Thủ tướng Canada nói có thể chuyển khí hóa lỏng sang Đức, nhưng thực tế không đơn giản

Hữu Hiển |

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Canada là một 'liều thuốc thử về tình bạn'. Trong bối cảnh Đức đang tìm cách loại bỏ dầu khí của Nga, nước này muốn Canada trở thành nhà cung cấp năng lượng lâu dài trong tiến trình trung hòa carbon.

Tờ Politico đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng với Phó Thủ tướng Robert Habeck và một phái đoàn kinh doanh bao gồm các Giám đốc điều hành của Volkswagen AG và Mercedes-Benz vừa có chuyến thăm ba ngày (21-23/8) tới Canada.

Vào hôm 21/8, trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Montreal, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ bờ biển phía đông của Canada sang Đức có thể giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng khí đốt của châu Âu.

Thủ tướng Trudeau nói: "Có thể làm được, chúng tôi có cơ sở hạ tầng xung quanh vấn đề đó". Tuy nhiên, theo tờ Politico, ông Trudeau đã không đưa ra mốc thời gian cụ thể khi được hỏi.

Thủ tướng Canada nói có thể chuyển khí hóa lỏng sang Đức, nhưng thực tế không đơn giản - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trước truyền thông tại Montreal, Canada vào ngày 22/8. Ảnh: Reuters

Theo tờ Politico, nhận xét của Thủ tướng Canada đã khiến mọi người ngạc nhiên vì Canada thiếu các cơ sở xuất khẩu ở Đại Tây Dương, và "có thể làm được" không có nghĩa là "làm được ngay" vì châu Âu muốn cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mua của Nga vào cuối năm nay.

Ba ngày trước đó, Thủ tướng Trudeau từng lưu ý rằng, Canada có thể "làm được không nhiều" trong ngắn hạn để tăng cường cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Ông Trudeau cho biết, các trường hợp kinh doanh yếu kém đã ngăn cản sự phát triển của các cơ sở xuất khẩu, đồng thời nói thêm rằng "bờ biển phía đông của Canada là một chặng đường dài so với các mỏ khí đốt ở phía tây của Canada".

Thủ tướng Canada cũng cho biết sẽ ưu tiên các giải pháp trước mắt và cơ sở hạ tầng hiện có. "Hiện tại, năng lực tốt nhất của chúng tôi là tiếp tục đóng góp cho thị trường toàn cầu để thay thế khí đốt và năng lượng mà Đức và châu Âu có thể tìm thấy từ các nguồn khác", ông Trudeau nói.

Theo tờ Politico, đầu năm nay, Canada đã phải đối phó với khủng hoảng năng lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine bằng cam kết tăng sản lượng dầu khí lên mức 300.000 thùng/ngày cho tới cuối năm nay.

Nhưng vì Canada thiếu các cơ sở xuất khẩu ven biển, nên gần như tất cả dầu khí của nước này đều đến một thị trường, đó là Mỹ. Việc chính phủ Canada hứa chuyển dầu khí sang châu Âu đồng nghĩa với việc các chuyến hàng sẽ được chuyển đi từ Bờ Vịnh Mỹ.

Canada, giống như Mỹ, là một quốc gia thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và là nhà sản xuất dầu khí lớn, đang thu hút các nhà đầu tư muốn thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp xanh của riêng mình.

Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước đồng minh, đặc biệt trong các lĩnh vực về khoáng sản quan trọng, năng lượng tái tạo và nhiên liệu hydro xanh.

Thủ tướng Canada nói có thể chuyển khí hóa lỏng sang Đức, nhưng thực tế không đơn giản - Ảnh 2.

Chính phủ Canada ngày 23/8 đã ký hai thỏa thuận riêng biệt với Volkswagen AG và Mercedes-Benz để đảm bảo quyền tiếp cận của hai nhà sản xuất ô tô của Đức đối với nguồn nguyên liệu thô của Canada để sản xuất pin xe điện, gồm cobalt, than chì, nickel và lithium. Ảnh: Mercedes

Tại Newfoundland - vùng phát triển mạnh về công nghệ nhiên liệu hydro của Canada, hai thủ tướng Trudeau và Scholz đã chính thức hóa một tuyên bố chung về sản xuất nhiên liệu hydro. Với “liên minh hydro” mới này, Canada sẽ tăng tốc phát triển năng lượng hydro được lấy từ các nguồn tài nguyên tái tạo hoặc phát thải thấp, sau đó hợp tác với Đức để xây dựng năng lực thương mại, bắt đầu xuất khẩu xuyên Đại Tây Dương từ năm 2025.

Về phần mình, Đức khẳng định coi Canada, với nguồn năng lượng thủy điện dồi dào, là một “siêu cường hydro” tiềm năng có thể giúp cung cấp cho Đức nguồn năng lượng phát thải thấp mà nước này cần để cung cấp nhiên liệu cho các ngành công nghiệp nặng trong bối cảnh các nước nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại