Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Iraq, củng cố mặt trận Syria

Đông Phong |

Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Iraq, ưu tiên củng cố đàm phán Syria với Nga.

Ngày 7/1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã đến Baghdad, trong chuyến thăm chính thức Iraq nhằm dàn xếp bất đồng gay gắt giữa Ankara và Baghdad.

Bất đồng giữa hai nước chủ yếu xung quanh sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq. Theo Đài Truyền hình Nhà nước Iraq, những tín hiệu tốt đã được phát đi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút các lực lượng khỏi miền Bắc nước này. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi căng thẳng leo thang từ cuối năm 2015.

Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Iraq, củng cố mặt trận Syria - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq có thỏa thuận chung.

Trước đó, phát biểu trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki tại thủ đô Baghdad, Iraq ngày 22/12, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq Faruk Kaymakci khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chủ quyền của Iraq và sẽ sớm rút binh sĩ khỏi Iraq, nhấn mạnh sự sẵn sàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Arab này.

Tháng 12/2015, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 150 binh sĩ, trang bị vũ khí hạng nặng và xe tăng tới căn cứ quân sự Bashiqa ở ngoại ô thành phố Mosul, nơi lực lượng Iraq phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giải phóng thành phố này khỏi sự kiểm soát của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kế hoạch triển khai quân này là một phần của sứ mệnh đào tạo cũng như hỗ trợ lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, phía Iraq ban đầu thể hiện khước từ lời đề nghị nghĩa hiệp và cho rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia và Iraq có thể tự giải quyết.

Tuy nhiên, trước thái độ bất chấp của Ankara, các đại diện chính quyền Iraq cũng liên tục yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khi cho rằng, sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq là vi phạm chủ quyền nước này. Thậm chí Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, việc duy trì quân đội nước này tại Iraq có thể dẫn đến “một cuộc chiến tranh khu vực”.

Phản ứng giận dữ của Chính phủ Iraq thể hiện mối quan hệ căng thẳng, tạo ra sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Baghdad và chính quyền tự trị người Kurd ở Erbil.

Là một cường quốc ở Trung Đông với đa số người dân theo dòng Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với lực lượng người Kurd ở Iraq do chính trị gia Massoud Barzani lãnh đạo hơn chính quyền trung ương do người Shiite nắm quyền kiểm soát ở Baghdad.

Do đó, kể từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức huấn luyện và hỗ trợ cho các đơn vị chiến binh người Kurd và dân quân người Hồi giáo dòng Sunni, còn có tên lực lượng Hash al-Watani tại trại quân sự Bashiqa, dưới sự cho phép của Chính phủ Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ dốc sức cho cuộc chiến ở Syria

Truyền hình nhà nước Iraq cũng không cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận rút quân nói trên. Tuy nhiên, có thể thấy được sự sắp xếp song phương giữa hai quốc gia này mà không kèm thêm một bên thứ ba trong cuộc xung đột.

Điều đó nhiều khả năng cho thấy mối quan hệ hạ nhiệt hơn có thể bởi nhân tố ở trong lòng Iraq - đơn cử như lực lượng người Kurd, lực lượng thiện chiến chống khủng bố IS hiệu quả nhất tại quốc gia này.

Theo ông Mehmet Kaya, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc Ankara điều quân tới Bashiqa là một động thái nhằm ngăn ngừa người Kurd ở Iraq đi theo đảng PKK, một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Ngoài ra, đây còn là một nỗ lực nhằm khoét sâu mâu thuẫn, xa cách giữa cộng đồng người Kurd tự trị ở Iraq với chính quyền nước này nhằm gia tăng vị thế cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Nhưng tới khi cuộc rút quân của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Iraq bắt đầu, Ankara hiện đã có một mặt trận khác mà theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều ảnh hưởng hơn nữa ở quốc gia láng giềng giàu tài nguyên.

Cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria sẽ được tổ chức tại Kazakhstan vào những tuần tới giữa Nga- Thổ Nhĩ Kỳ- Iran khiến cho Ankara có thể thêm ảnh hưởng không nhỏ tại Syria.

Tất nhiên, mặt trận này còn có những nhân tố khác nhưng việc ngồi cùng một bàn đàm phán về tương lai của Syria hay số phận của Tổng thống Assad đã từng bước chính thức công nhận sự ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại đây. Đặc biệt đây còn là cuộc đàm phán được quốc tế công nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ trong các bước đi tiếp theo sẽ chưa ngay lập tức rời khỏi Iraq mà có thể sẽ không động binh cho tới ngày hòa đàm ở Kazakhstan diễn ra suôn sẻ. Khi đó, đội quân ở Iraq sẽ có mặt trận tiếp theo để di chuyển cũng như bắt đầu cuộc chiến mới ở mặt trận mới.

Chưa kể, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria hiện nay đang gặp những khó khăn lớn khi chiến đấu chống lại lực lượng IS, hoặc cả người Kurd ở miền Bắc Syria.

Rút quân khỏi Iraq, chi viện cho Syria để không "hao người tốn của" cho lực lượng đảm bảo an ninh ở quê nhà- nơi thường xuyên xảy ra tấn công khủng bố, có lẽ sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Erdogan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại