cô đơn vẫn sẽ có cơ hội vây lấy bạn. Nếu muốn thoát khỏi sự cô đơn, hãy học cách tạo ra niềm vui cho chính mình, nhìn ngắm cuộc sống này một cách tích cực hơn.
Sau tuổi 60, chúng ta phải học cách chăm sóc bản thân, tự lập, tự vui chơi, giải trí, duy trì trạng thái tinh thần lạc quan, phấn khởi. Chúng ta có thể kết bạn mới, cùng đi dã ngoại ở thiên nhiên, hoặc cũng có thể nuôi dưỡng một số sở thích để bầu bạn. Khi bạn biết cách làm cho bản thân hạnh phúc, cảm giác cô đơn sẽ biến mất, kèm theo đó bạn sẽ cảm nhận được một nguồn năng lượng sống lan tràn.
Khi ở độ tuổi 60, chúng ta có thể làm gì để nâng cao sức khỏe?
1. Ngủ đủ giấc
Có rất nhiều người cao tuổi thường xuyên bị mất ngủ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Mất ngủ ở người cao tuổi có thể dễ dàng gây ra các bệnh về tim mạch và mạch máu não, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế đừng nên xem thường việc mất ngủ.
Ngoài việc mất ngủ ra thì nhiều người cao tuổi nghĩ ngủ quá nhiều là lười biếng và phí phạm thời gian, vì thế họ luôn trong trạng thái làm việc liên tục, không quét tước thì sẽ tưới cây, tự mình giảm số giờ ngủ xuống tối thiểu. Hành vi này rất nguy hiểm, hậu quả mang lại cũng không khác gì bệnh mất ngủ. Cho nên, sau 60 tuổi, chúng ta nên chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo ngủ đủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày.
2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bây giờ vẫn còn rất nhiều người già sợ đi bệnh viện, vì thế mà họ thường bỏ qua những kỳ khám sức khỏe tổng quát. Ngay cả khi họ thực sự bị bệnh thì họ cũng không thích phải vào bệnh viện, họ sẽ khăng khăng chỉ dùng thuốc ở nhà thuốc tây. Khi bệnh bị trì hoãn, những vấn đề nhỏ sẽ trở thành vấn đề lớn và trở nên khó điều trị hơn. Sau này không chỉ tra tấn cơ thể mà gia đình còn phải chi nhiều tiền hơn lúc đầu.
Do đó, hy vọng rằng những ai sau 60 tuổi sẽ chăm đi khám sức khỏe định kỳ hơn. Vì thông qua khám sức khỏe, chúng ta sẽ có thể phát hiện kịp thời các nguy cơ bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, từ đó giải quyết nó khi nó chỉ mới là một mầm bệnh nhỏ.
3. Tập những bài thể dục phù hợp
Nhiều người càng lớn tuổi thì càng trở nên lười biếng, cùng với sự bất tiện khi di chuyển, họ dần mất đi động lực tập luyện thể thao. Theo thời gian, xương khớp trong cơ thể sẽ dần mất đi sự dẻo dai và linh động, còn có nguy cơ bị loãng xương và thậm chí gãy xương.
Do đó, người cao tuổi càng phải kiên trì tập thể dục thể thao. Vận động ngoài trời không chỉ có thể mở rộng tầm nhìn của họ, nâng cao tinh thần lạc quan, mà còn cải thiện chức năng tim phổi, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể và tránh xa bệnh tật.
Theo Phụ nữ số