Chiến công kỳ lạ: Tàu ngầm hạt nhân Nga tiêu diệt tàu Mỹ mà không tốn một viên đạn

Đức Anh |

Tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles (Mỹ) và Sierra (Nga) đều được trang bị hệ thống cảm biến tinh vi, nhưng chúng không phát hiện ra nhau dẫn đến vụ va chạm gây tổn thất nặng.

Theo tạp chí National Interest, sự cố hy hữu trên xảy ra vào ngày 11/2/1992. Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Baton Rouge (SSN-689), lớp Los Angeles của Mỹ đang ẩn mình ở độ sâu khoảng 20 m trong vùng nước nông ngoài khơi quần đảo Kildin, cách khoảng 64 km từ cảng Murmansk, biển Barents.

Liên Xô đã tan rã 2 tháng trước, nhưng Hải quân Mỹ muốn duy trì giám sát chặt chẽ các động thái của Hải quân Nga mới thành lập. Nhiệm vụ cụ thể của tàu ngầm Mỹ không được tiết lộ, SSN-689 có thể đang bí mật thu thập dữ liệu âm thanh về hoạt động của tàu ngầm Nga, hoặc triển khai hay thu hồi thiết bị do thám.

Sự cố ngoại giao đầu tiên

8h12', một cái gì đó bỗng nhiên đâm vào SSN-689 từ dưới lên gây thủng vỏ tàu, khiến nước tràn vào khoang dằn bên dưới. Hóa ra tàu ngầm tấn công hạt nhân B-276 Kostroma, lớp Sierra đang nổi lên thì bất ngờ đâm vào tàu Mỹ.

Chiến công kỳ lạ: Tàu ngầm hạt nhân Nga tiêu diệt tàu Mỹ mà không tốn một viên đạn - Ảnh 1.

Tháp chỉ huy của tàu ngầm B-276 biến dạng sau vụ va chạm

Vụ va chạm khiến tháp chỉ huy của tàu ngầm B-276 bị biến dạng. Một số viên gạch phản xạ âm thanh của chiếc SSN-689 bong ra và dính vào tàu ngầm Nga. Hai bên đều chịu thiệt hại nhưng không đến mức nghiêm trọng và có thể tự quay về cảng.

Điều này dẫn đến sự cố ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Nga. Ban đầu Washington phủ nhận vụ va chạm, nhưng sau đó Lầu Năm Góc thừa nhận sự việc. Moscow cáo buộc tàu ngầm Mỹ xâm phạm lãnh hải nước này để tiến hành hoạt động do thám. Phía Washington khẳng định, tàu ngầm của họ vẫn ở trong lãnh hải quốc tế.

Tàu ngầm B-276 được sửa chữa và quay lại hạm đội vào năm 1997. Trong khi đó, chi phí khắc phục của USS Baton Rouge kết hợp với tái nạp nhiên liệu hạt nhân quá đắt. Hải quân Mỹ đi tới quyết định loại biên SSN-689 cho dù nó mới sử dụng được 17 năm.

Hải quân Nga đã sơn ngôi sao đánh số 1, ám chỉ rằng B-276 đã gián tiếp tiêu diệt một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ mà không cần dùng đến vũ khí.

Góc chết của cảm biến

Có báo cáo nói rằng hai tàu đã chơi trò "mèo vờn chuột" trước khi xảy ra va chạm. Các chuyên gia loại bỏ giả thuyết này vì tàu ngầm Nga nổi lên và đụng vào tàu ngầm Mỹ. Điều đó cho thấy phía Nga không hề phát hiện ra sự có mặt của người Mỹ ở trên.

Chiến công kỳ lạ: Tàu ngầm hạt nhân Nga tiêu diệt tàu Mỹ mà không tốn một viên đạn - Ảnh 2.

Thủy thủ tàu ngầm B-276 sơn ngôi sao số 1 đánh dấu con tàu đã gián tiếp tiêu diệt một tàu ngầm Mỹ

Hai tàu ngầm đều được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) tinh vi, có thể phát hiện đối phương từ khoảng cách hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet.

Eugene Miasnikov - chuyên gia phân tích hải quân lập luận, hai tàu ngầm đang hoạt động trong vùng nước nông, tiếng ồn do sóng trên mặt biển tạo ra nhiều tạp âm, khiến sĩ quan điều khiển sonar không thể phân biệt với âm thanh từ chân vịt tàu ngầm.

Ông Miasnikov cho biết thêm, tàu ngầm Mỹ đang làm nhiệm vụ do thám nên sẽ vận hành sonar ở chế độ thụ động (chỉ thu tín hiệu phát ra từ tàu ngầm đối phương) để giữ bí mật vị trí. 

Trong môi trường nhiều tạp âm ở vùng biển nông, phạm vi phát hiện tàu ngầm lớp Sierra chỉ khoảng 102 m, thậm chí ngắn hơn nữa. Cự ly này sẽ giảm xuống bằng 0 nếu tàu ngầm Nga tiếp cận góc chết 60 độ phía sau SSN-689, khu vực không có mảng ăng ten của sonar cố định gắn trên thân tàu.

Ngược lại, tàu ngầm Nga cũng có rất ít cơ hội để phát hiện tàu ngầm Mỹ chạy êm hơn. Ông Miasnikov nhận định, chiếc B-276 đang vận hành sonar ở chế độ thụ động nên cả hai đều không phát hiện ra sự có mặt của nhau trong khu vực.

Đối với tàu ngầm, sonar là "tai mắt" duy nhất giúp nó quan sát môi trường bên ngoài. Đặc biệt, khi tàu vận hành sonar ở chế độ thụ động trong vùng nước nông thì xác suất phát hiện mục tiêu cực thấp.

Các tàu ngầm hiện đại được chế tạo với khả năng hoạt động cực êm nên rất khó phát hiện và chúng thường để sonar ở chế độ thụ động nhằm tăng khả năng tàng hình, điều đó dẫn đến nguy cơ va chạm rất cao.

Bằng chứng là năm 2009, tàu ngầm Triomphant, dài 138 m của Pháp và HMS Vanguard, dài 150 m của Anh va chạm với một cái gì đó trong đêm 6/2. Sau khi đối chiếu báo cáo cũng như các vết trầy xước, người ta kết luận rằng hai tàu đã đâm vào nhau mà không hề biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại