Thổi nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm virus corona không?

Hoàng Đan |

Theo đại diện Trung tâm Nhiệt đới (BV Bạch Mai), các ống thổi của máy đo nồng độ cồn chỉ dùng một lần nên người dân không nên lo lắng về nguy cơ nhiễm virus corona.

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì sáng nay để đối phó virus corona (bệnh phổi Vũ Hán), phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, khi thổi nồng độ cồn bằng máy thổi của CSGT có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch mới này không?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, không chỉ riêng đối với bệnh này mà các bệnh khác đều có nguy cơ lây nhiễm.

Vị này dẫn chứng, theo mức độ lây thì sởi là lây cao nhất, sau đó, đến các bệnh thủy đậu, cúm...

"Với bệnh này, như Tổ chức Y tế thế giới nói là từ 1,5 - 2,4 lần, tức là mức thấp. Còn việc thổi vào ống thổi đo nồng độ cồn không chỉ bệnh do virus corona mới này mà nhiều bệnh khác cũng cần lưu ý.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã đưa khuyến cáo là chỉ dùng ống thổi một lần và khi thổi cũng tính toán để không lây nhiễm. Do vậy, người dân không nên lo lắng và phải khẳng định, khi thổi riêng ống hoàn toàn không sao", vị này nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên sau đó cho hay, đối với các bệnh truyền nhiễm lây quan đường hô hấp không chỉ lây qua phương tiện thổi nồng độ cồn, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo, đề nghị các đối tượng đi về từ khu vưc có dịch hoặc tiếp túc với người bệnh, có biểu hiện sốt ho, khó thở không nên đi ra ngoài hay sử dụng phương tiện giao thông.

Trước đó, nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay đối với Việt Nam, hoàn toàn không ngạc nhiên khi có ca nhiễm bệnh từ Trung Quốc bởi lưu lượng đi lại giữa hai nước rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có động thái chủ động chống dịch.

Đặc biết, tất cả cả các bệnh nhân đều có tiền sử đi từ Vũ Hán - tức vùng phát bệnh đầu tiên. Do đó, người dân không nên quá lo lắng. Để phòng dịch, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, ho an toàn. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, người dân đến các cơ sở y tế để được điều trị.

Sau khi tham khảo các ý kiến của chuyên gia các nước, đại diện của WHO cho biết chưa đủ điều kiện để công bố sự kiện y tế khẩn cấp. Trong thời gian đó, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác sang Vũ Hán (Trung Quốc) để có thông tin chính xác trong thời gian sớm nhất.

Các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng tốt công tác cách ly, khử khuẩn, điều trị cho bệnh nhân. Người bị sốt với các triệu chứng thông thường không nên quá lo lắng.

"Chúng tôi tin rằng với năng lực của Việt Nam, rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, chúng ta có thể phối hợp cùng nhau để chống dịch, ngăn chặn chúng lan rộng", đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại