Thói quen thúc đẩy... đau dạ dày

BS. Trung Hưng |

Bệnh đau dạ dày là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, gây ra những cơn đau âm ỉ, cùng với tình trạng khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn,...

Một số thói quen sinh hoạt và ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh đau dạ dày.

Thói quen trong sinh hoạt

Sử dụng nhiều rượu bia và hút thuốc lá: Uống nhiều rượu không chỉ làm hại gan, khiến da bị mất nước, giết chết tế bào não mà còn gây hại trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc dạ dày bị viêm, loét hoặc xuất huyết.

Thuốc lá không những gây hại cho hệ hô hấp mà còn làm hại đến dạ dày. Người hút thuốc quá nhiều sẽ càng dễ mắc bệnh viêm dạ dày. Thành phần nicotin trong thuốc lá sẽ làm hại niêm mạc dạ dày do thúc đẩy sự co thắt mạch máu, làm giảm sự cung cấp huyết dịch cho niêm mạc dạ dày; ức chế sự tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ phục hồi niêm mạc dạ dày; thúc đẩy sự bài tiết axít và pepsin trực tiếp ăn mòn niêm mạc dạ dày.

Lạm dụng thuốc: Có nhiều loại thuốc có thể gây tai biến ở dạ dày như viêm loét và xuất huyết dạ dày nếu sử dụng không đúng. Đáng ngại hơn cả là các thuốc corticoid và các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID) như: aspirin, diclofenac, indomethacin, piroxicam...

Các thuốc corticoid có thể gây thủng dạ dày. Một trong những tác dụng phụ thường gặp do nhóm thuốc NSAID gây ra là loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết dạ dày. Các NSAID đều có đặc tính chung là các dẫn chất acid có độ tan kém. Các dẫn chất này khi ở trong môi trường acid của dạ dày lại rất khó tan, sẽ kết tụ thành từng đám trong dạ dày, tinh thể acid trong dạ dày sẽ kích thích trực tiếp gây loét.

Chịu lạnh: Dạ dày là cơ quan rất mẫn cảm với khí hậu và nhiệt độ bên ngoài. Khi cơ thể chúng ta bị lạnh, ngay cả trong mùa hè, việc ngồi lâu trong phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp, ăn uống đồ lạnh, dạ dày sẽ co thắt, gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, nôn...

Thói quen thúc đẩy... đau dạ dày - Ảnh 1.

Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây hại dạ dày.

Những thói quen ăn uống không đúng cách

Dạ dày là một cơ quan rất tuân thủ “thời gian biểu.” Trong một ngày, sự bài tiết dịch vị của nó sẽ có lúc ở mức nhiều nhất và ít nhất mang tính sinh lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa thức ăn kịp thời.

Công việc bận rộn khiến bạn quên ăn quên uống, chỉ đến khi thấy bụng sôi sùng sục mới vội ăn thật nhiều là một trong những nguyên nhân làm tổn hại dạ dày. Do đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết axit để tiêu hóa thức ăn.

Nếu không bổ sung thức ăn kịp thời, lượng axit sản sinh sẽ “phản lại” chính chủ nhân của mình, từ đó gây viêm loét dạ dày. Ăn vặt nhiều quên bữa chính hay thời gian giữa các bữa ăn không cố định chính là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.

Nếu ăn quá nhanh, nước bọt chưa tiết đủ glycoprotein và enzym amylase để nghiền nhuyễn, chuyển hóa và tiêu hóa thức ăn sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp.

Điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày.

Nhiều người có thói quen bỏ qua bữa sáng, ăn bữa trưa vội vàng mang tính qua quýt, để rồi đến bữa tối lại ăn thật nhiều hoặc trước khi ngủ còn ăn đêm sẽ khiến hệ tiêu hóa dễ dàng bị suy yếu do phải làm việc quá tải vào thời gian lẽ ra phải được nghỉ ngơi.

Bởi việc ăn tối quá no hoặc ăn đêm trước khi đi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây béo phì mà còn ép dạ dày làm việc quá tải, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây ăn mòn niêm mạc dạ dày. Lâu dần điều này sẽ dẫn đến viêm, loét dạ dày.

Khi ăn tối muộn, thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày.

Ăn uống không vệ sinh là nguy cơ mắc các căn bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn... Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh dạ dày mạn tính, lây nhiễm qua đường ăn uống không vệ sinh. Nó cũng tồn tại trong khoang miệng và nước bọt của người mắc bệnh.

Người bệnh đau dạ dày không nên ăn gì?

Không sử dụng các loại nước uống có gas hay cà phê, không uống sữa trong thời gian điều trị, thay vào đó nên chọn các loại trà thảo dược, nước lọc. Không nên ăn các loại gia vị cay nóng. Không nên uống bia rượu và hút thuốc lá...

Nên chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày. Không sử dụng thức ăn có tính axit. Các loại trái cây có vị chua (ví dụ như: cam, bưởi, chanh, me...), cà muối, giấm, mẻ, hay là một số loại nấm, nước sốt thịt cá đậm đặc, các gia vị ớt, tỏi...

Ngoài ra, cần tránh các loại thức ăn có chứa nguy cơ làm tổn thương tới lớp niêm mạc bảo vệ và khiến cho dạ dày phải co bóp và hoạt động nhiều hơn để nghiền nát như: các loại thức ăn cứng, các trái cây còn xanh cứng (cóc, ổi, xoài, táo...), hay là thịt nhiều gân, sụn...

Hạn chế ăn những loại thức ăn chế biến sẵn, khó tiêu và có chứa nhiều muối như chả lụa hay lạp xưởng, hoặc các loại thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích... Không ăn nhiều gia vị cay nóng. Các sản phẩm từ sữa không thích hợp với người đau dạ dày.

Đặc biệt, khi bạn đói thì lại càng không nên uống sữa hay ăn các sản phẩm từ sữa, bởi nó sẽ gây hại dạ dày nhiều hơn.

Thịt đỏ cũng là thực phẩm nên tránh. Khi ăn thịt đỏ sẽ làm cơ thể cảm thấy khó khăn hơn trong quá trình tiêu hóa, bởi vì các protein động vật thường sẽ có hàm lượng axit cao, cơ thể sẽ phải tăng sản xuất các loại axit trong dạ dày. Sự gia tăng axit nói trên sẽ là không tốt đối với những người đang có bệnh dạ dày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại