Sáng nay 13-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo), chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì phiên họp - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến nay công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, đã thực hiện thành công chiến lược vắc-xin. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, thị trường lao động phục hồi...
Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh; việc tiêm vắc-xin chậm lại.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vắc-xin hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; khắc phục tình trạng thiếu thuốc , trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm nhân lực y tế; tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch của nhân dân…
Thủ tướng đề nghị tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phân tích, "mổ xẻ" nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục.
"Địa phương nào không thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch, nhất là tiêm vắc-xin dẫn đến bùng phát, lây lan dịch bệnh, chết người thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết hiện nay xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, trong khi người dân thì ốm đau, cần thuốc. "Chúng ta không thể ngồi nhìn. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, xem xét xem việc mua thuốc vướng mắc chỗ nào để có giải pháp tháo gỡ"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị ứng dụng công nghệ để việc đấu thầu, đấu giá thuốc được công khai, minh bạch; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tổ chức đấu thầu, linh hoạt trong hình thức đấu thầu tập trung hoặc phải phân cấp để việc mua sắm thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân thuận lợi hơn.
Đối với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, Thủ tướng cho biết theo thống kê có khoảng 1% cán bộ, nhân viên y tế dịch chuyển công việc từ khu vực công sang khu vực tư. Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, phân tích để có chế độ chính sách đảm bảo cho cán bộ y tế yên tâm công tác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, riêng trong tháng 8-2022 ghi nhận 72.324 ca mắc Covid-19 (tăng 2,4 lần so với tháng 7), 24 ca tử vong (tăng 18 ca so với tháng 7). Còn trong 7 ngày qua (5-9 đến 12-9-2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Tính đến hết ngày 11-9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2%; tỉ lệ tiêm mũi 4 là 77%.
Đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 85.747 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trên 859.740 lượt người sử dụng lao động, gần 55,1 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vì vậy vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng; đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.