Thứ đồ chơi này là quả bom hẹn giờ nguy hiểm: Nhiều cha mẹ vẫn vô tư cho con chơi

Ngọc Anh |

Bỏng do bóng bay không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng rất xấu đến thẩm mỹ và việc điều trị kéo dài tốn kém. Các vết bỏng thường trên diện rộng.

Những tai nạn khủng khiếp do nổ bóng bay

Nhìn mái tóc cắt nham nhở như đàn ông, Phương L. ngồi thu mình trên giường bệnh của Khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Cô vẫn chưa thể nào quên được giấy phút bàng boàng khi 50 quả bóng bay đủ màu sắc phát nổ cháy xém cả người.

L. kể rằng ngày 14/2/2017, công ty nơi cô đang làm việc có tổ chức một sự kiện nhỏ. L. được giao trách nhiệm trang trí bóng bay. Số bóng này được mua từ một công ty chuyên tổ chức sự kiện.

Thứ đồ chơi này là quả bom hẹn giờ nguy hiểm: Nhiều cha mẹ vẫn vô tư cho con chơi  - Ảnh 1.

L. là nạn nhân của vụ nổ bóng bay 14/2.

Cô nhớ rằng mình đã khéo léo cầm chùm bóng bay được bọc trong túi nilon tránh chạm vào các nguồn nhiệt vì sợ bóng có thể nổ. Mỗi khi đi qua chỗ có bóng đèn, cô đều cầm thấp xuống.

Thế nhưng, khi bước vào cửa phòng, do chùm bóng to hơn cửa nên L. đã cố kéo túi bóng qua cửa. Do áp lực, chùm bóng bất ngờ phát nổ.

Trong vài giây, chùm bóng đã trở thành chùm lửa. Quần áo bắt lửa và cháy xém, mặt và cổ L. như bị hắt cát nóng vào. Cô chưa kịp định hình chuyện gì đang xảy ra thì được mọi người sơ cứu bằng cách dội nước lạnh rồi đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu ngay.

Tại Bệnh viện, bác sĩ cho biết L. bị bỏng 20 %. Vì L. mặc váy đồng phục công ty nên toàn bộ vùng chân, tay, mặt và cổ đều bị bỏng.

Chia sẻ câu chuyện của mình, L. hi vọng mọi người hãy nói không với bóng bay bơm Hydro để tránh những tai nạn như cô.

Thứ đồ chơi này là quả bom hẹn giờ nguy hiểm: Nhiều cha mẹ vẫn vô tư cho con chơi  - Ảnh 2.

Một nạn nhân khác của nổ bóng bay

Tai nạn bóng bay của Phương L. không phải là trường hợp duy nhất.

Anh Nguyễn Văn C. 34 tuổi, nạn nhân của bỏng bóng bay do bơm bóng. Anh tâm sự bán bóng bay từ hai năm nay và anh toàn bơm bằng bình khí Hydro dạng bình nén như bình oxy.

Bình thường, khí Heli dùng để bơm bóng bay rất đắt. Một quả bóng sẽ mất khoảng 15.000 đồng khí thì bán không có lãi nên họ đều bơm bằng khí Hydro vừa rẻ, với chi phí chỉ khoảng 1.000 đồng/quả.

Khi đang bơm, chùm bóng hình các con vật phát nổ và anh C. bị bỏng độ 2 ở vùng tay và mặt. Sau 2 tuần điều trị, anh C. mới được ra viện.

Người dân rất khó để nhận biết khí trong quá bóng bay

Thạc sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết đa số những người vào nhập viện nổ bóng bay đều là nạn nhân của nổ bỏng bay do khí hydro và họ đều không biết quả bóng mình cầm trên tay lại có thể phát nổ.

Theo thạc sĩ Thống, để phát hiện quả bóng bay bơm bằng khí gì rất khó. Khoảng 10 năm nay, do có điều kiện kinh tế hơn nên trong các dịp sinh nhật, hội họp, mọi người thường mua bóng bay về trang trí. Do đó, những vụ nổ bóng bay cũng xảy ra nhiều hơn.

Trong vụ nổ bóng bay của bệnh nhân L. một đồng nghiệp khác của cô bị bỏng phần lưng do đi đằng trước chùm bóng bay.

Thạc sĩ Thống nhấn mạnh bỏng bóng bay không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng rất xấu đến thẩm mỹ và việc điều trị kéo dài tốn kém. Các vết bỏng thường trên diện rộng.

Thứ đồ chơi này là quả bom hẹn giờ nguy hiểm: Nhiều cha mẹ vẫn vô tư cho con chơi  - Ảnh 3.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn.

Trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hoá học trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết khí bơm bóng là khí Hydro là loại khí không màu, không mùi và rất dễ tạo phản ứng với các tác nhân bên ngoài.

Vì khí Hydro nhẹ hơn oxy nên khi bơm vào bóng bay giúp quả bóng có thể bay lên trên. Ngoài khí Hydro, chúng ta có thể sử dụng khí Heli nhưng khí này đắt và hiếm.

Còn khí Hydro rẻ, dễ mua hơn khí Heli rất nhiều. Do đó, vì lợi nhuận người ta thường lấy khí này bơm vào bóng bay bán.

Trẻ nhỏ lại có xu hướng thích bóng bay. Thậm chí, nhiều gia đình để bóng bay trong một cái hộp, hoặc trong cốp xe hơi và việc này là rất nguy hiểm

PGS Côn cho biết khi phát nổ trong không khí, nhiệt độ gây cháy có thể lên tới 500 độ C nên chỉ 1 quả bóng phát nổ có thể gây thương tích cho người cầm quả bóng.

Hơn nữa, trong quá trình sử dụng bóng bay, nguồn khí bên trong bóng bay rất dễ thẩm thấu ra ngoài, trong đó ra nhiều ở cuống bóng, chỗ buộc dây.

Chính vì thế, trong các vụ nổ, khi nạn nhân đốt dây vô tình khiến cho luồng khí bị đốt nóng, thể tích dãn nở gây ra nổ. Những vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần, có thể bỏng da tay, da mặt là những vị trí nhạy cảm.

Bác sĩ Thống nhấn mạnh cha mẹ không nên cho trẻ em chơi bóng bay vì khi cho trẻ chơi bóng bay là bạn đang cho trẻ cầm 1 quả bom hẹn giờ.

Đối với các sự kiện có sử dụng bóng bay, mọi người tuyệt đối không dùng thuốc lá, bật lửa để đốt dây lấy bóng, bảo quản tránh xa nguồn nhiệt và nguồn điện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại