Thói quen đi vệ sinh tưởng tốt nhưng khiến người phụ nữ khốn khổ, hạnh phúc vợ chồng đi xuống

Ngọc Minh |

Ban đầu, người phụ nữ 40 tuổi tưởng đi tiểu nhiều là do bản thân uống nhiều nước và cơ thể đang thải độc tố, sau mới phát hiện do bệnh lý.

Sau khi điều trị thành công chứng bàng quang tăng hoạt tại khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & nam học, Bệnh viện E, chị Phương Nga (*), 40 tuổi cảm giác như được sống lại một cuộc đời mới.

Chị Phương Nga tâm sự hơn một năm trở lại đây, chị thường xuyên có cảm giác mắc tiểu. Ban đầu chị nghĩ thói quen đi tiểu nhiều là do bản thân uống nhiều nước và cơ thể đang thải độc tố.

Tuy nhiên, ngay cả khi không uống nước, chị Nga vẫn có cảm giác mắc tiểu và tần suất đi tiểu ngày một nhiều lên. Điều này khiến cho công việc và cuộc sống của chị Nga bị ảnh hưởng.

Chị Phương Nga tâm sự: “Tôi vừa đi tiểu xong và quay về ngồi vào bàn làm việc thì lại có cảm giác muốn đi tiểu tiếp. Nếu cố chịu thì bụng tôi sẽ đau ách lên. Tuy nhiên, khi tôi chạy ra đi tiểu thì chỉ đi được rất ít”.

 - Ảnh 1.

Bác sĩ Liên đang khám cho bệnh nhân. (Ảnh: Việt Hùng)

Lo lắng thận có vấn đề nên tháng 10/2023, chị Phương Nga đã đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội. Chị Phương Nga đã nhập viện điều trị nội trú. Tuy nhiên, khi được ra viện, chị lại xuất hiện cảm giác buồn đi tiểu như trước.

Theo chị Phương Nga, chị cứ loay hoay điều trị vấn đề đi tiểu nhưng không khỏi dứt điểm. Điều này khiến cho chị lo lắng, chán nản.

Ngoài ra, việc đi tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm khiền chị bị mất ngủ, sút cân, hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng.

“Tôi cảm thấy rất mệt mỏi vì bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần”, chị Phương Nga nói.

Qua tìm hiểu, chị Phương Nga đã tìm tới Bệnh viện E khám với mong muốn điều trị dứt điểm được bệnh.

Sau khi được áp dụng phác đồ điều trị, chị Phương Nga thấy thời gian buồn đi tiểu đã kéo dài hơn. Chị cảm thấy hạnh phúc như được sống một cuộc đời mới tự do, trong đầu không còn nghĩ tới việc đi tiểu nữa.

Chị Phương Nga cũng muốn nhắn nhủ tới mọi người khi có vấn đề về tiểu tiện cần tìm tới đúng chuyên khoa để được khám và tư vấn hướng điều trị.

Điều trị bàng quang tăng hoạt

TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & nam học, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân Phương Nga đã bị rối loạn tiểu tiện cách đây gần 2 năm. Trước khi tới Bệnh viện E, bệnh nhân đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Bệnh nhân cứ khoảng 15-20 phút sẽ phải đi tiểu một lần, gây ra khó chịu rất lớn.

Đặc biệt, do bệnh nhân bị rối loạn tiểu tiện kéo dài nên gây ra tình trạng đau rát bộ phận sinh dục. Bệnh nhân tâm sự có những đêm phải thức dậy đi tiểu tới 10 lần.

Việc quan hệ vợ chồng của chị Phương Nga cũng bị ảnh hưởng do khi gần gũi chị sẽ bị đau rát và gây viêm nhiễm cho cả hai người. Bệnh nhân tâm sự với bác sĩ 2-3 tháng mới dám quan hệ 1 lần.

Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ: “Tôi đã mất rất nhiều tiền bạc và thời gian để điều trị vấn đề rối loạn tiểu tiện. Điều tôi lo sợ nhất là sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình”.

Theo bác sĩ Liên, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy bệnh nhân không có viêm nhiễm. Bệnh nhân được chẩn đoán bàng quang tăng hoạt và thể tích của bàng quang rất nhỏ.

Bệnh nhân đã được tư vấn nhập viện điều trị để tăng dung tích bàng quang và tăng khoảng cách giữa các lần đi tiểu tiện.

Sau 1 tuần dùng thuốc kết hợp tập phục hồi chức năng, điều trị tâm lý, bệnh nhân đã kéo dài thời gian đi tiểu lên thành 2 tiếng/lần. Bệnh nhân không phải thức dậy đi tiểu đêm nữa.

Theo bác sĩ Liên, bàng quang tăng hoạt không phải bệnh lý gây tử vong nhưng người bệnh vẫn nên chủ động đến kiểm tra, điều trị sớm để gia giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh với chất lượng cuộc sống và tăng hiệu quả điều trị. Chẩn đoán bàng quang tăng hoạt chủ yếu dựa vào khám lâm sàng, loại trừ các bệnh lý đường tiểu dưới khác bằng những xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu hoặc siêu âm bụng để kiểm tra hệ tiết niệu.

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại