Thời tiết "của" vi khuẩn
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, kiểu thời tiết lạnh và nhiều sương mù như hiện nay không tốt cho sức khỏe, vì thời điểm này không khí chứa nhiều vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Trong đó, các chứng bệnh về đường hô hấp thường diễn tiến rất nhanh, nguy hiểm cho sức khỏe.
Từ đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo khi thấy có biểu hiện ho, sốt, chúng ta phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tránh bệnh chuyển nặng.
PGS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt, cho biết số bệnh nhân vào viện khám vì các bệnh hô hấp cũng tăng lên. Bình thường trời lạnh, khô thì ít vi khuẩn, vi rút hơn, còn thời tiết như hiện nay thì người dân hết sức cẩn trọng.
Theo bác sĩ Hoài An, hầu như năm nào vào thời gian giao mùa cuối đông, đầu xuân là mùa vô cùng khắc nghiệt với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Lý do là khi độ ẩm cao, thậm chí có nơi độ ẩm lên tới gần 100%, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, vi khuẩn sinh sôi. Chính vì thế, thời tiết này nguy cơ mắc các dịch cúm, dịch liên quan đến vi rút bùng phát nhiều.
Cúm thường hoặc cúm B đều là chủng hay gặp nhất và có thể gây viêm phổi cho bệnh nhân. Khi có dấu hiệu cảm cúm, nếu sử dụng thuốc cảm cúm không có tác dụng thì người bệnh cần tới bệnh viện ngay vì rất dễ bị biến chứng nguy hiểm đặc biệt là biến chứng viêm phổi.
PGS An cho biết có nhiều bệnh nhân kể cả trẻ nhỏ có dấu hiệu chảy nước mũi, nhức đầu vài ngày thì đến viện khám đã có biến chứng viêm phổi. Biến chứng viêm phổi do cúm rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong dù được cấp cứu tại bệnh viện.
Bệnh mũi dị ứng
Sương mù dày đặc cũng làm lưu lại nhiều chất độc hại, bụi, khói trong không khí. Đây là tác nhân khiến các bệnh dị ứng đường hô hấp, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp bùng phát và trở nên trầm trọng hơn.
Theo PGS An viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp nhất trong thời tiết này. Khi mới khởi phát, người bị viêm mũi dị ứng có thể cảm thấy ngứa ở mũi, họng, mắt hay ống tai. Tiếp theo sẽ là những cơn hắt hơi, kèm theo là ngạt mũi và chảy mũi dịch trong.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt
Nếu bệnh nhân là trẻ em thì có thể không hắt hơi mà chỉ ngạt mũi và chảy mũi nước trong. Các cơn dị ứng thường đến đột ngột, sau đó hết rất nhanh và cơ thể trở về trạng thái bình thường.
Bệnh viêm mũi dị ứng không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như công việc của bệnh nhân.
Theo PGS An khi bị viêm mũi dị ứng do thời tiết như hiện nay chỉ điều trị tạm thời và hầu như không thể dứt điểm. Việc phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp đó là nhu cầu tối thiểu đối với thời tiết "dở dở ương ương" như hiện nay.
Ở thời điểm này, PGS An khuyến cáo mọi người tranh thủ ngày nắng mở cửa nhà cho thông thoáng, phơi chăn, chiếu, vệ sinh rèm cửa…cho trẻ nhỏ ra tắm nắng, chạy chơi, nhưng vẫn đảm bảo mặc đủ ấm. Mũi họng phải được sử dụng khẩu trang để giữ ấm. Ngày lạnh kèm theo mưa cố gắng tránh ra ngoài, giữ trẻ kín gió.
Nhà có trẻ nhỏ có thể bật lò sưởi giữ nhiệt độ 28 độ C để trẻ thoải mái vận động, nô đùa và nhiệt độ đó đảm bảo cho đường hô hấp.
Chú ý trong ngày mùa đông như hiện nay cần duy trì rửa mũi họng cho em bé. Khi dùng nước muối sinh lý có thể hâm nóng nhỏ mũi cho em bé. Khi có dấu hiệu mắc các bệnh do thời tiết mọi người không nên tự mua thuốc điều trị bởi vì 70% số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên sinh ra do vi rút gây ra nên cho kháng sinh không hiệu quả.
Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên cần cho bé đi khám để bác sĩ xác định bệnh do vi khuẩn hay vi rút, vì do vi khuẩn mới sử dụng kháng sinh, còn vi rút phải điều trị thuốc kháng vi rút để đảm bảo điều trị bệnh hiệu quả hơn.