Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 Nga bởi một lý do duy nhất: Sự phản bội của đồng minh Mỹ?

Trung Phạm |

Bên cạnh những lo ngại về mặt kỹ thuật như vấn đề không tương thích hệ thống, Mỹ còn muốn biến thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở thành một vấn đề chính trị.

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại trở nên căng thẳng trước sự kiện Ankara nhất quyết mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 từ Nga bất chấp những phản đối kịch liệt từ phía Washington.

Hồi đầu tuần, trong cuộc hội đàm tại Moscow, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã khẳng định: Lô S-400 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ankara vào đầu tháng 7 tới.

Những phát ngôn cả chính thức và không chính thức từ Mỹ trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ càng làm cho căng thẳng giữa hai nước thành viên NATO leo thang.

Mỹ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga sẽ làm suy yếu khối quân sự này, còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì cho biết các thành viên NATO hoàn toàn có khả năng tự nâng cao khả năng phòng thủ của chính mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị đe dọa phải hứng chịu các lệnh trừng phạt trong suốt 2 năm qua và hiện nay những đe dọa kiểu này tiếp tục lặp lại trước thương vụ S-400. Nhưng bất chấp tất cả, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất cương quyết: "Hợp đồng S-400 đã được thực hiện. Chúng tôi không thể rút lại".

Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ ở cả Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện cũng đều đã lên tiếng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ với đe dọa họ có thể ngăn chặn kế hoạch chuyển giao các máy bay tiêm kích tàng hình F-35 cùng một số thiết bị quân sự khác nếu Ankara vẫn quyết tâm triển khai các tổ hợp S-400 trên lãnh thổ nước mình.

Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong dự án phát triển F-35 của Mỹ. Bên cạnh những lo ngại về mặt kỹ thuật như vấn đề không tương thích hệ thống, Washington còn muốn biến thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở thành một vấn đề chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 Nga bởi một lý do duy nhất: Sự phản bội của đồng minh Mỹ? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 tham gia một lễ duyệt binh tại Moscow. Ảnh: Vladimir Karnozov

Đồng minh Mỹ quay lưng

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NATO, thay vì ca ngợi những đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ cho khối quân sự này, các quan chức Mỹ lại chọn cách chỉ trích Ankara, một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất NATO.

Dường như Mỹ không chịu tìm hiểu xem tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại lựa chọn mua các trang thiết bị quân sự chiến lược từ Nga chứ không phải từ các đồng minh NATO.

Có một lý do rất đơn giản là Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể mua được thiết bị thay thế trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa. Nhưng quan trọng hơn, Ankara thực sự cảm thấy mình bị đe dọa bởi những hành động khác thường mà Mỹ tiến hành ở Trung Đông và Bắc Phi trong những năm vừa qua.

Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị các đồng minh NATO triển khai hệ thống tên lửa Patriot nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Syria. Thế nhưng, Đức và Hà Lan, hai thành viên NATO đã rút các hệ thống tên lửa Patriot của họ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2016 vì "những lý do chính trị".

Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 Nga bởi một lý do duy nhất: Sự phản bội của đồng minh Mỹ? - Ảnh 2.

Quá trình tái nạp đạn tên lửa cho S-400. Ảnh: Sputnik

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị mua Patriot từ Mỹ nhưng Washington đã không đáp ứng lại với một kế hoạch tài chính và chuyển giao đáng tin cậy. Các diễn biến này là những bước ngoặt quan trọng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến các hệ thống phòng không của Nga.

Thay vì giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với các mối đe dọa từ Syria, Iraq hay những nơi khác, Mỹ lại tiếp tục đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tiếp tục vũ trang và hậu thuẫn chính trị cho các tổ chức khủng bố đe dọa tới an ninh quốc gia cơ bản của Ankara.

Mặc dù đã tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng Mỹ vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria. Các quan chức Mỹ còn muốn ngăn cản các nỗ lực từ phía Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm sự lệ thuộc vào Mỹ trên lĩnh vực kinh tế và quân sự.

Trong khi đó, giảm sự phụ thuộc vào các nhân tố quốc tế trong những vấn đề an ninh quốc gia trọng yếu là một trong những ưu tiên cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ suốt 2 thập kỷ qua.

Rất nhiều Thượng nghị sĩ, quan chức cao cấp Mỹ lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn Nga hoặc Mỹ hay Nga và NATO.

Tuy nhiên với Ankara, việc mua S-400 vẫn là một thương vụ vũ khí chiến lược phục vụ mục đích an ninh quốc gia. Nga cũng đã đồng ý chia sẻ một số công nghệ để Thổ Nhĩ Kỳ phát triển các hệ thống tên lửa và cung cấp tín dụng cho Ankara khi bán S-400.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng gì có thể tồi tệ hơn là phụ thuộc vào một quốc gia đã không giúp ích lại còn thường xuyên đe dọa tới các lợi ích an ninh quốc gia cơ bản của mình.

Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga thực chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại