Thứ rau dại được ví như "sâm xanh" dưỡng gan – thận nhưng không phải ai cũng biết

Ngọc Minh |

Rau má là thứ rau dại mọc khắp bờ ruộng, bờ đầm làng quê Việt. Ít ai biết thứ rau mùa hè này là một thảo dược quý trong y học cổ truyền.

Theo Đại tá Lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, rau má là thứ rau "đặc sản" tốt cho cơ thể trong những ngày nắng nóng. Rau má mọc ở khắp nơi, chỗ ấm ướt. Rau mọc dại ở vùng khí hậu nhiệt đới và gần đây được trồng làm dược liệu và nguyên liệu làm nước giải khát.

Thứ rau dân dã này được ví như "sâm xanh" của người nghèo. Bởi vì, rau má không chỉ là thứ rau ăn cứu đói mà nó còn có nhiều tác dụng tuyệt với đối với sức khoẻ.

Y học cổ truyền của Trung Quốc cũng đã sử dụng rau má là dược liệu chữa bệnh với tên gọi Tích tuyết thảo. Tại Pháp và Anh cũng dùng rau má làm thuốc. Bộ phận dùng là cả cây tươi hoặc chế biến khô của cây rau má.

Thứ rau dại được ví như sâm xanh dưỡng gan – thận nhưng không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

Rau má loại rau mùa hè tốt cho sức khoẻ, ảnh minh hoạ.

Lương y Bùi Hồng Minh cho hay: "Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng tính mát, vào 3 kinh: Can, Tỳ, Tâm. Tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc. Rau má dùng có tác dụng tốt nếu được thu hái vào mùa hè khi cây đang xanh tốt, rửa sạch đất cát phơi dưới bóng râm hoặc sấy khô".

Khoa học hiện đại nghiên cứu thành phần hóa học trong rau má có nhiều chất tốt cho sức khỏe như: beta caroten, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, Fe, Mg, Mn, P, Kali, các loại vitamin B1, B2, B3, C và K. Đặng Hồng Vân và các cộng sự đã triết xuất rau má Việt Nam được hỗn hợp saponin triler-pen có tác dụng tăng cường khả năng tổng hợp keo hàn gắn vết thương.

Trong 100g dịch chiết rau má có: 88.20 g nước, 3.20 g chất đạm protein, 1.80 g chất carbohydrate (mono, disaccharide), 4.5 g cellulose, 3.70 mg vitamin C, 0.15 mg vitamin B1, 2.29 mg Calcium, 2.00 mg Phospho, 3.10 mg Sắt, 1.30 mg β carotene (tiền vitamin A…).

"Dùng 15-30g rau má khô hoặc 30-60 g rau má tươi, khô sắc uống, tươi ép lấy nước uống hàng ngày giúp giải độc cho gan, chữa các chứng như: vàng da, nóng nổi mụn, viêm gan, chảy máu cam…", Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Rau má có tính mát vì vậy vào những ngày hè nóng bức, người Việt thường dùng rau má là thứ rau ăn sống hoặc ép lấy nước uống. Nó có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể và tốt cho thận. Người bị tiểu buốt, tiểu dắt dùng nước rau má uống chứng bệnh sẽ nhanh chóng thoái lui.

Lương y Bùi Hồng Minh cho hay: "Có thể dùng rau má khô hãm lấy nước uống như uống trà giúp làm mát cơ thể trong những ngày nóng bức. Ngoài ra, chất xơ trong rau má cũng giúp giảm cholesterol máu, nên cũng có tác dụng rất tốt với tim mạch. Dùng ngoài da có tác dụng đẹp da, chống lão hoá".

Ngoài dùng để sắp và ép nước, rau má cũng được dùng để chế biến thành cách món ăn ngon bổ cho gan và thận.

Lương Y Bùi Hồng Minh lưu ý cần tránh nhầm lẫn rau má với rau má lông, rau má lá rau muống.

Rau má là cây thảo, mọc bò, phân nhánh nhiều, lan rộng trên mặt đất, rễ mọc từ các mẩu của thân, lá có cuống dài từ 2-4cm ở những nhánh có mang hoa. Phiến lá hình thận, gần tròn, mép khía tao bèo, đường kính 2-4cm. Hoa tự hóa tán đơn, mọc ở nách lá gồm 1-5 hoa nhỏ, không cuống, màu trắng, quả dẹp rộng.

Rua má dùng nên làm dược liệu nên để nơi thoáng mát và không nên để lâu vì rau dễ bị mốc, hỏng. Người đang tiêu chảy, người mắc chứng hư hàn, người huyết áp thấp... thì không nên dùng rau má.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại